Gabrielle Petit - bông hồng nhung của nước Bỉ
Trong Thế chiến thứ nhất, nữ điệp viên Gabrielle Petit là thành viên của một tổ chức bí mật của Bỉ chịu trách nhiệm đưa các tù binh Pháp và Anh, cũng như những người Bỉ muốn gia nhập quân đội Bỉ để chiến đấu chống Đức ở Pháp, sang nước Hà Lan trung lập. Dù chỉ sống một cuộc đời ngắn ngủi, vẻn vẹn 23 năm, nhưng bà đã làm được rất nhiều việc hữu ích cho đất nước và nhân dân mình.
“Chưa vui sum họp đã sầu chia ly”
Gabrielle Petit sinh năm 1893 ở thành phố Bỉ Tournai. Mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ, Gabrielle được gửi vào một tu viện, nơi bà học tiếng Đức thành thạo và được trang bị kiến thức về ngành y. Sau đó, bà chuyển đến sống với người dì của mình ở Brussels và làm nhân viên bán hàng tại một cửa hàng bách hóa tại thủ đô. Ở đây, bà phải lòng một thanh niên trẻ tên là Maurice Gobert. Họ chuẩn bị kết hôn. Nhưng chiến tranh đã phá hỏng kế hoạch của họ.
Chồng chưa cưới của Gabrielle nhập ngũ, còn bà vào làm y tá tại một bệnh viện quân đội. Sau khi bị Đức chiếm đóng, ở Bỉ người ta thành lập một tổ chức bí mật chuyên đưa các tù binh Anh và Pháp vượt ngục, cũng như những người muốn gia nhập quân đội Bỉ, sang Hà Lan, lúc bấy giờ là nước trung lập. Tổ chức này do Edith Cavell, nữ y tá người Anh thành lập. Gabrielle quen Edith khi cùng làm việc tại Quân y viện.
Biết tin nữ đồng nghiệp của mình thành lập tổ chức bí mật, Gabrielle hiểu rằng bà có cơ hội làm nhiều hơn nữa cho đất nước và nhân dân mình. Bà quyết định tham gia cùng Edith và các chiến hữu.
Người đầu tiên Gabrielle Petit bí mật đưa qua biên giới Hà Lan là Maurice Gobert. Họ đã sang Hà Lan thành công, sau đó Maurice đến Pháp và tham gia quân đội Bỉ chiến đấu ở đó. Maurice và Gabrielle không biết rằng sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Có lẽ, họ hy vọng đoàn tụ sau chiến tranh và lập gia đình. Nhưng Gabrielle đã không sống đến ngày chiến tranh kết thúc, còn về người yêu của bà, cho đến nay, cũng không có tin tức gì. Rất có thể, anh đã ngã xuống trên chiến trường, không kịp biết những chiến công anh dũng của người mình yêu.
Trở về Bỉ, Gabrielle tiếp tục công việc bí mật của mình. Rõ ràng, bà có tài năng diễn xuất, và điều này rất hữu ích trong công việc. Bà cắt tóc ngắn, mặc quần áo nam giới, kể cả quân phục của sĩ quan Đức, khiến nhiều người tưởng bà là đàn ông. Không loại trừ rằng chính bà đã đóng giả một người lính Đức và ra mặt trận: có thông tin cho rằng tại thành phố Arras của Pháp, một người lạ mặt bí ẩn nào đó mặc quân phục trung úy Đức đã phát tín hiệu cho quân Anh và Pháp. Anh ta bị quân Đức phát hiện, nhưng đã kịp thời trốn thoát. Nhiều nhà sử học cho rằng chính Gabrielle Petit đã bí mật tìm đường ra mặt trận. Và đây không phải là câu chuyện tuyệt vời duy nhất, nơi Gabrielle Petit thể hiện hết tài năng của mình.
Đóng nhiều vai
Đầu Thế Chiến thứ nhất, sau khi Brussels bị Đức chiếm đóng, trung úy trẻ người Đức Henning thuê một căn hộ tại số 68 phố Nhà hát. Anh ta thuê hai phòng - một phòng cho mình, một phòng cho tình nhân. Nhìn cách bày biện căn phòng của trung úy, ai cũng nghĩ rằng một quân nhân sống ở đây - bản đồ địa hình nằm rải rác khắp nơi, còn trên bàn là những bức ảnh đóng khung các tướng lĩnh và nguyên soái nổi tiếng nhất của quân đội Đức. Chỉ có một bức tương phản rõ rệt với những bức ảnh chụp các ông già bệ vệ trong những bộ đồng phục lòe loẹt, ngực đeo đầy huân chương. Đó là bức ảnh chụp cô tình nhân xinh đẹp Gabrielle Petit của Henning. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng Gabrielle đóng hai vai cùng một lúc - vừa là người yêu của viên “sĩ quan Đức” vừa là... trung úy Henning!
