Gã khổng lồ internet Trung Quốc đặt tham vọng với chatbot kiểu ChatGPT

Baidu đang lên kế hoạch ra mắt công cụ chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) tương tự ChatGPT của OpenAI vào tháng 3, một người quen thuộc về vấn đề này nói với Reuters.

Gã khổng lồ internet Trung Quốc có kế hoạch ra mắt ứng dụng bằng cách nhúng nó vào các dịch vụ tìm kiếm chính của mình, trang Bloomberg đưa tin trước đó.

Công cụ này (tên chưa được xác định) sẽ cho phép người dùng nhận kết quả tìm kiếm kiểu hội thoại giống như nền tảng phổ biến của OpenAI.

Baidu đã chi hàng tỉ USD để nghiên cứu AI trong nỗ lực kéo dài nhiều năm nhằm chuyển đổi từ tiếp thị trực tuyến sang công nghệ sâu hơn.

Bloomberg cho biết hệ thống Ernie của Baidu (mô hình máy học quy mô lớn đã được đào tạo về dữ liệu trong nhiều năm) sẽ là nền tảng cho công cụ giống ChatGPT sắp tới.

Một đại diện Baidu từ chối bình luận về chuyện trên.

Baidu, Alibaba Group Holding, Tencent Holdings và ByteDance kiểm soát phần lớn internet của Trung Quốc. Baidu đang cố gắng vực dậy tăng trưởng trong kỷ nguyên di động, sau khi ngày càng tụt hậu so với các đối thủ lớn hơn trong các lĩnh vực như quảng cáo di động, video và mạng xã hội. Ngoài nghiên cứu về AI, Baidu cũng đang phát triển công nghệ lái xe tự động.

ChatGPT đã thu hút sự quan tâm của người dùng internet Trung Quốc. Họ chia sẻ ảnh chụp màn hình các cuộc trò chuyện đáng ngạc nhiên với ChatGPT trên phương tiện truyền thông xã hội địa phương. Điều này xảy ra bất chấp việc internet ở Trung Quốc bị kiểm duyệt chặt chẽ, phần lớn bị ngăn cách với phần còn lại của thế giới - mô hình đã giúp các công ty như Baidu phát triển mạnh tương đương Google, Amazon và Facebook.

Ngoài Baidu, một số công ty khởi nghiệp của Trung Quốc cũng đang khám phá generative AI (trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra nội dung như hình ảnh, video, nhạc) và đã thu hút các nhà đầu tư như Sequoia, Sinovation Ventures.

ChatGPT đã thắp sáng Internet kể từ khi ra mắt công chúng vào tháng 11.2022, thu hút hơn một triệu người dùng trong vòng vài ngày và gây ra cuộc tranh luận về vai trò của AI trong trường học, văn phòng, gia đình.

Các công ty đang đầu tư hàng tỉ USD để cố gắng phát triển ứng dụng trong thế giới thực, còn những hãng khác tận dụng danh tiếng của ChatGPT để gây quỹ.

Cổ phiếu Buzzfeed đã tăng hơn gấp đôi trong tháng 1 sau khi công bố kế hoạch kết hợp ChatGPT vào nội dung của mình.

Công nghệ của ChatGPT hoạt động bằng cách học hỏi từ lượng dữ liệu khổng lồ về cách trả lời bất kỳ câu hỏi nào từ người dùng theo cách giống như con người, cung cấp thông tin giống như công cụ tìm kiếm hoặc văn xuôi như tiểu thuyết gia đầy tham vọng.

Baidu có kế hoạch ra mắt chatbot kiểu ChatGPT trong tháng 3 bằng cách nhúng nó vào các dịch vụ tìm kiếm chính của mình - Ảnh: AFP

Baidu có kế hoạch ra mắt chatbot kiểu ChatGPT trong tháng 3 bằng cách nhúng nó vào các dịch vụ tìm kiếm chính của mình - Ảnh: AFP

Hôm 23.1, Microsoft cho biết đã đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI trong một thỏa thuận kéo dài nhiều năm sẽ chứng kiến gã khổng lồ phần mềm trở thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây độc quyền cho OpenAI.

