Gã khổng lồ pin Mỹ sẽ đổi tên thương hiệu để quay lại thị trường Nga
Duracell, nhà sản xuất pin kiềm của Mỹ thông báo sẽ quay trở lại Nga, dù trước đó đã công bố kế hoạch chấm dứt hoạt động kinh doanh tại quốc gia bị trừng phạt
Nhà sản xuất pin kiềm của Mỹ Duracell sẽ trở lại Nga dưới một thương hiệu mới vào cuối tháng 9, hãng tin Mash đưa tin hôm thứ Tư trên Telegram, trích dẫn các nguồn tin.
Theo báo cáo, các sản phẩm sẽ được bán dưới thương hiệu Opticell, với nhãn hiệu chú gấu đỏ thay vì Duracell Bunny. Giá của pin được cho là sẽ tăng gấp đôi, từ 50 lên 100 rúp (0,5 đô la đến 1 đô la) mỗi chiếc.
Văn phòng của công ty tại Nga đã giải thích về việc tăng giá do nhập khẩu song song và các yếu tố khác, đồng thời lưu ý rằng pin sẽ được sản xuất tại một nhà máy ở Trung Quốc.
Hồi tháng 4, Duracell tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường Nga và chấm dứt hoạt động kinh doanh tại quốc gia này. Ban quản lý của công ty được cho là đã ra lệnh chấm dứt tất cả các hợp đồng hiện có, bán hết hàng tồn kho, giải quyết các tài khoản với nhân viên và gửi thư cho các đối tác thông báo về việc ngừng hoạt động sắp xảy ra.
Công ty lưu ý rằng họ sẽ ngừng giao sản phẩm của mình cho các đối tác Nga, nhưng sẽ tôn trọng các hợp đồng cho đến khi hết nguồn cung.
Theo một báo cáo mới của Đại học Yale ngày 20/1, hơn 550 công ty quốc tế, trong đó có nhiều công ty đến từ châu Âu, vẫn đang kinh doanh ở Nga, bất chấp áp lực của công chúng để rút khỏi nước này sau cuộc xung đột với Ukraine.
Trong số này, 223 công ty được coi là đang hoạt động kinh doanh bình thường, bao gồm các công ty nổi tiếng từ Italy (Boggi, Benetton, Calzedonia), Pháp (Clarins, Etam, Lacoste), Đức (Siemens Healthineers, B. Braun) và Hà Lan (Philips).
Danh sách kinh doanh như bình thường cũng có sự góp mặt của một số công ty nổi tiếng của Mỹ, như Tom Ford, Tupperware và TGI Friday\'s, cũng như nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, như Alibaba, Tencent và ZTE, cùng các hãng vận tải hành khách hàng không, như Emirates Airlines, Egyptair, Qatar Airways và hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ.
Những số liệu trên được tổng hợp và cập nhật thường xuyên bởi các chuyên gia tại Đại học Yale, nhóm đã theo dõi các thông báo của công ty kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022.
Tờ The Washington Post dẫn nghiên cứu của ĐH St. Gallen (Thụy Sĩ) công bố hồi tháng 2 cho thấy ít hơn 9% các công ty thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm bảy nền kinh tế tiên tiến thế giới (G7) rút khỏi Nga, trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 11-2022.
Thống kê của Trường Kinh tế Kiev (KSE-Ukraine) tính tới đầu tháng 6, chỉ có 241 công ty nước ngoài thực sự rút khỏi Nga kể từ đầu chiến sự, 1.362 công ty chọn ở lại và hoạt động bình thường, hơn 1.200 công ty ở lại nhưng thu nhỏ hoạt động.
Đầu chiến sự Nga - Ukraine, Tập đoàn Coca-Cola (Mỹ) tuyên bố “tạm dừng hoạt động kinh doanh tại Nga”. Tuy nhiên, tháng 8-2022, Coca-Cola HBC (một công ty đóng chai có trụ sở tại Thụy Sĩ với 23,2% cổ phần do Coca-Cola nắm giữ) đã chuyển đổi công ty con của mình tại Nga là Coca-Cola HBC Eurasia thành công ty khác mang tên Multon Partners.
Điệp Nguyễn (Theo RT)