Gã hành khất trên những vùng đồi núi trọc

Từ nay ta bắt đầu vào thế kỷ hành khất nguyên sinh, hành khất màu xanh tráng lệ kia. Hành khất muôn loài. Hành khất sông, thác, đầm lầy, khe nguồn, hương sắc, và thơ mộng. Và hành khất cả Yàng.

Nhiệt đới và Luật Rừng

Ta hỏi nhiệt đới về những thâm trầm từ những mảng nguyên sinh ngàn vạn loài ở bề mặt, và hỏi thêm tầng tầng bao thứ khoáng sản nuôi chặt dưới đó. Tráng lệ như những rừng cây to lớn tưởng chừng bất tận, những bầy hoang thú an nhiên được sống. Chúng sống giữa thanh bình với trùng điệp sục sôi. Những mir (*) (rẫy trồng lúa cạn, hoa màu), những sêré (ruộng nước), những rông (nhà cộng đồng làng), những hìu jầng (nhà dài), những bòn (làng) người. Những dà t’lung (bến nước cùng lấy uống), những lễ thổi tai (làm lễ cho đứa trẻ sơ sinh thành người); lễ cúng mưa, ra hạt; cúng rẫy, cúng ruộng, cúng lúa mới, cúng Yàng chi (thần cây)...

Rừng bao bọc sinh tồn. Rừng đẻ ra rẫy, ruộng, chuồng, trại, nhà, hương, sắc cộng đồng. Rồi “đẻ” luôn ra văn hóa, tâm linh, tư tưởng, lề thói, lễ tục, hiểu biết, tâm hồn. Những dáng người gùi sơn nguyên băng qua những thời đại. Tiếng róc rách của dà chơróh (khe) đơn sơ thế thôi mà đựng cả một thế giới, một trời nhân sinh, một rừng tư tưởng cùng ngọn nguồn tinh tế và tử tế. Ôi, xứ sở mà cái gì cũng mênh mông. Mộc mạc mà chót vót cao ngời, gần gũi mà không “cầm” được tay.

Chẳng phải thứ nhiệt đới xích đạo hà khắc ở Tây Phi phương trời xa kia, nơi đây nhiệt đới gió mùa, tràn đầy ẩm thấp, mát và ấm, chất ngất hai mùa mưa - khô. Dung chứa tất cả trên những dải núi, thảo nguyên, đồi thấp, thung lũng, đầm lầy, vách rừng... Ai có mặt, “thả” giống gì xuống cũng có cái thu về, và thu luôn được nhiều hơn nơi khác. Quá dễ kiếm sống, và quá dễ để an lành, phỉ sức hân hoan.

Trạng thái của Tây Nguyên quá lớn, quá sinh động. Và thần thái của Tây Nguyên thì quá lạ.

Nên nó vẫn cứ thân gần mà vẫn cứ xa xăm.

Với “người sơn nguyên” thì càng mênh mông hơn về thứ thế giới xã hội và thế giới tinh thần chạm đến đất trời ở họ. Họ không thể bị đứt mạch liên thông với thiên nhiên, vũ trụ. Một miếng đất họ làm xong một mùa rồi vứt đó, ba mùa sau trở lại đốt cỏ để tái sinh dinh dưỡng tự nhiên cho đất...

Gỗ từ rừng tự nhiên lá rộng đưa tạm về đây, để chờ đi tiếp.

Gỗ từ rừng tự nhiên lá rộng đưa tạm về đây, để chờ đi tiếp.

Người bản địa sơn nguyên cứ sống như không gì e ngại. Kon chau ngài - người từ xa lạ đến, họ cứ gật đầu “welcome!”. Họ chẳng cần phải đi xứ đâu, cũng chẳng quan trọng về nơi xứ người, bản chất người, thế giới của “người” hay cách sống của kon chau ngài ấy...

