G7 nỗ lực cân bằng hành động khí hậu với an ninh năng lượng

Sau hai ngày đàm phán, Hội nghị Bộ trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về khí hậu, năng lượng và môi trường tại Sapporo (Nhật Bản) kết thúc ngày 16-4 với tuyên bố G7 sẽ từ bỏ nhiên liệu hóa thạch nhanh hơn và kêu gọi các quốc gia khác hành động tương tự.

Trong tuyên bố đưa ra sau hội nghị, các Bộ trưởng G7 cam kết “đẩy nhanh việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 chậm nhất vào năm 2050”. Tuy nhiên, theo AFP, hội nghị không đưa ra được bất kỳ thời hạn mới nào về việc chấm dứt các nguồn năng lượng gây ô nhiễm như than đá. Nhận xét sau cuộc họp, Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher vớt vát, cụm từ “loại bỏ dần” dù sao cũng là một “bước tiến mạnh mẽ” nối tiếp các kết quả đạt được của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tháng 11 năm ngoái và là bước đệm tiến tới Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 28 của Liên hợp quốc (COP28) vào cuối năm nay.

Phiên họp toàn thể của Hội nghị Bộ trưởng G7 về khí hậu, năng lượng và môi trường tại Sapporo (Nhật Bản), ngày 15-4. Ảnh: Nagaland Tribune

Phiên họp toàn thể của Hội nghị Bộ trưởng G7 về khí hậu, năng lượng và môi trường tại Sapporo (Nhật Bản), ngày 15-4. Ảnh: Nagaland Tribune

Hội nghị lần này tiếp tục cho thấy sự bất đồng giữa các thành viên G7 trong việc cân bằng giữa hành động khí hậu và an ninh năng lượng. Nước chủ nhà Nhật Bản dẫn đầu phe phản đối-trong đó có Mỹ-chống lại các đề xuất do Anh, Pháp và Canada đưa ra nhằm loại bỏ than đá vào năm 2030, bởi Tokyo cho rằng mục tiêu đầy tham vọng này khó có thể thực hiện trong bối cảnh nguồn cung năng lượng toàn cầu vẫn đang bị siết chặt do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Nhật Bản-quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào năng lượng nhập khẩu-muốn duy trì khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) như một nhiên liệu chuyển tiếp trong ít nhất 10-15 năm tới, trước khi Tokyo có đủ năng lực khai thác các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Tại hội nghị ở Sapporo, nỗ lực cam kết giảm một nửa lượng khí thải từ các phương tiện giao thông trong nội bộ các nước G7 vào năm 2035 cũng gặp thất bại, song đổi lại, đây là lần đầu tiên G7 đạt đồng thuận trong việc cam kết chấm dứt ô nhiễm nhựa mới vào năm 2040.

Đánh giá về kết quả hội nghị, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol bày tỏ, các vấn đề tập trung thảo luận tại hội nghị một mặt cho thấy những lo ngại về an ninh năng lượng hiện tại của G7, một mặt đưa ra lộ trình đối phó với khủng hoảng khí hậu, đồng thời đánh giá cao Nhật Bản đã đóng một vai trò “có trách nhiệm và mang tính xây dựng”. Còn Dave Jones, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dữ liệu tại Tổ chức tư vấn năng lượng Ember cho biết: “Các cam kết về năng lượng mặt trời và gió là những tuyên bố có tầm quan trọng to lớn, bởi đó là căn cứ để loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch”.

Nhận định của ông Dave Jones xuất phát từ một điểm được cho là thành công của hội nghị, đó là việc G7 thống nhất đặt ra các mục tiêu mới đối với năng lượng mặt trời và năng lượng gió ngoài khơi, tăng tốc độ phát triển năng lượng tái tạo để tiến tới loại bỏ nhanh hơn nhiên liệu hóa thạch. Cụ thể, các thành viên G7 cam kết cùng nhau tăng công suất gió ngoài khơi lên 150 gigawatt và công suất năng lượng mặt trời lên hơn 1 terawatt vào năm 2030.

Hội nghị lần này mở đầu cho một loạt hội nghị bộ trưởng trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng tới ở Hiroshima, tập trung vào những cách thức nhằm hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 thông qua việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Bảo đảm an ninh năng lượng là một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của các Bộ trưởng G7 gồm: Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh các thành viên G7 đã áp đặt nhiều lệnh cấm vận khắc nghiệt đối với dầu và khí đốt của Nga-một trong những quốc gia xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới. Khủng hoảng năng lượng đã thúc đẩy nhiều nước trên thế giới chuyển sang sử dụng than đá và khí đốt tự nhiên như một nguồn cung thay thế, làm chậm các nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/g7-no-luc-can-bang-hanh-dong-khi-hau-voi-an-ninh-nang-luong-725238

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/575652-g7-no-luc-can-bang-hanh-dong-khi-hau-voi-an-ninh-nang-luong.html