Gã khổng lồ du lịch Anh phá sản, gây gián đoạn giao thông hàng không
Tập đoàn du lịch lớn của nước Anh Thomas Cook hôm nay (23/9) đã tuyên bố phá sản sau khi thỏa thuận giải cứu tập đoàn thất bại vào phút chót.
Công cuộc giải cứu thất bại cũng đồng nghĩa với việc 178 năm tồn tại và phát triển của tập đoàn chính thức chấm dứt, đẩy hàng nghìn người lao động vào cảnh mất việc làm. Sự kiện chấn động này tại Anh cũng đã khiến hàng nghìn hành khách bị mắc kẹt tại các sân bay.
Trong một thông báo, Cơ quan Quản lý Hàng không Dân dụng Anh cho biết, các giao dịch thương mại của Thomas Cook đã chính thức ngừng hoạt động. Điều này có nghĩa là các công ty du lịch thuộc tập đoàn này phải đóng cửa. Các máy bay của họ không được cất cánh và khiến 22.000 nhân viên của tập đoàn trên toàn cầu, trong đó có 9.000 nhân viên tại Anh phải nghỉ việc. Quyết định trên cũng đồng thời ảnh hưởng hoạt động đi lại của 150.000 hành khách. Các tác động ngay lập tức được cảm nhận. Nhiều du khách đã bị kẹt nhiều giờ đồng hồ tại các sân bay.
Một số khách du lịch Anh ở nước ngoài cho biết:
“Chúng tôi đã bị mắc kẹt tại sân bay nhiều tiếng rồi. Chẳng biết bao giờ mới có chuyến bay để quay trở lại Manchester”.
“Đúng là một cơn ác mộng khi kẹt nhiều giờ tại các sân bay. Giờ thì có thể làm được gì đây”.
Trong một tuyên bố trước báo giới, Giám đốc điều hành Peter Fankhauser đã gửi lời xin lỗi tới các khách hàng và người lao động của hãng.
Theo ông Fankhauser, việc tập đoàn phải phá sản là vấn đề đáng tiếc sâu sắc: “Dù đã nỗ lực nhiều tháng qua và tiến hành nhiều cuộc đàm phán liên tục trong nhũng ngày gần đây, chúng tôi cũng không có được thỏa thuận để cứu doanh nghiệp. Tôi biết, hệ quả này sẽ có sức tàn phá lớn đối với nhiều người như thế nào, gây lo lắng, căng thẳng và gián đoạn. Tôi muốn gửi lời xin lỗi tới 21.000 đồng nghiệp khi các bạn đã nỗ lực rất nhiều nhằm mang lại thành công cho Thomas Cook. Tôi cũng gửi lời xin lỗi tới các hành khách, nhưng người đang đi nghỉ ở nước ngoài và đã đặt chuyến của chúng tôi từ nhiều tháng qua”.
Trước đó, công ty này đã dành cả ngày hôm qua (22/9) để đàm phán với các chủ nợ nhằm đảm bảo có thêm nguồn quỹ hoạt động song đàm phán đã thất bại. Công ty cũng đã đề nghị sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ song cũng thất bại. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab trong một tuyên bố trước báo giới đã nói rằng, Chính phủ không tự động can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp đang gặp khó, trừ khi doanh nghiệp đó mang lại lợi ích quốc gia chiến lược.
Tuy nhiên, ông Raab cho biết sẽ đảm bảo để 150.000 khách du lịch người Anh bị ảnh hưởng sẽ không “bị kẹt” ở nước ngoài. Cách đây hai năm, sự sụp đổ của hãng hàng không Monarch đã khiến Chính phủ Anh phải có hành động khẩn cấp để đưa 110.000 hành khách bị ảnh hưởng về nước, với chi phí lên tới 60 triệu bảng Anh cho việc thuê máy bay để giải quyết hậu quả.
Thomas Cook là công ty tư vấn du lịch lâu đời nhất thế giới, do ông tổ nghề du lịch hiện đại Thomas Cook thành lập năm 1841. Nhờ sự tiên phong của Thomas Cook, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia, lãnh thổ. Những sáng kiến của ông như giá vé đoàn, tour du lịch trọn gói... vẫn đang mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp lữ hành thế giới. Doanh thu hằng năm của Thomas Cook rơi vào khoảng 9 tỷ bảng Anh và tập đoàn phục vụ 19 triệu lượt khách hàng tại 16 quốc gia trên thế giới./.