Cô gái trẻ xinh đẹp trong bức ảnh này chính là Gabrielle Petit. Một số cư dân Brussels sống gần đó thậm chí còn biết mặt bà, nhưng ít ai trong số họ có thể đoán được rằng trung úy Henning cũng chính là Gabrielle. Bằng cách đó bà loại trừ mọi nghi ngờ về hoạt động bí mật của mình.
Trong khi đó, những công việc mà tổ chức của bà đang tiến hành ngày càng trở nên nguy hiểm. Gabrielle Petit và các chiến hữu của bà bắt đầu hợp tác với tình báo Anh, vì vậy bà phải nhiều lần bí mật vượt biên sang Anh. Ở đó, bà tham gia một khóa học ngắn hạn về hoạt động tình báo - học cách nhanh chóng loại bỏ và cất giấu các tài liệu mật, phát hiện kẻ thù đang theo dõi và lẩn trốn.
Những kỹ năng này giúp bà rất nhiều trong công việc tiếp theo, còn tài năng diễn xuất và hùng biện thì biến bà thành một người gần như bất khả xâm phạm đối với kẻ thù. Nếu không thể thoát khỏi “cái đuôi”, Gabrielle Petit có cách nói chuyện với kẻ săn đuổi và thuyết phục hắn rằng bà hoàn toàn không phải là người cần tìm.
Cuối cùng, phản gián Đức đã nhận được thông tin về người phụ nữ Bỉ dũng cảm này và hoạt động của bà, và cả một đội quân thám tử bắt đầu truy lùng bà. Nhưng lần nào Gabrielle Petit cũng đánh lừa được chúng và trốn thoát, mặc dù đôi khi bà phải nhờ đến sự may mắn.
Cứ thế hai năm trôi qua. Phản gián Đức đã thu thập được rất nhiều thông tin về Gabrielle Petit, nhưng không bắt được bà và hết lần này đến lần khác, bà vượt biên ngay trước mũi chúng, để cung cấp những thông tin quan trọng cho các chiến hữu của mình. Tuy nhiên, một lần, Gabrielle bị bắt giữ và thẩm vấn, nhưng sau đó... được thả ra, vì quân Đức không thể tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc bà tham gia hoạt động của các tổ chức bí mật.
Sau khi bị bắt, Gabrielle Petit tiếp tục hoạt động dưới tên giả “Quý bà Legrand”. Một thời gian, cái tên này không làm ai nghi ngờ và bà đã vượt qua biên giới một cách khá dễ dàng. Chính trong thời gian này, từ Hà Lan, bà đã thông báo về một người Bỉ chạy sang phía quân Đức và tố giác một số người đồng hương hoạt động bí mật với cảnh sát Đức. Kẻ phản bội đã bị bắt và tiêu diệt.
Qua mặt tất cả các đội tuần tra
Hoạt động chính của Gabrielle Petit vẫn là đưa các tù binh và điệp viên tình báo vượt biên giới Bỉ - Hà Lan. Trong việc này, bà cũng gặp may mắn, mặc dù đôi khi bà và các bạn đồng hành của mình đã thoát khỏi những tình huống tưởng chừng như hoàn toàn vô vọng.
Một lần, Gabrielle Petit và các chiến hữu suýt bị bắt khi vượt biên giới. Họ gồm bốn người - hai sĩ quan Bỉ, một lính Anh và một điệp viên Anh trở về Hà Lan sau một nhiệm vụ nào đấy. Tất cả đều mang giấy tờ giả. Đặc biệt, người lính Anh chỉ biết mỗi tiếng mẹ đẻ của mình, mặc dù trên giấy tờ anh mang tên một người Hà Lan.
Chặng đường đầu tiên từ Brussels trôi qua tương đối êm ả, nhưng khi đoàn đến gần biên giới, thì nguy hiểm bắt đầu rình rập trên mỗi bước chân. Thủ tục kiểm tra ở đồn biên phòng kéo dài rất lâu, nhưng lần nào Gabrielle cũng đánh lừa được bọn cảnh sát. Chẳng bao lâu, bà và các thành viên khác trong nhóm đã có mặt trên lãnh thổ Hà Lan.