Microsoft đang mở rộng quan hệ đối tác lâu dài với OpenAI thông qua một “khoản đầu tư mới nhiều năm, nhiều tỉ USD”. Khoản đầu tư này được thực hiện chỉ vài tuần sau khi có tin đồn Microsoft sẽ đầu tư 10 tỉ USD vào OpenAI, công ty tạo ra các công cụ AI phổ biến như chatbot ChatGPT và DALL-E 2.

Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, nói: “Chúng tôi đã thiết lập quan hệ đối tác với OpenAI xung quanh tham vọng chung nhằm thúc đẩy nghiên cứu AI tiên tiến một cách có trách nhiệm và dân chủ hóa AI như một nền tảng công nghệ mới. Ở giai đoạn hợp tác tiếp theo của chúng tôi, các nhà phát triển và tổ chức trong các ngành sẽ có quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng, mô hình và chuỗi công cụ AI tốt nhất với Azure để xây dựng và chạy các ứng dụng của họ”.

Thỏa thuận này sẽ chứng kiến Microsoft tăng cường đầu tư vào việc phát triển và triển khai các hệ thống siêu máy tính để hỗ trợ nghiên cứu của OpenAI. Phần quan trọng của thỏa thuận: Microsoft là đối tác đám mây độc quyền cho OpenAI. Các dịch vụ đám mây của Microsoft sẽ hỗ trợ tất cả khối lượng công việc của OpenAI trên các sản phẩm, dịch vụ API và nghiên cứu.

Microsoft cũng đang có kế hoạch triển khai các mô hình của OpenAI trên nhiều sản phẩm dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Microsoft cũng được cho đang chuẩn bị thách thức Google với việc tích hợp ChatGPT vào kết quả tìm kiếm Bing. Nhà sản xuất hệ điều hành Windows được cho đang xem xét tích hợp một số công nghệ AI ngôn ngữ vào các ứng dụng Word, PowerPoint và Outlook của mình.

Microsoft không tiết lộ chính xác số tiền họ đã đầu tư vào OpenAI nhưng đang tìm cách sử dụng mối quan hệ thân thiết này để tiếp tục thương mại hóa dịch vụ Azure OpenAI của mình.

Công ty đã bắt đầu triển khai dịch vụ này vào tuần trước. Nó bao gồm một số mô hình AI do OpenAI tạo ra như GPT-3.5, Codex và DALL-E.

Microsoft được thiết kế cho các doanh nghiệp để sử dụng các mô hình của OpenAI về cơ bản bằng cách đóng gói GPT-3.5 với khả năng mở rộng quy mô mà người dùng mong đợi từ Azure cũng như các bổ sung về quản lý và xử lý dữ liệu.

Tin đồn về thỏa thuận này cho thấy Microsoft có thể nhận được 75% lợi nhuận của OpenAI cho đến khi đảm bảo hoàn vốn đầu tư và 49% cổ phần trong công ty. OpenAI cho biết vẫn là một công ty có giới hạn lợi nhuận sau thỏa thuận này, cho phép họ tiếp tục huy động vốn.

Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, nói: “Ba năm hợp tác vừa qua của chúng tôi thật tuyệt vời. Microsoft chia sẻ các giá trị của chúng tôi. Chúng tôi rất vui mừng được tiếp tục nghiên cứu độc lập của mình và hướng tới việc tạo ra AI tiên tiến mang lại lợi ích cho mọi người”.

Microsoft đã mua giấy phép độc quyền cho công nghệ cơ bản đằng sau GPT-3 vào năm 2020 sau khi đầu tư 1 tỉ USD vào OpenAI hồi năm 2019. Hãng đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với OpenAI và cũng đang lên kế hoạch thêm mô hình chuyển văn bản thành hình ảnh AI vào Bing được cung cấp bởi DALL-E 2 của OpenAI.

