Gaia tái hoạt động sau thảm họa 'kép'

Tàu vũ trụ Gaia gần như bị hủy diệt bởi một vụ va chạm thiên thạch và bão mặt trời.

Tàu vũ trụ Gaia quay quanh Trái đất ở độ cao khoảng 1,5 triệu km tại Điểm Lagrange L2.

Tàu vũ trụ Gaia quay quanh Trái đất ở độ cao khoảng 1,5 triệu km tại Điểm Lagrange L2.

Tuy nhiên, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cho biết đã tìm ra giải pháp và giúp Gaia hoạt động trở lại.

Sự cố nghiêm trọng

Trong một cuộc tấn công vũ trụ “kép” hiếm hoi gần đây, tàu vũ trụ Gaia của ESA đã bị một thiên thạch nhỏ đâm thủng lớp bảo vệ và sau đó bị một cơn bão mặt trời tấn công, khiến nó không thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết vệ tinh đã trở lại hoạt động bình thường sau vụ va chạm tàn khốc.

Tàu vũ trụ Gaia quay quanh Trái đất ở độ cao khoảng 1,5 triệu km tại Điểm Lagrange L2, nơi lực hấp dẫn kết hợp giữa Trái đất và Mặt trời tạo ra một quỹ đạo ổn định. Mục tiêu của con tàu là lập bản đồ 3D từng ngôi sao trong dải Ngân Hà.

Tuy nhiên, vào tháng 4, một thiên thạch nhỏ hơn hạt cát đã va vào Gaia. Tuy rất bé, nhưng cú va chạm ở nơi không bị ma sát khí quyển tác động đã trở nên vô cùng mạnh. “Hạt cát” này đã làm thủng một phần lớp bảo vệ xung quanh thiết bị đo đạc của Gaia.

Thật không may, Mặt trời của chúng ta đang trong thời điểm hoạt động mạnh của chu kỳ và bức xạ từ nó liên tục lọt qua vết thủng nhỏ này, làm gián đoạn các cảm biến của tàu vũ trụ. Vào tháng 5, vì lý do không rõ, một thiết bị điện tử khác đã hỏng.

Nó là một phần của hệ thống cho phép Gaia xác thực việc phát hiện các ngôi sao. Các sự cố đã kết hợp với nhau và dẫn đến hàng nghìn kết quả sai được gửi về sau đó.

Ông Edmund Serpell - kỹ sư vận hành tàu vũ trụ Gaia tại Trung tâm điều hành không gian châu Âu cho biết trong một tuyên bố: “Gaia thường gửi hơn 25 gigabyte dữ liệu đến Trái đất mỗi ngày.

Tuy nhiên, lượng dữ liệu này sẽ nhiều hơn nữa nếu phần mềm trên tàu vũ trụ không loại bỏ các phát hiện sao giả trước. Cả hai sự cố gần đây đều làm gián đoạn quá trình này. Kết quả là, tàu vũ trụ bắt đầu tạo ra một số lượng lớn các phát hiện sai khiến hệ thống của chúng tôi quá tải”.

Theo ESA, sự cố thứ hai vào tháng 5 vừa qua có thể là do một vụ bùng nổ lớn của Mặt trời. Ví dụ, các vụ phóng khối lượng đăng quang (CME), tương tự sự kiện đã gây ra hiện tượng cực quang lan rộng trên toàn cầu vào cùng thời điểm.

Mặc dù nhóm Gaia không thể làm gì nhiều với phần cứng của tàu vũ trụ, nhưng họ đã khắc phục sự cố bằng các bản vá lỗi phần mềm. Thao tác này giúp thay đổi cách mà Gaia sàng lọc các vật thể nghi ngờ là sao. Nhờ đó, nó đã bắt đầu trả về những kết quả đúng trở lại.

Thành tựu của Gaia

 Gaia là một trong những tàu thuộc Chương trình Khoa học thời gian dài Horizon 2000 của ESA.

Gaia là một trong những tàu thuộc Chương trình Khoa học thời gian dài Horizon 2000 của ESA.

