Gạch tái chế từ nhựa sẽ xuất hiện trên khắp xứ sở Vạn đảo?

Hai nữ doanh nhân trẻ Ovy Sabrina và Novita Tan đã phát động một chiến dịch Rebricks, theo đó tái chế rác thải nhựa thành những viên gạch lát đường.

Indonesia hiện là quốc gia có lượng rác thải trôi trên biển lớn thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc. "Xứ sở Vạn đảo" cam kết giảm lượng rác thải nhựa khoảng 75% trong vòng 4 năm tới - một nhiệm vụ lớn đối với quốc gia Đông Nam Á có gần 270 triệu người sinh sống.

Đứng ngồi không yên khi thấy hình ảnh những núi rác thải nhựa ngày một mọc lên nhiều hơn trên vùng biển quê hương, đôi bạn thân Ovy Sabrina và Novita Tan đã phát động một chiến dịch Rebricks, theo đó tái chế rác thải nhựa thành những viên gạch lát đường.

Một công nhân tại nhà máy Rebricks ở Jakarta đang tháo nhựa bị kẹt ra khỏi máy hủy tài liệu. (Ảnh tổng hợp)

Cặp đôi bắt đầu bằng việc ghé thăm các quầy hàng thực phẩm trên khắp thủ đô Jakarta để tìm kiếm những gói cà phê hòa tan bỏ đi, bao bì mì gói và túi nylon.

Nhờ chiến dịch truyền thông xã hội hiệu quả, họ nhanh chóng nhận được hàng đống bao bì nhựa phế thải từ các nhà tài trợ trên cả nước. Lượng rác thải này được gửi tới hằng ngày và chất tại một nhà máy tái chế nhỏ bé, chỉ gồm 4 nhân sự, mang tên Rebricks ở Jakarta.

Novita Tan, đồng sáng lập công ty tái chế Rebrick. (Ảnh: AFP)

"Nó cho thấy người Indonesia có ý thức mạnh mẽ trong việc tái chế rác thải nhựa nhưng họ không biết phải làm điều đó ở đâu và như thế nào", Sabrina chia sẻ.

Tại xưởng tái chế của công ty Rebrick, bao bì nhựa phế liệu được cắt thành những mảnh nhỏ, sau đó trộn với xi măng và cát để đúc thành các khối xây dựng. Chúng trông giống những viên gạch thông thường nhưng khó vỡ hơn, trong khi có mức giá tương đương.

Gạch lát đường Rebrick rẻ như gạch thường nhưng bền hơn. (Ảnh: AFP)

Những viên gạch tái chế của Rebricks so với những viên gạch thông thường, thậm chí còn đẹp hơn, do được điểm xuyết những đốm nhựa. Anh Andi Subagio, một khách hàng của Rebricks cho biết, anh đã sử dụng loại gạch đặc biệt này để lát lối đi trong nhà hàng. Anh nhận xét: "Chúng không dễ vỡ như gạch thông thường vì có nhựa bên trong, trong khi mức giá tương đương nhau".

"Mỗi ngày, chúng tôi có thể ngăn chặn khoảng 88.000 mảnh bao bì nhựa xả ra môi trường. Công ty đến nay đã sản xuất được hơn 100.000 viên gạch", Tan nói.

Đôi bạn thân Ovy Sabrina và Novita Tan. (Ảnh: CNA)

Một số thành phố của Indonesia hiện đã cấm nhựa sử dụng một lần, nhưng việc tái chế rác thải nhựa vẫn còn hiếm. Vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa được người dân quốc đảo này nhận thức rõ hơn vào năm 2018, khi người ta phát hiện xác một con cá nhà táng dạt vào bờ biển với gần 6 kg chất thải nhựa trong dạ dày.

Một số doanh nghiệp khác ở Indonesia cũng đang tái chế rác thải nhựa thành lọ hoa, ô hoặc ví. Tuy nhiên, Sabrina và Tan quyết định tái chế chúng thành gạch, để có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

Hiện đôi bạn đang kỳ vọng mở rộng công ty, đồng thời đàm phán về khả năng hợp tác với một công ty lớn về hàng tiêu dùng. Tan và Sabrina có kế hoạch mở rộng công ty và mô hình tái chế bao bì nhựa phế thải của họ.

Nguyễn Linh (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/gach-tai-che-tu-nhua-se-xuat-hien-tren-khap-xu-so-van-dao-60139.html