Gác tình thân vì trách nhiệm với cộng đồng
'Tuổi trẻ là để thử thách và cống hiến. Nhớ Bình Phước, nhớ mẹ nhưng em sẽ ở lại chiến đấu cùng Sài Gòn cho đến khi hết dịch thì thôi'. Đó là tâm sự của Đồng Thị Thu Hà, 19 tuổi, ở TP. Hồ Chí Minh.
Thu Hà xuất thân từ một gia đình làm nông ở tỉnh Bình Phước, có bố là thương binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sau tốt nghiệp THPT năm 2020, Thu Hà khăn gói lên Sài Gòn đi làm để có thời gian trải nghiệm và học thêm một số kỹ năng trong cuộc sống.
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 5, TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội. Bạn cùng phòng trọ đã về Bình Phước nhưng Thu Hà vẫn quyết định ở lại để vừa đi làm, vừa tham gia tình nguyện cùng nhóm “SOS hướng Nam”. Các bạn trẻ được phân công nhiệm vụ hỗ trợ người dân vào khai báo y tế, đo thân nhiệt, điều phối lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin phòng dịch… ở các chốt kiểm soát dịch của thành phố. Đến nay, Thu Hà đã đi qua gần 10 đợt tình nguyện và vẫn đang tích cực tham gia.
Gia đình gọi điện liên tục để khuyên Thu Hà về quê tránh dịch cho an tâm. Thế nhưng, nghĩ rằng nếu về nhà cũng phải cách ly, Hà kiên định sẽ đồng hành với thành phố cho đến khi hết dịch mới trở về. Cô bạn giấu mẹ chuyện đi làm tình nguyện viên và lấy lý do nhà hàng của chị gái cần người làm để được ở lại.
Chọn công tác ca đêm, từ 22 giờ đến 6 giờ sáng để vừa làm việc xong là đến lịch trực tình nguyện, vừa là để tránh mẹ vì ít khi mẹ gọi điện vào khoảng thời gian này… Nhưng rồi, được 2 tuần thì bí mật của Thu Hà bị phát hiện. Biết chuyện, gia đình không ngăn cấm nhưng thường xuyên gọi điện nhắc nhở và động viên.
Nhớ nhà, ngày giỗ bố lại trúng cao điểm của tâm dịch này. Có lúc Thu Hà cũng cảm thấy tủi thân. Thu Hà chia sẻ: “Mẹ cứ trách giỗ bố mà không có đứa nào ở nhà. Hai chị gái thì lo làm rồi dịch đẩy vào vòng xoáy của công việc và cách ly... Dù thương mẹ nhưng phải nghĩ cho cộng đồng. Chấp nhận gác lại tình thân, bởi trở về từ tâm dịch lúc này là điều không nên”.
Khi được hỏi lăn lộn với công tác phòng dịch tại tâm dịch em có sợ bị lây nhiễm không?, Thu Hà khẳng định: “Lực lượng tuyến đầu không sợ sao mình phải sợ...”.
Có lẽ, trong trái tim cô gái trẻ này là dòng máu yêu nước, yêu đồng bào được truyền từ người cha của mình. Năm xưa người chiến sĩ ấy mặc chiếc áo xanh, cùng đồng đội cầm súng chiến đấu với quân thù, giành lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc. Hôm nay, con gái ông cũng trong màu áo xanh tình nguyện tiếp tục xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, vì sức khỏe và sự bình yên của thành phố mang tên Bác.