Gaia là một trong những tàu thuộc Chương trình Khoa học thời gian dài Horizon 2000 của ESA. Con tàu có nhiệm vụ tìm ra khoảng 21 nghìn hành tinh mới trong nhiệm vụ 5 năm. Gaia từng giúp các nhà thiên văn phát hiện những ngôi sao cổ xưa nhất trong dải Ngân Hà, hình thành cách đây hơn 12,5 tỷ năm.

Con tàu cũng phát hiện những “bạn đồng hành” mờ nhạt của các ngôi sao lớn và một hệ sao đôi, trong đó đĩa của ngôi sao này che khuất ngôi sao kia. Dữ liệu từ Gaia thậm chí giúp giới khoa học ước tính thời điểm dải Ngân Hà va chạm và hợp nhất với thiên hà “hàng xóm” Andromeda - khoảng 4,5 tỷ năm nữa.

Nhà khoa học Michael Perryman của Đại học Princeton, Mỹ cho biết: “Phát hiện không chỉ nằm ở các con số. Mỗi hành tinh mới sẽ cung cấp những thông tin rất hữu ích, thú vị. Nếu nhìn vào các hành tinh được phát hiện từ trước cho đến nay, chúng ta có thể thấy chúng chiếm giữ những vai trò rất quan trọng trong không gian”.

Dữ liệu từ Gaia giúp các nhà khoa học tạo ra bản đồ 3 chiều chính xác về sự phân bố và tính chất của từng ngôi sao trong số 1 tỷ sao nó khảo sát trong Ngân Hà, vẽ ra được chuyển động của chúng.

Từ đó, cho phép họ tính toán về lịch sử tiến hóa của Ngân Hà. Các phép đo bằng phổ kế sẽ cung cấp đặc tính vật lý chi tiết của từng sao, bao gồm độ sáng, nhiệt độ hữu hiệu, lực hấp dẫn và thành phần hóa học của các sao.

Các số liệu thống kê sẽ mang lại dữ liệu quan sát cơ bản giúp các nhà khoa học giải quyết những câu hỏi quan trọng liên quan đến nguồn gốc, cấu trúc và lịch sử tiến hóa của Ngân Hà. Ngoài ra, rất nhiều thiên hà, hành tinh ngoài Hệ Mặt trời và các vật thể trong Hệ Mặt trời cũng sẽ được Gaia quan sát.

Hành tinh ngoại đầu tiên, xoay quanh một ngôi sao giống Mặt trời được phát hiện vào năm 1995. Từ đó cho tới nay, các nhà thiên văn học đã phát hiện thêm gần 2 nghìn hành tinh mới ngoài Hệ Mặt trời. Một nửa hành tinh trong số này được phát hiện khi quan sát bằng kính thiên văn Kepler của Cơ quan Hàng không & Vũ trụ Mỹ (NASA).

Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một con số nhỏ nhoi trong vũ trụ bao la huyền bí. Các nhà thiên văn học tin rằng, mỗi một ngôi sao thuộc Dải Ngân Hà có thể chứa ít nhất một hành tinh, điều này dẫn đến khả năng có khoảng 100 tỷ hành tinh tồn tại trong đó.

Gaia sẽ tiếp tục sứ mệnh quan sát cho đến quý đầu tiên của năm 2025. Quá trình xử lý dữ liệu sẽ tiếp tục trong vài năm nữa và dự kiến tăng đáng kể về độ phức tạp và độ chính xác. Theo kế hoạch, danh mục cuối cùng của nhiệm vụ sẽ không được công bố cho đến tận năm 2030.

Các nhóm từ Viện Khoa học Cosmos (ICCUB) và Viện nghiên cứu không gian của Catalonia (IEEC) đã tham gia đầy đủ vào nhiệm vụ kể từ khi Gaia được thiết kế lần đầu tiên, tính đến nay đã hơn 25 năm.

Các chuyên gia đã tham gia vào quá trình phát triển những bộ phận quan trọng của nhiệm vụ, như: Xử lý dữ liệu, thiết kế hệ thống quang trắc và xác nhận từng danh mục đã được công bố. Nhờ vào kinh nghiệm có được trong suốt những năm qua mà nhóm khoa học đã và đang là những người tiên phong trong các nhiệm vụ khai thác khoa học và công bố những khám phá mới.

Theo Live Science; Icc

Trọng Dương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gaia-tai-hoat-dong-sau-tham-hoa-kep-post698803.html