Gà loại thải Thái Lan đang 'chạy' vào Việt Nam?

Hiện có thông tin gà loại thải của Thái Lan qua Lào vào Việt Nam với số lượng khá lớn. Lượng gà nhập nhiều sẽ gây tác động tiêu cực tới ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.

Sáng nay, 27-4, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị để đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới.

Việt Nam trong tốp đàn gia cầm lớn nhất thế giới

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, tổng đàn gia cầm nói chung, đàn gà và đàn thủy cầm nói riêng những năm vừa qua có xu hướng tăng.

Giai đoạn từ năm 2018 - 2022, đàn gia cầm tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm.

“Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thủy cầm lớn thứ hai thế giới” - Cục Chăn nuôi đánh giá.

Hội nghị đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới sáng 27-4. Ảnh: AH

Hội nghị đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới sáng 27-4. Ảnh: AH

Tại thời điểm 31-12-2022, cả nước có 557,3 triệu con gia cầm. Trong Quý I-2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563,2 nghìn tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Thông tin về giá cả, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, giá gia cầm có biến động thất thường qua các giai đoạn khác nhau, dao động từ 17.000-35.000 đồng/kg hơi. Giá gà miền Bắc cao hơn miền Trung và miền Nam, tùy thời điểm. Giá bình quân từ đầu năm 2023 đến nay là 25.600 đồng/kg.

Về xuất khẩu sản phẩm gia cầm, năm 2017 đánh dấu bước ngoặt lịch sử khi lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch thịt gà tại Việt Nam sang Nhật Bản. Đến nay, Việt Nam đã đàm phán thành công xuất khẩu chính ngạch thịt gà sang Nhật Bản, Hồng Kông và 5 nước thuộc liên minh kinh tế Á – Âu gồm: Nga, Belarrus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan.

Theo Cục Chăn nuôi, năm 2022, giá trị xuất khẩu thịt gia cầm đã qua giết mổ của Việt Nam đạt gần 3,77 triệu USD, giảm mạnh so với mức 20,7 triệu USD của năm 2021. Xuất khẩu gà giống hướng trứng của Việt Nam là 793.193 con; gà trắng giống là 4.970.889 con.

Còn về nhập khẩu, cũng trong năm 2022 chúng ta nhập khẩu gần 3,4 triệu con gia cầm giống để phục vụ chăn nuôi gia cầm.

Trong năm này, Việt Nam nhập gà sống về giết mổ trên 6.000 tấn thịt hơi, tăng 100,8%. Thịt gia cầm qua giết mổ nhập khẩu về Việt Nam là 24.662,1 tấn, tăng 9,6% so với năm 2021. Thị trường Việt Nam nhập khẩu sản phẩm gia cầm chủ yếu là Mỹ, Brazil, Hàn Quốc, Ba Lan.

Nuôi gà thịt phải cho thành gà đẻ

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cho biết, bên cạnh những mảng sáng thì tỷ suất lợi nhuận sản xuất gia cầm giảm dần.

Ông Sơn ngậm ngùi chia sẻ: “Lợi nhuận ngành chăn nuôi gia cầm hai năm qua là âm. Giá thành sản xuất gà ta trong năm qua đều bán dưới giá thành. Kể cả doanh nghiệp (DN) FDI cũng đang bị lỗ. DN trong nước thì lỗ càng nặng. Đây là điều đáng báo động”.

Chưa hết, trong khi sản xuất trong nước thua lỗ thì hai năm lại đây, tăng trưởng nhập khẩu thịt gà đông lạnh, kể cả nhập lậu, tăng lên rất nhiều lần so với tăng trưởng sản xuất trong nước. Thật sự lo lắng!

Một mảng tối nữa của ngành chăn nuôi gia cầm đó là các DN nội đang bị lép vế trước các DN FDI. Số DN nội giảm quy mô đang tăng dần, còn DN FDI thì mở rộng quy mô. Các DN trong nước đang phải thực hiện gia công cho các DN FDI để cầm cự qua giai đoạn khó khăn này.

Ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh: “Cần phải có chính sách để hỗ trợ cho DN chăn nuôi gia cầm trong nước”.

Mảng tối nữa là thị trường tiêu thụ hết sức bấp bênh. Chưa bao giờ con gà thịt nuôi công nghiệp nuôi 40-50 ngày là khai thác thì phải nuôi đến 100 ngày ngày tuổi, hay nuôi gà thịt phải để thành gà đẻ. Rồi câu chuyện giải cứu trứng cũng thường xuyên xảy ra.

Để cứu ngành chăn nuôi gia cầm, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Nguyễn Thanh Sơn kiến nghị xem xét điều chính một số chính sách hiện có như chính sách tín dụng ưu đãi, giảm thuế thu nhập DN trong lĩnh vực chăn nuôi; đơn giản hóa các thủ tục để các DN dễ tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ, tiếp tục xem xét giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Cạnh đó, chúng ta cần rà soát lại chiến lược phát triển ngành gia cầm, thay vì phát triển về số lượng thì hướng sang tăng về chất lượng. Trong 5 năm tới cần xem xét kỹ lưỡng việc cấp phép các dự án mới quy mô lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi nếu không gắn với chế biến và xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ đối với nhập khẩu gà sống, sản phẩm chăn nuôi.

“Hiện có thông tin gà loại thải của Thái Lan vận chuyển qua đường bộ qua Lào vào Việt Nam số lượng khá lớn. Không chỉ vậy, tôi rất ngạc nhiên trong bản thống kê, Việt Nam nhập khẩu cả da gà, lòng mề, cổ cánh. Nhập khẩu quá nhiều gây áp lực cho thị trường tiêu thụ trong nước đang thừa cung” - ông Sơn nói.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ga-loai-thai-thai-lan-dang-chay-vao-viet-nam-post730720.html