Gã khổng lồ an ninh mạng Kaspersky rút khỏi thị trường Mỹ

Các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến Kaspersky tuyên bố rằng các hoạt động kinh doanh tại Mỹ của họ 'không còn khả thi nữa'.

Gã khổng lồ an ninh mạng Kaspersky Labs sẽ đóng cửa dần các hoạt động kinh doanh của mình tại thị trường Mỹ, bắt đầu từ ngày 20/7.

Thông tin trên được Kaspersky công bố hôm 15/7, gần một tháng sau khi chính quyền Biden công bố kế hoạch cấm bán công ty tại nước này.

Trước đó trong ngày, Kaspersky đã không cho phép người tiêu dùng mua bất kỳ sản phẩm nào trên trang web của mình, thông báo rằng "tùy chọn mua sắm không có sẵn cho khách hàng Mỹ".

Tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã công bố kế hoạch cấm bán phần mềm chống virus do Kaspersky sản xuất tại "xứ cờ hoa", với lý do rủi ro bảo mật do ảnh hưởng của Nga đối với công ty an ninh mạng này.

Hồi tháng 6, Chính phủ Mỹ cũng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với lãnh đạo cấp cao của Kaspersky, bao gồm giám đốc phát triển kinh doanh, giám đốc điều hành, giám đốc pháp lý và giám đốc truyền thông doanh nghiệp, với lý do rủi ro an ninh mạng.

Tin tức về kế hoạch rời khỏi Mỹ của gã khổng lồ công nghệ Nga được Đài CNN đưa tin đầu tiên.

Gian hàng của Kaspersky Labs tại Mobile World Congress ở Barcelona, Tây Ban Nha, năm 2022. Ảnh: Getty Images

Gian hàng của Kaspersky Labs tại Mobile World Congress ở Barcelona, Tây Ban Nha, năm 2022. Ảnh: Getty Images

Bộ Thương mại Mỹ đã thực hiện lệnh cấm 2 bước để cho phép người tiêu dùng Mỹ có thời gian tìm giải pháp thay thế cho phần mềm Kaspersky.

Theo đó, các hạn chế mới của Chính phủ Mỹ đối với việc bán phần mềm Kaspersky trong nước, cấm tải xuống các bản cập nhật phần mềm, bán lại và cấp phép sản phẩm, sẽ có hiệu lực từ ngày 29/9.

Hoạt động kinh doanh mới của Kaspersky tại Mỹ sẽ bị chặn 30 ngày sau khi các hạn chế được công bố lần đầu tiên vào ngày 20/6.

Hiện các nhà chức trách đã đưa công ty này vào danh sách hạn chế thương mại, có nghĩa là các công ty Mỹ bị cấm tiến hành kinh doanh với công ty phần mềm an ninh mạng có trụ sở tại Moscow.

Đây không phải là lần đầu tiên Kaspersky phải đối mặt với những hạn chế. Năm 2017, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã cấm tất cả các cơ quan và ban ngành liên bang sử dụng phần mềm của công ty này sau vụ tấn công của hacker vào máy tính cá nhân chạy phần mềm Kaspersky của một nhà thầu tình báo. Năm 2018, tất cả các hệ thống quân sự của Mỹ đều "tẩy chay" Kaspersky.

Vào năm 2022, một ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Reuters đưa tin rằng Chính phủ Mỹ đã cảnh báo riêng cho các công ty Mỹ rằng phần mềm chống virust của Kaspersky có thể bị thao túng.

Kaspersky ban đầu tuyên bố rằng họ có ý định chống lại lệnh cấm tại tòa án, đồng thời bình luận rằng họ "không tham gia vào các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ".

Bây giờ có vẻ như công ty đã thay đổi quan điểm của mình. Trong một tuyên bố, họ nói rằng hoạt động kinh doanh tại Mỹ của họ "không còn khả thi nữa".

Minh Đức (Theo Reuters, Techopedia)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ga-khong-lo-an-ninh-mang-kaspersky-rut-khoi-thi-truong-my-204240717070325753.htm