G7 ra tuyên bố chung về vấn đề Nga - Ukraine

Tiếp tục các nỗ lực ngoại giao con thoi tăng cường nhằm tìm cách hạ nhiệt tình hình tại Ukraine

Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 19-2 đã ra tuyên bố chung về vấn đề Nga - Ukraine, trong đó khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy Nga đang giảm các hoạt động quân sự tại khu vực gần biên giới với Ukraine, đồng thời khẳng định vẫn dành mối quan tâm lớn tới diễn biến tại khu vực này.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, Ngoại trưởng các nước thuộc Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7): Mỹ - Antony Blinken, Canada - Melanie Joly, Nhật Bản - Yoshimasa Hayashi, Italy - Luigi Di Maio, Đức - Annalena Baerbock, Pháp - Jean-Yves Le Drian, Anh - Liz Truss cùng Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell chụp ảnh chung tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 bên lề Hội nghị an ninh Munich ở Đức ngày 19-2-2022

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, Ngoại trưởng các nước thuộc Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7): Mỹ - Antony Blinken, Canada - Melanie Joly, Nhật Bản - Yoshimasa Hayashi, Italy - Luigi Di Maio, Đức - Annalena Baerbock, Pháp - Jean-Yves Le Drian, Anh - Liz Truss cùng Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell chụp ảnh chung tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 bên lề Hội nghị an ninh Munich ở Đức ngày 19-2-2022

Theo tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Anh công bố, ngoại trưởng các nước này đã kêu gọi Nga lựa chọn các biện pháp ngoại giao, giảm leo thang căng thẳng, rút quân khỏi khu vực gần biên giới với Ukraine, đồng thời tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế.

Về phía Nga, Bộ Quốc phòng nước này ngày 18-2 thông báo bắt đầu rút thêm xe tăng và các xe bọc thép khác ra khỏi các khu vực gần biên giới với Ukraine. Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga khẳng định các đơn vị xe tăng của Quân khu miền Tây đã quay trở về căn cứ thường trực tại tỉnh Nizhny Novgorod sau khi hoàn thành các bài tập theo kế hoạch. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết 10 máy bay chiến đấu đã rút khỏi Bán đảo Crimea.

Trước đó, ngày 16-2, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận các cuộc tập trận tại Bán đảo Crimea đã kết thúc và các binh sĩ đang quay trở lại các đơn vị đồn trú. Thông báo cho biết các đơn vị của Quân khu miền Nam đang di chuyển về các điểm đóng quân thường trực sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia các cuộc tập trận chiến thuật định kỳ.

* Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki ngày 19-2 cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia trong ngày 20-2 để thảo luận về tình hình tại Ukraine.

Bà Psaki thông báo: “Tổng thống Biden tiếp tục theo dõi diễn biến tại Ukraine và những thông tin trên thực địa được Hội đồng An ninh Quốc gia cập nhật thường xuyên”. Theo Nhà Trắng, ông Biden đã nhận được các thông tin từ các cuộc họp tại Hội nghị an ninh Munich (Đức), trong đó có các cuộc họp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Moskva cho biết Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken vào ngày 24-2 tới. Trước đó, theo thông tin từ Nhà Trắng, cuộc gặp này được lên kế hoạch vào ngày
23-2. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh sẽ nỗ lực tìm kiếm biện pháp ngoại giao để giải quyết tình hình liên quan Ukraine.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Zelenskiy đã có cuộc điện đàm khẩn cấp với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron để thảo luận về các biện pháp làm giảm leo thang căng thẳng nhanh chóng cũng như giải quyết các vấn đề chính trị - ngoại giao ở miền Đông Ukraine. Tại cuộc điện đàm, ông Zelenskiy khẳng định sẵn sàng đối thoại với Moskva. Phủ Tổng thống Pháp cho biết theo kế hoạch, ông Macron sẽ có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào lúc 10 giờ GMT (tức 17 giờ giờ Hà Nội).

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 20-2 thông báo Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã nhất trí hợp tác nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng liên quan đến Ukraine. Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị an ninh Munich, ông Hayashi cũng kêu gọi thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Về phần mình, ông Stoltenberg khẳng định Nhật Bản là một đối tác quan trọng của NATO trong nhiều lĩnh vực.

TTXVX

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thegioi/202202/g7-ra-tuyen-bo-chung-ve-van-de-nga-ukraine-3103908/