G7 cam kết tăng cường hợp tác ứng phó Covid-19

Theo TTXVN và tin nước ngoài, tại Hội nghị cấp cao trực tuyến, các nhà lãnh đạo Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết tăng cường hợp tác ứng phó đại dịch Covid-19.

Theo TTXVN và tin nước ngoài, tại Hội nghị cấp cao trực tuyến, các nhà lãnh đạo Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết tăng cường hợp tác ứng phó đại dịch Covid-19.

Theo đó, G7 sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển và cung cấp vắc-xin trên toàn cầu; tái khẳng định sự ủng hộ Chương trình hợp tác tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó Covid-19, dự án COVAX và quyền tiếp cận công bằng, hợp lý đối với vắc-xin…

* Thủ tướng Ðức A.Méc-ken cho biết, Ðức và các nước giàu cần phân bổ lượng vắc-xin ngừa Covid-19 đã đặt mua cho các nước đang phát triển. Bà A.Méc-ken nhấn mạnh đến yếu tố công bằng trong phân phối vắc-xin và khẳng định thế giới chỉ có thể chiến thắng đại dịch khi tất cả mọi người đều được tiêm chủng. Ðức sẽ hỗ trợ bổ sung 1,5 tỷ ơ-rô để giúp các nước nghèo tiếp cận vắc-xin.

* Ðơn vị chuyên trách vắc-xin của Liên minh châu Phi (AU) thông báo, Nga đã đề nghị cung cấp cho châu lục này 300 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, trong đó có gói hỗ trợ tài chính cho những quốc gia muốn đặt mua vắc-xin Sputnik V.

* Thủ tướng Hung-ga-ri V.Ô-ban kêu gọi người dân tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, đồng thời cảnh báo quốc gia này đang trải qua đỉnh dịch của làn sóng dịch thứ ba. Có gần 400 nghìn người ở Hung-ga-ri được chủng ngừa ít nhất một mũi vắc-xin và tất cả những người đăng ký sẽ được chủng ngừa trước Lễ Phục sinh.

* Crô-a-ti-a tiến hành đàm phán để mua vắc-xin Sputnik V của Nga dù chế phẩm này chưa được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) chấp thuận. Thủ tướng Crô-a-ti-a cho biết, nước này muốn tìm kiếm các cơ hội khác để mua các loại vắc-xin tiềm năng như Sputnik V, vì việc phân phối vắc-xin đã bị chậm ở cấp độ EU.

* Xéc-bi-a sẽ trở thành trung tâm sản xuất vắc-xin Sputnik V của Nga ở Tây Ban-căng. Tổng thống Xéc-bi-a cho biết, nước này có thể sản xuất 20 triệu liều vắc-xin Sputnik V. Hiện một phái đoàn các chuyên gia Nga đã đến Xéc-bi-a để khảo sát các điều kiện công nghệ cho giai đoạn đầu tiên của quá trình sản xuất vắc-xin.

* I-ran đã thiết lập phòng xét nghiệm phân tử hoàn toàn tự động đầu tiên để phục vụ cuộc chiến chống đại dịch. Phòng xét nghiệm này được đặt ở thủ đô Tê-hê-ran và có khả năng xử lý được hơn 10 nghìn mẫu xét nghiệm PCR mỗi ngày.

* Chính quyền Pa-le-xtin cho biết I-xra-en đã đồng ý tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 cho 100 nghìn lao động Pa-le-xtin. Chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn tại I-xra-en đang được đánh giá là nhanh nhất thế giới.

* Theo trang thống kê Worldometers.info, tính đến ngày 20-2, toàn thế giới có hơn 111,3 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó 2,46 triệu người tử vong. Số người nhiễm đã phục hồi trên toàn cầu khoảng 86,2 triệu người.

* Ðan Mạch thông báo đóng cửa một số cửa khẩu với Ðức, đồng thời tăng cường an ninh tại những khu vực khác sau khi bùng phát một ổ dịch ở thị trấn gần biên giới với Ðan Mạch. Tổng cộng, 13 cửa khẩu sẽ được đóng cửa hoàn toàn, trong khi chín cửa khẩu khác sẽ được tăng cường an ninh.

* Bộ Y tế I-ta-li-a thông báo các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn đối với ba khu vực, nhưng không áp đặt với các thành phố lớn nhất đất nước, gồm Rô-ma và Mi-lan. Từ ngày 20-2, khu vực Cam-pa-ni-a sẽ được phân loại "mầu cam", tức là vùng có nguy cơ lây nhiễm ở mức trung bình.

* E-xtô-ni-a yêu cầu đóng cửa tất cả các trường học đối với học sinh từ 11 tuổi trở lên từ ngày 22-2 tới, sau khi tỷ lệ mắc Covid-19 tại nước này trở thành mức cao thứ hai ở EU. Chính phủ ban hành các quy định mới nhằm bảo đảm hệ thống y tế có thể chống đỡ gánh nặng dịch bệnh.

* Mê-hi-cô và Mỹ nhất trí kéo dài thêm một tháng lệnh hạn chế đi lại qua biên giới chung, đến ngày 21-3 tới. Với quyết định này, lệnh hạn chế đi lại qua biên giới hai nước đã được thi hành đúng một năm, từ tháng 3 năm ngoái.

* Theo mô hình dịch bệnh mới được Chính phủ Ca-na-đa công bố, các biện pháp y tế công cộng hiện tại nhằm kiểm soát dịch có thể sẽ không đủ mạnh để ngăn chặn các biến thể của Covid-19, khiến Ca-na-đa có nguy cơ rơi vào làn sóng lây nhiễm thứ ba dữ dội và khốc liệt hơn trong mùa xuân này.

* Chính phủ Pê-ru quyết định gia hạn thêm 180 ngày tình trạng khẩn cấp về y tế để đối phó đại dịch, với cảnh báo "nguy cơ cao" dịch bệnh sẽ lây lan mạnh tại quốc gia này trong cả năm nay. Theo đó, tình trạng khẩn cấp về y tế sẽ được kéo dài đến hết tháng 9 tới.

* Tổng thống U-ru-goay ký sắc lệnh gia hạn lệnh cấm tập trung đông người thêm 30 ngày nữa trong bối cảnh áp đặt tình trạng khẩn cấp y tế do đại dịch. Hiện tình hình dịch bệnh tại nước này đang được đánh giá là ổn định sau khi Chính phủ U-ru-goay đóng cửa biên giới trong vòng 42 ngày.

* Cơ quan Hàng không dân dụng Cô-oét cho biết, nước này sẽ cho phép những người không phải là công dân Cô-oét nhập cảnh từ ngày 21-2, nhưng họ phải tuân thủ một số quy định về phòng dịch. Theo đó, hành khách đến Cô-oét trên những chuyến bay thẳng từ các nước có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ phải cách ly tập trung tại các khách sạn địa phương trong 14 ngày.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/g7-cam-ket-tang-cuong-hop-tac-ung-pho-covid-19-636022/