Một lần khác, trên đường tới Hà Lan, Gabrielle vào nghỉ tại một khách sạn gần biên giới. Khách sạn đầy lính Đức, nên bà vội vã lui về phòng mình. Một lúc sau, chủ khách sạn, một trong những thành viên của tổ chức bí mật, hoảng hốt đến gặp bà.
Ông cho biết một cặp vợ chồng rất đáng ngờ đã xuất hiện tại khách sạn. Xem hộ chiếu thì đó là Henri Durieux và vợ y, tuy nhiên, người đàn ông này, mặc dù bận thường phục, nhưng trông rất giống một quân nhân Đức. Từ cửa sổ phòng mình, Gabrielle nhận ra “Bà Durieux” chính là Flora, một phụ nữ dễ dãi, làm việc cho cảnh sát Đức từ lâu. Sau này, người ta phát hiện ra kẻ tháp tùng Flora là một hạ sĩ quan Đức, trước chiến tranh y là giám đốc chi nhánh nhà máy sản xuất đàn piano của Đức ở Bỉ.
Là người hiểu biết về nước Bỉ, cảnh sát Đức cử y lần theo dấu vết nữ nhân viên tình báo vốn gây biết bao rắc rối cho bộ chỉ huy Đức. Tuy nhiên, vì y không biết mặt Gabrielle nên Flora, người đã nhiều lần gặp Gabrielle, được giao nhiệm vụ làm bạn đồng hành của y. Nhưng vào đúng đêm nhìn thấy Flora, Gabriellle đã vượt biên cùng với một số người Bỉ.
Tất nhiên, ở Hà Lan, vợ chồng Durieux không thể lần ra dấu vết của Gabrielle và xác định bà vượt biên bằng con đường nào. Về sau, Flora không được giao nhiệm vụ tương tự nữa và “phu quân” của thị cũng đã được chuyển sang đơn vị khác.
Không kịp nói lời cuối cùng
Sau khi vô hiệu hóa Flora, Gabrielle trở lại Bỉ và ngay lập tức lại suýt rơi vào bẫy. Bà đến một căn hộ bí mật nằm sát biên giới, nơi cất giữ giấy tờ giả, vào đúng ngày cảnh sát Đức đến khám xét căn hộ. May mắn thay, từ cửa sổ, Gabrielle Petit và bà chủ nhà nhìn thấy bọn cảnh sát đang đi vào, nên đã kịp tiêu hủy toàn bộ giấy tờ nguy hiểm. Cuộc khám xét không mang lại kết quả gì. Khi được hỏi bà là ai, Gabrielle nói rằng bà tình cờ đến đây để tìm chỗ nghỉ qua đêm.
Gavrielle lại gặp may - nhưng đây là dịp may cuối cùng trong đời bà. Sau đó ít lâu, bà bị bắt khi đang đi trên phố với các giấy tờ giả mới cho các quân nhân Bỉ. Không kịp thủ tiêu các tài liệu mật, Gabrielle Petit ngay lập tức bị bọn lính tuần tra Đức khám xét. Để đổi lấy mạng sống của mình, chúng đề nghị bà khai báo hoạt động của các tổ chức bí mật ở Bỉ và tố giác tất cả chiến hữu của mình. Nhưng Gabrielle từ chối mua tính mạng của mình bằng cái giá như vậy, và tòa án quân sự đã kết án tử hình bà.
Vụ hành quyết diễn ra vào ngày 1/4/1916. Vài giây trước khi chết, Gabrielle hô to: “Vive le roi!”, nghĩa là “Đức Vua vạn tuế!”, rồi dừng lại một lúc, bà hô tiếp: “Vive la…”, nhưng bà chưa kịp nói xong thì một loạt đạn vang lên. Không ai biết bà nghĩ gì trong giây phút cuối cùng. Mạo từ “la” cho biết Gabrielle sắp phát âm một từ giống cái nào đó. Rất có thể, những lời cuối cùng của bà là “Vive la Belgique!”: “Nước Bỉ vạn tuế!”
Cho đến khi chiến tranh kết thúc, không ai biết Gabrielle được chôn cất ở đâu. Mộ của bà chỉ được tìm thấy vào năm 1919, và tháng 5 cùng năm, tang lễ chính thức của bà diễn ra với sự tham dự của Nữ hoàng Bỉ Elisabeth. Kể từ đó, Gabriele Petit trở thành nữ anh hùng dân tộc của Bỉ, một trong những người mà đất nước này tự hào. Hai tượng đài của bà đã được xây dựng - một ở Brussels và một ở thành phố quê hương Tournai của bà.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/gabrielle-petit-bong-hong-nhung-cua-nuoc-bi-i714099/