Còn ta khư khư ôm những miếng đất, lô đất, ôm cái nhà, mảnh ruộng, và “đè” đất ra bắt sinh lợi kiệt cùng, không cho đất “nghỉ” thở và khiếp nhất là sợ mất nó bởi đồng loại. Tâm thế với cuộc sống thì phố cũng gắn camera, nhà cũng gắn camera, trang trại cũng gắn camera, và đất cũng gắn camera. Cảnh giác và hoài nghi tất cả - nỗi ám ảnh nhau khủng khiếp, lấp đầy trí não. Niềm tin vào loài mình - loài người, lùi lại. Tâm hồn sống “vũ trang” đến thế lấy đâu còn thăng hoa, tự nhiên, cảm xúc, lung linh nhân tính, chan hòa, giao cảm...

Luật Rừng là luật cộng sinh. “Luật” của thứ khế ước siêu hình với thiên nhiên, cam kết giao hòa, công bằng, sinh tồn cân bằng, là minh triết từ trong thâm sâu ở mọi loài. Không loài nào được hủy diệt loài nào. Loài người tích trữ lương thực vừa đủ, đến giáp mùa. Còn các loài khác thì ăn từng bữa, dù “ăn nhau” nhưng không chiếm hữu, đủ no, thỏa mãn bữa đó, mà không được tích trữ, hồi môn, làm giàu, sắm sửa, đổ vàng, đầu tư bất động sản, mua cổ phần cổ phiếu, hay kiếm thêm quốc tịch nước ngoài.

Luật Rừng là luật không bôi xóa, cưỡng bức, dọn sạch nguyên sinh; không bạt núi, san đồi, lấp hồ, nuốt sông, đục khoét, dời non, nghiến tâm bứt đầu làm đổi khác cấu trúc của thiên nhiên. Là như trong luật tục của làng, ai chặt hạ cây sai quy ước, quá mức để cất nhà, làm chuồng trại; đụng chạm rừng núi bừa bãi; lấy lá hoặc rễ cây độc thả xuống suối sông làm chết cá, hay săn bắn phải con thú đang mang thai... sẽ bị trục xuất khỏi cộng đồng, đi đâu thì đi nhưng không có tử hình, chửi rủa, hay ném đá.

Lấy tấm lòng và đạo đức để thuần hóa, giáo dục nhau thay vì trừng trị, tiệt trừ, loại bỏ. Nhờ vậy mà không làm tổn thương thiên nhiên, nhân tâm. Sống thiện lương rốt mực. Luật Rừng là luật nhân bản đến cùng. Luật căn bản sống trên dương thế đầu tiên và luật cuối cùng.

Yàng biết đi đâu...

Người sơn nguyên thường xuyên làm những lễ tạ ơn thiên nhiên, qua hình tượng Yàng (thần), để tỏ lòng biết ơn rừng đã cho sản vật mà sống, cây để làm nhà, nước để uống, đất để có ngũ cốc, hoa trái, thịt thà để ăn, không gian để vui tươi, sinh con đẻ cái. Còn kon chau ngài thì không nhận thức thế đâu, nên họ mới “thẳng tay” với rừng: khai thác gỗ để buôn, lấy đất rừng để bán; đào khoáng sản, bạt núi ngăn sông, và không bao giờ họ làm lễ kính tế tri ân cây cối, nguồn nước, vạn vật, rừng.

Tây Nguyên còn gần như nguyên cấu trúc thiên nhiên - thảo mộc - muôn loài - xã hội - bản sắc - văn hóa - nền văn minh tuyệt vời... cho đến bốn mươi lăm năm cách nay. Bởi trong nhận thức cốt lõi và tình cảm của người Tây Nguyên bản địa thì Yàng rất thiêng liêng, công bằng và tốt bụng. Yàng “cai quản” và chi phối cả thiên nhiên, đất trời, mọi thứ trong rừng, để che chở và nuôi sống muôn loài. Rừng, núi, sông, suối, cây, mùa màng, sinh hoạt... vừa là cuộc sống sinh học vừa là thế giới tinh thần, văn hóa, tâm linh. Vì vậy mà ở đâu cũng “có Yàng”. Khi con người muốn can thiệp lớn nhỏ vào thiên nhiên phải nghĩ đến trách nhiệm và hậu quả, nên “phải xin phép” Yàng. Thành kính làm lễ cúng khi “đụng” vào rừng, vào suối, vào cây, vào núi non.