Kể từ khi ChatGPT được giới thiệu vào tháng 11.2022, sức mạnh của chatbot này đã khơi dậy sự tò mò cũng như mê hoặc người dùng internet. ChatGPT có khả năng đưa ra các câu trả lời chi tiết và giống con người cho nhiều chủ đề khác nhau trong vài giây, làm dấy lên lo ngại rằng nó dễ bị lạm dụng bởi những kẻ gian lận trong trường học hoặc cho thông tin sai lệch.

Robb Wilson, chuyên gia AI sáng lập công ty phần mềm OneReach.ai, cho biết thành công chóng mặt của OpenAI một phần nhờ vào chiến lược tiếp thị thông minh. Trong đó, OpenAI giúp những người không phải là chuyên gia có thể tiếp cận nghiên cứu của mình.

Robb Wilson nói: "Việc cung cấp ChatGPT cho các nhà công nghệ là một chuyện. Cung cấp nó trong giao diện người dùng trò chuyện và cho phép những người không phải là nhà phát triển bắt đầu chơi với nó đã khơi dậy sự tò mò".

Thành lập vào cuối năm 2015, OpenAI được dẫn dắt bởi Sam Altman, doanh nhân 37 tuổi và là cựu Chủ tịch vườn ươm khởi nghiệp Y Combinator.

OpenAI đã tin tưởng vào sự hỗ trợ tài chính của những người đóng góp có uy tín ngay từ đầu, gồm cả người đồng sáng lập LinkedIn - Reid Hoffman, nhà đầu tư Peter Thiel và Elon Musk. Elon Musk phục vụ trong hội đồng quản trị OpenAI cho đến năm 2018, nhưng đã rời đi để tập trung vào công ty ô tô điện Tesla.

OpenAI cũng dựa vào một nhóm các nhà khoa học và nhà nghiên cứu máy tính do Ilya Sutskever, cựu giám đốc Google chuyên về học máy, dẫn đầu. OpenAI có khoảng 200 nhân viên vào năm 2021, theo một truy vấn được thực hiện trực tiếp trên ChatGPT.

Bất chấp sự phấn khích do ChatGPT tạo ra, OpenAI hiện vẫn chưa tìm ra con đường dẫn đến sự độc lập về tài chính.

Được thành lập như một tổ chức phi lợi nhuận, OpenAI đã trở thành công ty "có lãi" vào năm 2019 để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Tuần trước, Greg Brockman, người đồng sáng lập OpenAI, cho biết phiên bản trả phí của ChatGPT đang được phát triển. Việc tìm kiếm nguồn tài trợ dường như là cần thiết với một công ty phải trả chi phí đắt đỏ.

Trong một cuộc trao đổi trên Twitter với Elon Musk đầu tháng 12.2022, Sam Altman thừa nhận rằng mỗi cuộc trò chuyện trên ChatGPT tiêu tốn của OpenAI vài xu Mỹ.

Theo ước tính của Tom Goldstein, phó giáo sư khoa học máy tính của Đại học Maryland (Mỹ), OpenAI đang chi 100.000 USD mỗi ngày vì ChatGPT, tương đương khoảng 3 triệu USD mỗi tháng.

Việc hợp tác với Microsoft (cung cấp dịch vụ điện toán từ xa cho startup) có thể cắt giảm chi phí cho OpenAI, nhưng "dù bằng cách nào thì nó cũng không hề rẻ", Tom Goldstein khẳng đinh.

"Một số người nói rằng thật lãng phí khi đổ những loại tài nguyên này vào một bản demo", Tom Goldstein nói thêm.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ga-khong-lo-internet-trung-quoc-dat-tham-vong-voi-chatbot-kieu-chatgpt-192556.html