Ga Đà Lạt - nhà ga xe lửa đẹp nhất Đông Dương
Ga Đà Lạt không chỉ là một công trình kiến trúc đặc sắc của thành phố Đà Lạt, mà còn là nơi ghi dấu ấn đặc biệt trong lịch sử ngành Đường sắt Việt Nam.
Kiến trúc ga Đà Lạt mô phỏng 3 đỉnh của núi LangBiang và những mái nhà rông Tây Nguyên.
Tuyến đường sắt độc đáo
Ga Đà Lạt nằm trên đường Quang Trung (phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), cũng là nhà ga xe lửa duy nhất của khu vực Tây Nguyên. Ga Đà Lạt gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển đô thị “xứ ngàn thông”, được coi là nhà ga xe lửa cổ đẹp nhất Việt Nam và Đông Dương.
Ga Đà Lạt được xây dựng từ năm 1932 đến năm 1938, nằm trong tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, kết nối thành phố cao nguyên với Phan Rang (Ninh Thuận). Tuyến đường sắt này dài 84km, độ chênh cao toàn tuyến là 1.500m, được khởi công từ năm 1908 theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Năm 1932, tuyến đường hoàn thành cũng là thời điểm xây dựng ga Đà Lạt. Toàn tuyến có 12 nhà ga, 5 hầm chui, là một tuyến đường sắt đặc biệt bởi có 16km đường sắt răng cưa leo dốc, với độ dốc trung bình 12%. Khi ấy, đường sắt và đầu máy có bánh xe răng cưa chỉ có ở Thụy Sĩ và Việt Nam.
Năm 1972, tuyến đường sắt này bị chiến tranh phá hủy. Năm 1975, đất nước thống nhất, tuyến này được khôi phục nhưng chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn do hiệu quả kinh tế kém. Hệ thống đường ray, dấu vết đường sắt răng cưa bị tháo bỏ. Các nhà ga bị bỏ hoang.
Nhà ga Đà Lạt được thiết kế bởi hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Revéron, với kiến trúc đậm tính bản địa. Cấu trúc công trình mạch lạc, khoa học song hình thức rất tinh tế. Công trình có bố cục đối xứng, với khối kiến trúc ở giữa mô phỏng 3 đỉnh của núi LangBiang và những mái nhà rông Tây Nguyên; hai bên là hai khối kiến trúc trải dài. Chính giữa công trình, bên ngoài, dưới mái có mặt đồng hồ to ghi lại thời gian bác sĩ Alexandre Yersin phát hiện ra Đà Lạt. Ở khối giữa, phía trước có hai sảnh, một dành cho hành khách và một là sảnh hàng hóa. Giữa hai lối đi này là nơi chờ tàu. Khối kiến trúc giữa này chỉ có 1 tầng với không gian rộng và chiều cao lên tới mái. Về tổng thể, kiến trúc công trình hài hòa với thiên nhiên và là một điểm nhấn đô thị độc đáo. Ga Đà Lạt được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 2001.
Hồi sinh cung đường sắt huyền thoại
Hiện nay, nhà ga Đà Lạt đã bị tách khỏi hệ thống đường sắt quốc gia Việt Nam, nhưng vẫn là một điểm du lịch hấp dẫn. Nhà ga duy trì một đoàn tàu du lịch gồm 1 đầu máy và 4 toa đi - về tới ga Trại Mát (phường 11, thành phố Đà Lạt), nằm ở phía đông, cách Đà Lạt 7km, đi mất khoảng 25 phút. Trên cung đường này, du khách có thể ngắm nhìn phong cảnh ngoại ô lãng mạn của thành phố. Ở điểm cuối là ga Trại Mát, du khách có thể tới tham quan chùa Linh Phước (còn gọi là chùa Ve Chai) - một ngôi chùa nổi tiếng, độc đáo. Bên cạnh đó, ga Đà Lạt vẫn bán vé liên vận trên tuyến đường sắt Thống Nhất, đi từ ga Nha Trang (Khánh Hòa) và phục vụ xe ô tô trung chuyển Đà Lạt - Nha Trang.
Cùng với các công trình nổi tiếng của Đà Lạt như: Nhà thờ Chính tòa, dinh Bảo Đại, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt..., ga Đà Lạt là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi đến thành phố Đà Lạt. Tại đây còn trưng bày đầu tàu hơi nước cổ và một quán cà phê nằm trong một toa tàu. Khung cảnh lãng mạn cùng kiến trúc cổ kính của nhà ga là nơi mà nhiều người tới “săn” những tấm ảnh đẹp. Anh Hoàng Đình Trung, một thợ ảnh ở Đà Lạt, cho biết: “Tuần nào tôi cũng tới đây để chụp ảnh cưới cho các đôi uyên ương. Đây là một trong những nơi chụp ảnh đẹp nhất của thành phố và là điểm đến hàng đầu của du khách khi tới Đà Lạt”.
Nhận thấy ý nghĩa của công trình ga Đà Lạt và tuyến đường sắt huyền thoại, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ trương khôi phục tuyến đường sắt này nhằm bảo tồn công trình kiến trúc, góp phần phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của các địa phương trên tuyến. Theo đề xuất, tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được khôi phục có điểm đầu là ga Tháp Chàm, điểm cuối là ga Đà Lạt, dài khoảng 84km, đi qua địa bàn thành phố Phan Rang, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và huyện Đơn Dương, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).
Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư - Hợp tác quốc tế Cục Đường sắt Việt Nam cho biết: “Việc khôi phục tuyến đường sắt này sẽ đem lại hiệu quả lớn trong phát triển vận tải đường sắt kết nối khu vực Tây Nguyên và cảng biển, cũng như lưu thông hành khách, hàng hóa giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận”.