“Xin phép”, dù đấng ấy vô hình, siêu nhiên, không trực tiếp can thiệp cơ học hay phán xét hành vi của ta.

Vẫn cứ “xin”!

Khi không ai giám sát mà mình vẫn tuân thủ đạo đức thì mới là có nhân tính, thành tâm. Nên không hạ cây bừa bãi, không có tàn phá rừng, không có lấp sông lấp suối, bạt núi xẻ đồi, buôn gỗ, bán khoáng sản, đất. Là người ta sống nghĩ về đạo lý, là sống bằng “tâm” chứ không phải lý trí. Khác cách sống thuần túy duy lý là sẽ mổ xẻ mọi điều bằng lý tính theo hướng có lợi vật chất hay không và từ đó không còn biết “sợ” gì nữa. Là không còn đặt mình trong mối liên hệ, quan hệ nào nữa. Và không có lòng biết ơn dù sự thật cái ơn đó đang sát thực, hiện hữu và rất lớn lao.

“Mưa trên những cánh rừng xõa tóc/ Con sông trào lên nước mắt của rừng/ Nước ở trên gùi chứ không ở dưới sông” (thi sĩ Lê Vĩnh Tài).

“Mưa trên những cánh rừng xõa tóc/ Con sông trào lên nước mắt của rừng/ Nước ở trên gùi chứ không ở dưới sông” (thi sĩ Lê Vĩnh Tài).

Tâm linh, lương tri, đạo đức, tôn giáo chỉ sinh ra ở loài người. Chính nó làm con người thành loài thượng đẳng. Thế nhân vì quên thẩm định sòng phẳng nên không nhận ra người ở thành phố đang đầy hoang dã, còn kẻ ở rừng từ lâu đã không còn “hoang dã”. Những thứ “hoang dã mới” chỉ sinh sôi ở xã hội đô thị: lòng tham, tiêu dùng, sân si, địa vị, ái tình, bán mua, tâm hồn, ăn uống món lạ của hiếm... Người sơn nguyên thì chỉ bám vào nền đức hạnh, để sống trọng muôn loài, quý không gian mình sống, thiên nhiên.

Nhờ vậy, rừng còn.

Thế giới tinh thần của người sơn cước với rừng là quan hệ ái tình, máu - thịt, một trong hai vắng mặt nhau nó đau đớn vô cùng. Cái còn lại sẽ cô đơn, sẽ mỏi mòn, và chắc chắn sẽ khô héo. Thiên nhiên là cuốn giáo trình cơ bản về lòng biết ơn, nhân tính, đạo lý. Chỉ khi nào còn thiên nhiên, còn rừng, thì tính lành thiện của không gian sống mới còn thực, sự bình thản của con người mới hiện hữu. Đứt mạch, thực thể sống nào cũng chết; mọi vớt vát bằng chữ nghĩa, khẩu hiệu tự nó đã lạc hồn, vô tính.

Văn hóa giải trí tồn tại bất cứ kiểu nào, thời khắc, môi trường nào, bởi nó chỉ cần “vui” vặt. Nhưng văn hóa bản sắc và tinh thần thì nẩy mầm và lớn lên trên hơi thở người đời, lề thói, tâm linh, chìm nổi kiếp nhân sinh, nó bám chặt vào không gian để sinh tồn, để trở thành huyết mạch thiêng liêng.

Yàng “chơi” không lại con người.

Vì tính bất chấp chỉ có ở con người, những kon chau ngài.

