Gái 1 con bóc mẽ những ông hậm hực phận ở rể

'Một năm, hai năm, rồi ba năm, chồng tôi đã thành 'trai một con' nhưng những 'điều tốt đẹp' anh chờ đợi vẫn chưa thấy lấp ló trong tương lai gần'.

“Đàn ông bọn anh được sinh ra, làm rường cột gia đình không những là trọng trách mà còn là quyền không thể tranh cãi. Bọn anh không muốn bị phụ thuộc, vì phụ thuộc sẽ chi phối những quyết định lớn trong nhà, không thể phát triển được...”.

Ông xã tôi từng hùng hồn tuyên bố như vậy khi tôi nói lại ý kiến của ba mẹ tôi muốn hai vợ chồng về ở chung.

Ý của chồng là nhà có thể chưa giàu có, con cái có thể chưa được học ở trường tốt nhất nhưng khi người chồng được tự do thì những điều tốt đẹp đến chỉ còn là vấn đề thời gian. “Ở rể á? Quên đi!” - anh ấy chém mạnh tay vào gió, quả quyết như vậy.

Tôi thấy anh nói có vẻ có lý nên ngoan ngoãn nghe lời, chấp nhận rời xa căn nhà rộng rãi, phòng máy lạnh, nhà tắm có máy nước nóng… để theo chàng thuê phòng trọ ở riêng. Vợ chồng son, đang trong thời kỳ mặn nồng nên việc sáng tất tả đi làm, chiều tối về ra chợ lo bữa tối, đêm nằm gác xép nghe tiếng muỗi vo ve bên ngoài mùng… không là vấn đề với chúng tôi.

Thế nhưng một năm, hai năm, rồi ba năm, chồng tôi đã thành “trai một con” nhưng những “điều tốt đẹp” anh chờ đợi vẫn chưa thấy lấp ló trong tương lai gần. Tôi từ lâu đã khá mệt mỏi với những dự tính, hoài bão anh nuôi.

Anh toàn nói chuyện trên trời, vẽ ra những ngày xán lạn phía trước với hình tượng người cầm lái con thuyền gia đình là anh. Thế nhưng sự thật là chúng tôi vẫn ở thuê, vẫn tất bật từ sáng tới tối khuya cho những việc mà lẽ ra ông bà ngoại có thể san sẻ.

Lương hai đứa ba cọc ba đồng, vừa trả tiền trọ, lại thêm một miệng con nên chẳng tích lũy được bao nhiêu. Chưa kể những lần con đau ốm, vợ chồng phải thay nhau nghỉ phép ở công ty để đến bệnh viện ngủ cùng con. Cuộc sống cứ nhàn nhạt, chật vật và đầy bức bối.

Một lần tôi đánh liều thủ thỉ với chồng hay bọn mình về ở bên ngoại, ba má sẽ rất vui, mình lại đỡ vất vả, chồng có thêm thời gian để nuôi dưỡng và thực hiện “chí lớn”. Anh ấy gạt phắt nói: “Không, nhục lắm!”, tôi im re, cả đêm lắng nghe tiếng trở mình của chồng cùng giọng nói mê lúc ngủ của con.

Nhưng chỉ đến sáng hôm sau, trước giờ đi làm, chồng có hành động lạ là hôn lên má tôi, cười ngượng rồi nói: "Em hỏi ý kiến ba má trước đi, rồi nhà mình dọn chỗ".

Từ lúc về ở chung, chúng tôi nhàn hẳn, có nhiều thời gian cho nhau và cho việc kiếm tiền. Cũng nói cho rõ từ khi dọn về cùng ba má, chúng tôi sống trong bầu không khí luôn thân mật, vui vẻ, nhiều sự chia sẻ. Chồng tôi có sự thăng tiến nhanh chóng ở công ty (tôi nghĩ đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà là tinh thần thoải mái thì mọi thứ đều trôi chảy).

Tôi kể chuyện này không phải để mọi người thấy không phải cứ ở rể là nhục như “chó chui gầm chạn”. Các ông chồng nếu đang trong hoàn cảnh sống chung với bên ngoại hãy dẹp bỏ ngay ý nghĩ ấy hoặc ít nhất là đừng rêu rao, nói xấu đủ thứ.

Các ông coi mình là chủ gia đình, phải chủ động, hiên ngang và không bị phụ thuộc. Cái vị trí tự phong sai trái ấy khiến các ông lại sa vào sự sai trái khác là tự ti, hậm hực, thậm chí căm ghét gia đình vợ - người các ông lựa chọn làm một nửa cuộc đời.

Tôi biết không phải những người làm rể nào cũng có sự bức bối nhưng với ai có những suy nghĩ sai lầm như thế thì trước khi đổ lỗi phía nhà vợ, các ông hãy đặt câu hỏi ngược lại. Rằng ba mẹ vợ có buồn khi trót gả con gái của họ cho một kẻ bất tài, suốt ngày than thân trách phận không?

Các ông có thể giỏi, nhiều tiềm năng phát triển nhưng nên nhớ nếu đi từ con số 0 thường sẽ không tốt hơn là đã có một số tiền đề cơ bản.

Sống chung với nhà vợ là một trong những tiền đề như thế. Ba mẹ vợ có thể không giúp các ông về tiền bạc nhưng ít nhất các ông cũng không phải lo tìm chốn dung thân, không phải mất nhiều cơ hội khác chỉ vì thời gian eo hẹp và cuộc sống bức bối.

Nếu ông nào cũng có suy nghĩ và lựa chọn chính xác như chồng tôi thì hay quá rồi!

NGỌC BÉ

Nguồn PLO: http://plo.vn/van-hoa-giai-tri/tinh-yeu-gia-dinh/gai-1-con-boc-me-nhung-ong-ham-huc-phan-o-re-711164.html