G7 đồng ý 'tiêu' tài sản Nga, thêm khoản tiền lớn 'đổ bộ' vào Ukraine, Moscow lên tiếng

Sau hai năm tranh cãi về cách 'tiêu' tài sản Nga bị phong tỏa, ngày 13/6, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhất trí về một kế hoạch sử dụng các khoản tiền này.

Lãnh đạo các nước G7 chụp ảnh tập thể tại khu nghỉ dưỡng Borgo Egnazia, vùng Apulia, Italy ngày 13/6. (Nguồn: AFP)

Lãnh đạo các nước G7 chụp ảnh tập thể tại khu nghỉ dưỡng Borgo Egnazia, vùng Apulia, Italy ngày 13/6. (Nguồn: AFP)

Vấn đề viện trợ cho Ukraine trong chiến dịch quân sự đặc biệt với Nga đã thành một vấn đề chính trị nóng bỏng trong gần hai năm rưỡi qua. Thế giới đã cam kết viện trợ 297 tỷ Euro (tương đương 321 tỷ USD) cho Kiev. Nhưng rõ ràng, đất nước này cần nhiều hơn thế.

Vào tháng 4, một gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD (tương đương 56 tỷ Euro) cho Kiev đã được Quốc hội Mỹ chấp thuận sau nhiều tháng tranh cãi nội bộ.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang nỗ lực thống nhất những việc cần làm với khoảng 300 tỷ USD tài sản từ Ngân hàng trung ương Nga đã bị phong tỏa tại phương Tây kể từ tháng 2/2022.

Washington muốn sử dụng số tiền tịch thu được để tài trợ cho Ukraine. Nhưng hầu hết số tiền bị tịch thu đang nằm ở châu Âu và Brussels không đồng ý với cách xử lý của Mỹ.

Sau hai năm tranh cãi về cách "tiêu" tài sản Nga bị phong tỏa, ngày 13/6, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí về một kế hoạch sử dụng các khoản tiền này.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni xác nhận: "Chúng tôi đã đạt thỏa thuận nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính bổ sung ước tính 50 tỷ USD cho Ukraine trong năm nay".

Thay vì chi số tiền gốc 300 tỷ USD, kế hoạch mới sẽ sử dụng tiền lãi từ những tài sản đó - ước tính khoảng vài tỷ USD mỗi năm - làm tài sản thế chấp cho khoản vay một lần lên tới 50 tỷ USD cho Ukraine.

Yuriy Gorodnichenko, giáo sư kinh tế người Ukraine tại Đại học California, Berkeley (Mỹ) nói: "Ukraine đang chịu thâm hụt tài chính khổng lồ, khoảng 20-30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Để so sánh, thâm hụt tài chính của Hy Lạp vào thời điểm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ đã lên tới 13,5%. Một khoản thâm hụt như của Ukraine rất khó có thể giải quyết trong nước. Vì vậy, đất nước cần sự hỗ trợ quốc tế".

Giáo sư Gorodnichenko lưu ý rằng, chính phủ Ukraine, vốn cần 100-150 tỷ USD hàng năm để điều hành đất nước và chiến dịch quân sự, gần như không nhận được viện trợ nào trong hai tháng đầu năm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi thỏa thuận của G7 liên quan đến tài sản bị phong tỏa của Nga là một “kết quả quan trọng”. Ông nhấn mạnh, đây là khẳng định rằng "chúng tôi sẽ không lùi bước”.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hoan nghênh thỏa thuận là "bước tiến lịch sử".

Ông nêu quan điểm: “Đây là một cam kết rất rõ ràng sẽ khuyến khích người Ukraine làm những gì họ cần để bảo vệ độc lập và chủ quyền của mình”.

Các chi tiết cụ thể của thỏa thuận sẽ được hoàn thiện trong vài tuần tới. Khoản tiền dự kiến sẽ đến Kiev vào cuối năm nay.

Về phía Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova tuyên bố, Moscow coi những nỗ lực của phương Tây nhằm lấy thu nhập từ tài sản bị phương tỏa của nước này là phạm tội.

Bà nhấn mạnh: "Đòn đáp trả của Nga sẽ rất đau đớn đối với EU".

(theo DW, Reuters)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/g7-dong-y-tieu-tai-san-nga-them-khoan-tien-lon-do-bo-vao-ukraine-moscow-len-tieng-274982.html