Yàng đến với trần gian bằng khế ước cảm thụ, mà con người “tiên tiến” lại chỉ biết đến tiền bạc, vật chất, của cải, phương tiện; dễ bội ước vì lòng tham luôn cứ phải phình ra và cuộc sinh tồn ngày càng khắc nghiệt. Rừng núi khai hoang khắp nơi, khai thác trắng lấy gỗ bán, lấy đất lập nông trường, khu kinh tế mới, khu quy hoạch nọ kia. Yàng “bỏ đi” không lời từ biệt. Những ngọn núi, thảo nguyên, thung lũng, đầm lầy... vắng bóng Yàng. Rừng bị lột sạch khác chi Yàng bỗng bị “đuổi đi”. Yàng mất “trú xứ”. Yàng lang thang. Yàng như những gã hành khất rừng.

Yàng bỏ đi hết, những đồi trọi núi trọc cô đơn. Những thực thể oai hùng bỗng yếu lòng khi phải nhớ cây hoang. Những bàu nước sơn nguyên, những thung lũng sình lầy lẻ loi nhớ thú. Những chia ly không hẹn mùa, kỷ nguyên, thời đại.
Giữa tiền và đất, ta thấy rừng núi quá mong manh.

Rừng cạn, tiếng cing (chiêng) không biết vọng vào đâu. Trong khi mọi lễ hội, lễ vui, lễ cúng, thói tục... của người bản địa Tây Nguyên đều gắn với rừng, vì rừng mà vang lên...

Giải oan cho “rừng thiêng nước độc”

Kon chau ngài lũ lượt những thập kỷ đổ xuống rừng và lập làng mới giữa mọi núi thẳm. Phận người khốn khổ di cư tìm đất để “cắm dùi” thì làm sao mà hồi hướng để nghĩ ngợi về tội lỗi hay hủy hoại thiên nhiên.

Cứ thế, kon chau ngài nhiều dạng di cư, tuôn xuống đại ngàn như “thác lũ”. Những xóm, thôn, xã “đùng một cái” lù lù vô danh và lù lù hữu danh. Rồi cũng thành làng, thành thôn, thành xã, thành huyện, thành tỉnh rất uy nghiêm. Tây nguyên quá hấp dẫn bởi thổ nhưỡng tinh khôi và màu mỡ. Cơn thèm đất, khát đất tựa như chiếc “xe ủi” ủi vào “ rừng hoa”. Rừng bay đi từ vô tình, sơ ý, hữu ý, lẫn thơ ngây. Món hời đất bóc ra từ núi, chất chồng lên cơn đau triền miên của rừng nhưng cũng làm êm dịu đoạn trường áo cơm cho những kon chau ngài tội nghiệp lưu lạc.

Ta không làm tổn thương nào đến Tây Nguyên.

Ta chỉ là kẻ lãng du.

Ta đi như lá của bao mùa khô cũ mới rớt xuống kia.

Đi không cần hẹn giờ, không cần đích đến, hay bất kỳ ai ghi nhận điều gì. Đi như gã hành khất hơi thở đại ngàn. Đi như kẻ đã bước qua bao lần tỷ phú nên không cần của cải, giàu sang để nhìn rõ “chân dung” con người.

Đi như hôm nay là ngày cuối cùng còn được thấy Tây Nguyên bên trời.

Tác giả với một trong bao la lần thực địa chứng kiến thiên hạ “dọn sạch” những dải rừng nguyên sinh.

Tác giả với một trong bao la lần thực địa chứng kiến thiên hạ “dọn sạch” những dải rừng nguyên sinh.

Bỗng một ngày ta giật mình nhận ra nơi đây không còn huyền bí. Không còn huyễn hoặc. Không còn dồi dào sản vật. Trơ đáy những con sông. Ngàn vạn suối khe dành cho thủy điện, khu khai thác hầm mỏ, khoáng sản, khác ngàn vạn suối khe dành cho dòng sông, dân nông, cây cỏ. Thì thôi, trơ đáy đi để dòng sông gần mây thay vì soi bóng. Nhẵn bóng đi, để không còn giành giật. Khắp nơi, kể cả những vùng xó núi, cũng đã phân lô bán nền, lập khu dân cư mới, quy hoạch nọ kia.

