Gã con nuôi vung dao cắt đứt hạnh phúc một gia đình
Nhà đông anh em nên Lò Văn Non, SN 1982, trú tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã được cho nhà bác họ nhận làm con nuôi. Dù được nuôi nấng, chăm lo cho cuộc sống nhưng trong cơn say, anh ta đã không làm chủ được bản thân và đã gây ra trọng tội với chính cha nuôi của mình...
Đêm định mệnh vì rượu
Theo tâm sự của phạm nhân Lò Văn Non thì anh ta sinh ra trong một gia đình đông anh em, bố mẹ làm nương rẫy không có tiền nuôi con, phải cho 2 chị em đi làm con nuôi ở nhà bác họ. Bác họ Non làm giáo viên cấp 2, hai vợ chồng ông Hòa (bố nuôi Non) không có con, kinh tế cũng tạm ổn. Ở gia đình mới, Non có nhiều điều kiện hơn. Thế nhưng, Non chỉ học hết lớp 8, vì không theo được nên phải nghỉ học ở nhà làm nương rẫy. Rồi Non cưới vợ, 1 người con gái gần nhà bố nuôi, kém Non 2 tuổi. Vợ chồng Non cũng chung sống với bố mẹ nuôi trong một mái nhà. Do bố nuôi là người có học thức nên sống ở gia đình ấy, cuộc sống của Non khá đầm ấm, vui vẻ.
Trước những ngày xảy ra sự việc đau lòng Non và ông Hòa đang xây dựng một cái quán ở phía ngoài để làm ăn. Cả nhà dự tính, Non thì sửa chữa xe máy, vợ sẽ đi học may còn bố nuôi dạy học thêm ở nhà, mẹ nuôi trông coi ruộng vườn và chơi với các cháu trong nhà. Viễn cảnh về một cuộc sống đại gia đình đầm ấm và sung túc với việc làm cho tất cả mọi người nhưng đã đổ bể dở chừng vì rượu.
Theo tài liệu điều tra, mùng 2 Tết năm 2010, Non đi uống rượu về nhà cùng với vợ trong tình trạng ngà ngà say, Non bị bố nuôi mắng. Thấy bố nuôi cầm dao đuổi đánh, 2 vợ chồng Non sợ hãi bỏ chạy nhưng ông Hòa vẫn đuổi theo. Khi không chạy được, vợ Non đã quay lại xin bố nuôi tha cho. Tuy nhiên, trong lúc giằng co, con dao đã gây chảy máu ở tay vợ Non. Non bảo, anh ta chỉ nhớ rằng lúc đó thấy máu chảy ra từ tay vợ rất nhiều nên cơn giận bùng lên. Non giật lấy con dao và đâm ông Hòa thế nhưng khi thấy bố nuôi gục xuống thì hốt hoảng cởi áo bịt vết thương cho ông rồi gọi người đưa đi cấp cứu. Ông Hòa được đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong sau đó 2 tiếng. Biết tin bố nuôi mất, sáng hôm sau, Non ra UBND xã đầu thú. Quá trình điều tra và đưa ra xét xử, Non phải đối diện với bản án Chung thân về tọi Giết người.
Gia đình là động lực...
Về trại giam Nam Hà (Bộ Công an) cải tạo, phạm nhân Lò Văn Non bảo rằng đã hơn chục năm rồi, nhưng chưa bao giờ anh ta thấy nguôi ngoai, ân hận. Nhớ lại những ngày đầu về cải tạo ở trại giam, Non bảo ngày đó không tài nào ngủ được, thậm chí cơm cũng không thể nuốt nổi mặc dù bụng réo ầm ầm vì đói. Nghĩ về tội lỗi của mình; nghĩ̃ đến những ngày đầm ấm sum vầy,… Non ân hận, tiếc nuối… Non nghĩ về bố nuôi, nghĩ đến những lần ông thức đêm trông Non ốm, cõng con nuôi đến trường trong mưa gió hay những lần ông dạy Non học bài… Càng nghĩ, Non lại càng ân hận rồi cứ thế ngồi một mình trong góc buồng giam và khóc.
Sống trong trại giam, Non bảo cũng được người nhà xuống thăm nhưng thưa thớt, bởi họ cũng không có điều kiện, bên cạnh đó đường lại xa. Non bảo rằng, mình nhớ mãi lần đầu tiên gia đình xuống thăm, có cả bố mẹ đẻ, mẹ nuôi và đứa con đầu, tất cả đều khóc rất nhiều. Vợ Non từ ngày chồng vào tù, gánh nặng gia đình đổ lên vai. Thấy vợ gầy, già đi nhiều vì vất vả, Non thương lắm nhưng chẳng biết làm thế nào.
Theo cán bộ quản giáo ở trại giam Nam Hà, khi mới vào trại Non cũng có thời gian rơi vào trầm lắng. Nhiều lần bỏ bữa và có lần còn bỏ cả lao động. Anh ta ăn uống thất thường, nhiều khi lại bỏ bữa và mất ngủ. Chính vì thế mà vào trại cải tạo được hơn một năm thì Non mắc chứng đau dạ dày. Cũng vì nhịn ăn và suy nghĩ mà trong một trận đau bụng, Non đã phải mổ cấp cứu vì thủng dạ dày. Sau lần đó, được cán bộ y tế trạm chăm sóc nhiệt tình, những phạm nhân cùng buồng giúp đỡ, Non mới nhận ra được cuộc sống còn nhiều điều quý giá, không thể tự hủy hoại đời mình. Bên cạnh đó, nắm được tâm lý đó, cán bộ trại giam đã gọi Non ra gặp riêng, chia sẻ và để cho anh ta nói những nỗi lòng của mình. Khi được tâm sự, Non đã nhận ra giá trị cuộc sống và biết được đích đi của mình, rằng chỉ có con đường lao động chăm chỉ và tinh thần lạc quan thì ngày về mới ngắn lại được. Vì thế, những năm gần đây, năm nào Non cũng xếp loại cải tạo khá – tốt.
Tâm sự với chúng tôi, Non bảo dù hơn chục năm trôi qua, nhưng vợ Non vẫn quan tâm, chăm sóc gia đình và động viên anh ta cải tạo. Vì vậy, đó là động lực lớn nhất để anh ta phấn đấu, cải tạo để quay về. Với những nỗ lực ấy, ngày xuống án có thời hạn của Non cũng đang cận kề và như vậy, ngày về của nam phạm nhân này sẽ đang ngắn lại...