G7 không kéo dài chiến dịch di tản tại Afghanistan đến sau 31/8
Lãnh đạo 7 nền kinh tế phát triển G7 kết thúc cuộc họp Thượng đỉnh trực tuyến ngày 24/8 mà không đạt được tiếng nói chung về việc kéo dài hạn chót di tản tại Afghanistan qua ngày 31/8, nhưng thống nhất sẽ làm việc với lực lượng Taliban dựa trên một số điều kiện.
Được tổ chức gấp rút sau lời kêu gọi của Anh - nước giữ chức Chủ tịch G7 năm 2021, cuộc họp Thượng đỉnh trực tuyến của các lãnh đạo 7 nước công nghiệp phát triển G7 diễn ra trong ngày 24/8 đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận trong chủ đề được quan tâm nhất là thời hạn của chiến dịch di tản người dân khỏi Afghanistan.
Tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã từ chối đề nghị từ Thủ tướng Anh Boris Johnson về việc kéo dài thời gian tiến hành cầu hàng không nhân đạo tại Afghanistan đến sau ngày 31/8, thời điểm mà chính quyền Mỹ dự tính rút toàn bộ lực lượng quân đội Mỹ khỏi Afghanistan.
Việc Mỹ rút khoảng 6.000 quân đang hiện diện tại sân bay Kabul sẽ buộc toàn bộ các đồng minh châu Âu phải chấm dứt các chiến dịch di tản do lực lượng quân đội Mỹ đang nắm quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động tại sân bay Kabul, từ việc đảm bảo an ninh đến điều hành không lưu. Lí do được phía Mỹ đưa ra cho quyết định chấm dứt chiến dịch di tản vào ngày 31/8 là mối đe dọa an ninh ngày càng cao nhằm vào quân đội và công dân Mỹ tại Afghanistan.
Việc chính quyền Mỹ từ chối kéo dài thời hạn thực hiện chiến dịch di tản tại Afghanistan được xem là một thất bại lớn đối với Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ngay sau khi thông tin từ hội nghị G7 phát ra, nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Anh cho biết, chiến dịch di tản mà quân đội Anh đang thực hiện tại Afghanistan sẽ kết thúc trong vòng 36 tiếng tới, đồng nghĩa với việc hàng ngàn người trong diện được di tản sẽ bị kẹt lại tại Afghanistan.
Nhiều chính trị gia tại Anh đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Joe Biden từ chối đề nghị của Anh, cho rằng quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Anh đã chấm dứt và hiện tại là thời điểm quan hệ Mỹ-Anh ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cố gắng xoa dịu căng thẳng, khi cho rằng các nước G7 đã đạt được phương hướng hành động chung, đồng thời yêu cầu lực lượng Taliban bảo đảm an toàn cho chiến dịch di tản.
“Ngày hôm nay, các cường quốc lãnh đạo phương Tây đã không chỉ đạt được cách tiếp cận chung đối với vấn đề di tản mà còn đề ra được một lộ trình tiếp cận với Taliban, khi nhiều khả năng Taliban sẽ lãnh đạo chính phủ tại Kabul. Và điều kiện số 1 mà G7 đặt ra là Taliban phải đảm bảo an toàn cho những người muốn rời đi từ nay cho đến ngày 31/8 và cả sau đó”, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết.
Ngoài các thảo luận về chiến dịch di tản, các lãnh đạo G7 cũng đã bàn về cách thức phản ứng với lực lượng Taliban. Là nước chủ trì hội nghị, phía Anh đã không đưa ra các đề xuất về việc trừng phạt Taliban nhưng cho biết, các nước G7 thống nhất sẽ chỉ giải ngân các tài sản bị đóng băng của Afghanistan ở nước ngoài một khi phía Taliban đồng ý thực hiện một số cam kết, như không chứa chấp các lực lượng khủng bố, chấm dứt việc buôn bán thuốc phiện và đảm bảo nhân quyền, như việc cho các bé gái được đi học đến ít nhất 18 tuổi.
Trong khi đó, phát biểu sau hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho biết, các nước cần phải tìm ra các giải pháp khác để tiếp tục thực hiện chiến dịch di tản tại Afghanistan, trong đó, có giải pháp sử dụng các chuyến bay dân sự. Thủ tướng Đức cũng thông báo viện trợ khẩn cấp 100 triệu euro cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo dành cho người tị nạn Afghanistan, đồng thời, cho biết một khoản viện trợ khác 500 triệu euro cũng đã sẵn sàng./.