G7 có thể siết chặt trừng phạt ngành năng lượng, xuất khẩu của Nga
Các biện pháp mới sẽ hướng đến các hành vi lẩn tránh lệnh trừng phạt liên quan đến nước thứ ba, và làm giảm sản lượng năng lượng trong tương lai của Nga, cũng như hạn chế hoạt động thương mại của Nga.
Theo các nguồn thạo tin, các lãnh đạo của Nhóm các nền kinh tế công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự định sẽ thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Nga tại Hội nghị thượng đỉnh ở Nhật Bản trong tuần này, trong đó các biện pháp trừng phạt sẽ nhắm đến năng lượng và xuất khẩu.
Các nguồn tin này cho hay các biện pháp mới lần này sẽ hướng đến các hành vi lẩn tránh lệnh trừng phạt liên quan đến nước thứ ba, và làm giảm sản lượng năng lượng trong tương lai của Nga, cũng như hạn chế hoạt động thương mại của nước này.
Giới chức Mỹ cũng mong đợi các nước thành viên G7 sẽ nhất trí điều chỉnh các biện pháp trừng phạt để toàn bộ hàng xuất khẩu đều tự động bị cấm trừ những mặt hàng trong danh sách được chấp thuận.
Các lệnh trừng phạt hiện tại của G7 vẫn cho phép xuất khẩu tất cả các loại hàng hóa sang Nga, trừ những mặt hàng bị cấm công khai. Sự thay đổi này có thể khiến Nga khó “lách” lệnh trừng phạt hơn.
Nhiều đồng minh của Mỹ không mặn mà với ý tưởng cấm hoạt động thương mại một cách rộng rãi và sau đó đưa ra danh sách các mặt hàng được miễn.
Liên minh châu Âu (EU) có cách trừng phạt của riêng mình và đang đàm phán gói trừng phạt thứ 11 kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trong đó phần lớn các lệnh trừng phạt tập trung vào những cá nhân và quốc gia “lách” các quy định hạn chế thương mại hiện tại.
Một quan chức hàng đầu trong Chính phủ Đức cũng cho biết nước này cho rằng ý tưởng cấm tất cả sau đó đưa ra ngoại lệ sẽ không hiệu quả, thay vào đó Đức muốn các biện pháp trừng phạt phải rõ ràng, chính xác và tránh các “phản ứng phụ” không mong muốn.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev hồi tháng trước cho biết nếu G7 cấm xuất khẩu sang Nga, nước này sẽ ngừng thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Vấn đề ninh lương thực cũng được dự đoán sẽ là một chủ đề chính tại cuộc họp lần này của G7.
Hồi tháng Ba, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, cho biết EU gần như cạn kiệt các biện pháp có thể trừng phạt Nga.
Ông Borrell nói: "Không còn lại nhiều (phương án) để có thể thực hiện." Theo ông Borrell, đây là điều bình thường trong bối cảnh xung đột ở Ukraine kéo dài. Ông giải thích rằng “sẽ rất lạ” nếu còn nhiều lựa chọn.
Ông cũng cho hay EU đang tiến đến "những nấc thang cuối cùng." Giờ đây, EU cần tập trung vào việc tăng cường hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết các cuộc thảo luận của EU về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga trở nên khó khăn hơn khi liên minh đã áp đặt mọi lệnh trừng phạt nghiêm khắc có thể đưa ra đối với Moskva và “không còn nhiều biện pháp để áp dụng."
Hôm 25/2, EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào 121 cá nhân và thực thể Nga. Theo đó, các cá nhân trong diện trừng phạt sẽ bị phong tỏa tài sản tại EU và không được cấp thị thực nhập cảnh EU.
Gói trừng phạt mới bao gồm việc siết chặt các hạn chế xuất khẩu liên quan đến các loại hàng hóa có thể sử dụng vào mục đích dân sự và quân sự, cũng như các biện pháp nhằm vào một số thực thể.
Các biện pháp mới cũng tiếp tục loại một số ngân hàng của Nga, như ngân hàng tư nhân Alfa-Bank và ngân hàng trực tuyến Tinkoff, khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và giảm hơn 10 tỷ euro thương mại giữa EU và Nga.
Để chính thức có hiệu lực, gói trừng phạt mới cần được toàn bộ các nước thành viên cần phê chuẩn./.