Mọi tật nguyền của sơn nguyên được bày biện ra mà không cần che giấu.

Đây đó sông, hồ trở thành “ao”.

Đây đó núi non trở nên đồi vọng cảnh.

“View” triệu năm vườn nhà ai khôn lỏi, nhanh tay.
Ta đếm thời giờ qua mặt đất bằng bấm đốt ngón tay, không biết ấy là bấm những kỷ tiến hóa của vỏ Trái đất hay của những thế hệ người.

Ta trở thành khán giả của suối, của thác, của hồ, của sông, của những cánh rừng sót lại, và của các lối mòn lên núi. Không mắc gì phải thở dài hay phiền muộn. Ta nhảy - hát - kể Cing Tâm pớt (**), hoặc tango, disco, và hợp thời đại nhất là K-pop kia trên cái màu lung linh của đất bazan, feralit, bauxite lẫn kaolin này.

Chúc họ những tràng cười và chúc em được tự do lang thang không phải níu giữ cái gì.

Giữa tiền và đất, ta thấy núi rừng đảo điên...

Ta yêu những đại đô thành và yêu cả những sơn nguyên. Vì nó đều là những sự thật bày ra trên mặt đất. Nhưng ta biết cái nào mang “nghiệp”- Karma (***). Nên ta hỏi thăm những đô thành, thị trấn, khu dân cư gạch đá tưng bừng. Như ta hỏi thăm những bòn người nơi đầu nguồn lâu đời khiêm cung trước nguyên xanh. Ta hỏi những chiếc sớ (gùi) có gùi được núi non?

Ô hay, những tuyệt vời và những ngỡ ngàng.

Những thân thương và những mới lạ.

Những chiếc áo mới mang tên “đô thị” được mặc vào mặt đất. Mặt đất thì cái gì mà không che chở hay gánh gồng, miễn được có cái để mặc vào, thì như cỏ cây kia vậy. Nó hứng nhân gian, hứng cả khóc, cười. Vật chất và kỹ nghệ như “rác”, đầy trên thân thể địa cầu.

Những hứng khởi và những trống vắng.

Những kỷ lục và những tổn thương.

Những bản lĩnh và những rã rời.

Những ngọt ngào và những đắng chát.

Hãy thôi định thức và lập ngôn mãi nơi đầu môi “rừng thiêng nước độc” kia đi, để giải oan và chốt lại cái hồ sơ về một thế giới, miền đất. Hào phóng, nghĩa khí, bao dung, thiện lành đến vô lượng như thế cũng chưa đủ với người sao? Nếu “thiêng” thì đã sợ, không rượt đuổi, triệt xóa bởi kon chau ngài. Thực tế, rừng chỉ “thiêng” với người bản địa gắn bó buồn vui máu thịt. Nếu “độc” thì đã thường xuyên làm “chết” muôn loài.

Gán cho “nước rừng” nguy hiểm, “độc”, là bởi lòng tham thúc đẩy người ta chỉ muốn thiên nhiên “phục vụ”, dễ dàng, thuận lợi, nhanh, không có khó khăn nào khi đi khai hoang, khai thác lâm sản, khoáng sản, của cải từ thiên nhiên, chiếm ngự đại ngàn. Nguồn nước uống cho cộng đồng ở mọi thành phố hạ nguồn đều chảy ra từ những con suối, con sông thượng nguồn. Thiên nhiên thì hào phóng với con người, nhưng những con người không gắn bó ân tình với rừng thì bao giờ chẳng ích kỷ và vô đạo.

Và rừng nguyên sinh cũng có còn nữa đâu mà bảo “rừng thiêng nước độc”!

