Hoa Kỳ đe dọa Nga bằng lệnh trừng phạt dầu mỏ mới?

Nhà Trắng có thể tăng cường lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga, theo tiết lộ của quan chức cấp cao Hoa Kỳ. Moscow cho biết các mối đe dọa và áp lực là những công cụ duy nhất còn lại trong kho vũ khí chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Theo Phó cố vấn an ninh quốc gia về kinh tế quốc tế ông Daleep Singh, các lệnh trừng phạt đối với hoạt động buôn bán dầu mỏ của Nga có thể được thắt chặt vì doanh số bán dầu thô vẫn là nguồn thu nhập chính của Moscow.

"Tôi nghĩ chúng ta đang tiến gần đến thời điểm có thể nói về một chế độ nghiêm ngặt hơn nhiều", ông Singh nói trong một cuộc phỏng vấn với Quỹ Carnegie, giải thích rằng các hạn chế được nâng cấp sẽ ảnh hưởng đến cả đội tàu vận chuyển dầu và lượng dầu thô mà Nga được phép cung cấp cho thị trường.

 Ảnh minh họa: Theo RT.

Ảnh minh họa: Theo RT.

Bình luận về các cảnh báo, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói với RIA Novosti rằng các kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm tăng cường lệnh trừng phạt đối với nguồn cung cấp dầu của Nga là "một trong những yếu tố gây áp lực chính trị và tâm lý đối với cộng đồng doanh nghiệp Nga".

Ông đồng thời cũng tuyên bố rằng "các mối đe dọa và áp lực là những công cụ duy nhất còn lại trong bộ công cụ của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ".

Các quốc gia G7 đã đưa ra mức giá trần cùng với lệnh cấm vận đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga nhằm mục đích tấn công nền kinh tế của quốc gia này, đồng thời duy trì dòng dầu thô của Nga chảy vào thị trường toàn cầu.

Các hạn chế này được áp dụng vào tháng 12/2022 và tiếp theo là các hạn chế tương tự đối với việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga vào tháng 2/2023.

Biện pháp này cấm các công ty phương Tây cung cấp bảo hiểm và các dịch vụ khác cho các lô hàng dầu thô của Nga, trừ khi lô hàng được mua ở mức giá 60 đô la trở xuống một thùng, mức giá thấp hơn đáng kể so với giá thị trường hiện tại.

Theo Bloomberg, bất chấp khối lượng xuất khẩu tăng, giá trị xuất khẩu dầu thô của Nga đã sụt giảm tới 30% kể từ tháng 6. Hiện giá xuất khẩu dầu thô Urals của Nga đã xuống dưới mức 60 USD/thùng, mức giá trần mà phương Tây áp với dầu mỏ Nga.

Nga cũng được cho là đã sản xuất quá mức cam kết trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+. Hiện trên thị trường châu Á, giá dầu WTI và Brent đã tiếp tục đi xuống do ảnh hưởng từ quyết định cắt giảm lãi suất của Fed.

Lê Na (Theo RT)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoa-ky-de-doa-nga-bang-lenh-trung-phat-dau-mo-moi-post313222.html