Tiếng cing buồn đã ra đi

Cũng đang là buổi khó tìm thấy ở đâu, ai cúng rừng, cúng cây, cúng sông suối nữa. Cũng chẳng đâu làm lễ cầu mưa, cúng đầu mùa, cuối mùa; mừng lúa mới; tạ bến nước, dòng sông, ngọn núi thiêng. Và cũng chẳng còn làm lễ thổi tai, lễ Pơ thi (lễ bỏ mả) hay niềm cảm hứng tạc tượng cho người “ra đi” ở nhà mồ... Nó khan hiếm như tiếng cing (chiêng) phải được “thở ra”, đánh vang trên chính không gian văn hóa sống của nó là rẫy, rừng, trên đồi, nơi bến nước, tại làng, nhà rông, và đánh lên từ nhu cầu trao đổi tình cảm tự nhiên với không gian sống. Thứ tiếng chiêng để “nói chuyện” với trời đất, liên thông với tạo hóa về sự tôn trọng và lòng biết ơn đã cho của cải từ mặt đất để sinh tồn. Chứ không phải loại tiếng chiêng thuần túy chỉ là nhạc cụ cho kỹ nghệ du lịch, xuất hiện theo “show”, hay buộc diễn trên sân khấu năm thì mười họa.

Tiếng chiêng thiêng cùng Yàng cao xanh ấy ơi, sao “ra đi” như huyền thoại xứ sở thế!

Bé thơ người bản địa này đáng yêu khi tắm say đắm với nguồn nước mát lành chảy trực chỉ từ khe vách núi rừng quê xứ.

Bé thơ người bản địa này đáng yêu khi tắm say đắm với nguồn nước mát lành chảy trực chỉ từ khe vách núi rừng quê xứ.

Cùng là nhân loại nhưng có rất nhiều “loại” người, với những nhận thức, tư tưởng, quan điểm sống và tâm hồn khác nhau. Có người rằng thanh lành, êm ấm, tối giản thì hạnh phúc, nhưng có người phải trong sự hoành tráng hoặc giữa tiếng gào thét trên một thứ quan niệm về “tiện - nhanh - lợi” nào đó mới là hạnh phúc, dẫu có khi nó như trùng trùng những mũi tên vô hình găm vào thiên nhiên, cả gây tức tửi, thương tích nhân quần.

Trong những phen nhớ rừng liêu trai quá, ta mường tượng nghe thấp thó giọng của bao nhiêu loài thú hoang đã chết oan, tuyệt chủng.

Giữa tiền và đất, ta thấy núi rừng nguyên sinh như một “đống” xương khô.

Miền xứ mênh mông sục sôi muôn loài đang hóa tĩnh vật.

Dưới mặt đất, rừng cạn, nhưng trên trời xanh thì mây rất dồi dào, vô tận. Mây mà “bán” được, tóm được, mới biết con người sẽ hành động ra sao.

Tây Nguyên đã lộng lẫy và đã bầm giập, sinh động và héo mòn. Đầy hấp dẫn và đầy số phận. Ai bảo màu mỡ, tươi ngon, rộng rãi, mát lành, dễ sống, dễ thở chi!

Từ nay ta bắt đầu vào thế kỷ hành khất nguyên sinh, hành khất màu xanh tráng lệ kia. Hành khất muôn loài. Hành khất sông, thác, đầm lầy, khe nguồn, hương sắc, và thơ mộng. Và hành khất cả Yàng.

Người ta đi, rao rẫy bán rừng.

Để suối khe lạc đường về quê quán...

Bài và ảnh: Nguyễn Hàng Tình

_________________________

(*) Chữ in nghiêng trong bài là thổ ngữ các sắc dân M’Nông, Maạ, K’ho, S’Tiêng, Bahnar bản địa.
(**) Một điệu múa - hát - kể và đánh chiêng truyền thống nổi tiếng biểu thị sự tươi vui, rộng mở, lạc quan để chào mừng “khách” của người sắc tộc M’Nông.
(***) Tiếng Sanskrit ở vùng bắc Ấn Độ về một tư tưởng Phật giáo chỉ ra kết cục của những hành vi hay lựa chọn trong quan hệ nhân - quả.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ga-hanh-khat-tren-nhung-vung-doi-nui-troc-46907.html