Gam màu sáng trong bức tranh thu hút đầu tư của Sóc Trăng
Kết quả chung về tình hình kinh tế - xã hội mà Sóc Trăng đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 không thể không kể đến thành tựu nổi bật về thu hút đầu tư. Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, Sóc Trăng đã và đang nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, bởi chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, môi trường đầu tư khá thông thoáng, lành mạnh…
Kết quả khả quan từ thu hút đầu tư
Theo Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV thì trong nhiệm kỳ qua, Sóc Trăng đã tiếp và làm việc với khoảng 900 lượt nhà đầu tư, trong đó có trên 100 nhà đầu tư nước ngoài. Có 116 dự án được cấp chủ trương đầu tư (tăng 55 dự án), với tổng vốn đăng ký 27.282 tỉ đồng (tăng gấp 5,5 lần so giai đoạn 2011 - 2015), trong đó, có 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.312 tỉ đồng và đã có nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được triển khai, đi vào hoạt động ổn định.
Lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư để các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP. Ảnh: QUANG BÌNH
Cũng trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư và phát động khởi nghiệp (năm 2018); qua đó đã góp phần quan trọng thu hút đầu tư vào tỉnh. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh liên tục đón tiếp các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Sóc Trăng tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, trọng điểm tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh, tiềm năng như: nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản, thủy sản; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp; du lịch, nhà hàng, khách sạn... đặc biệt là đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời. Tại các buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện cũng như các đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh đều cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan tích cực hướng dẫn nhà đầu tư hoàn chỉnh thủ tục. Kết quả, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép triển khai và nhiều dự án đi vào hoạt động, như: Khu sản xuất tôm giống tại xã Vĩnh Hải (TX. Vĩnh Châu) của Công ty Cổ phần Thủy sản Việt Úc; Tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo của Công ty Cổ Phần Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang; Nhà máy may công nghiệp tại phường 7 (TP. Sóc Trăng) của Tổng Công ty May Nhà Bè; Vincom Plaza Sóc Trăng; Ánh Quang Plaza… Tính riêng 8 tháng đầu năm 2020, tỉnh đã thu hút đầu tư 11 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư các dự án là 6.489 tỉ đồng (tăng 4 dự án và vốn đăng ký đầu tư tăng 1.414 tỉ đồng so với cùng kỳ); có nhiều dự án quy mô lớn, khi hoạt động sẽ đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của tỉnh, như: Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Trần Đề; Dự án Đầu tư Cảng tổng hợp Cái Côn; Nhà máy điện gió số 7 - giai đoạn 2…
Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau khi tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư và phát động khởi nghiệp (năm 2018) đến nay, số lượng các nhà đầu tư đến Sóc Trăng để tìm hiểu cơ hội đầu tư tăng mạnh, trong đó một số nhà đầu tư có uy tín đến từ các nước: Pháp, Đức, Nhật... đến khảo sát các vị trí mà tỉnh đang kêu gọi đầu tư. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực trong việc tăng cường công tác xúc tiến và cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh đang đem lại những kết quả tích cực. Bên cạnh đó, trong suốt nhiệm kỳ qua, các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; ưu tiên ngân sách đầu tư hạ tầng đến hàng rào dự án, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch...
Nhiều dự án quy mô lớn khi hoạt động sẽ đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của tỉnh. Ảnh: QUANG BÌNH
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, trong việc chọn lựa nhà đầu tư, Sóc Trăng đã chú trọng đến phát triển bền vững, xanh, sạch, không để ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến sản xuất. Bằng việc triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, triển khai các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp, chương trình tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo… đã từng bước tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp. Kết quả trong nhiệm kỳ qua có 1.900 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 47,2%), tạo việc làm mới cho khoảng 35.000 lao động (tăng 2,4 lần so nhiệm kỳ trước). Đến nay, tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh là 3.300 doanh nghiệp, với tổng vốn điều lệ đăng ký khoảng 33.000 tỉ đồng. Tại Khu Công nghiệp An Nghiệp, nhiều công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết hàng chục ngàn lao động tại địa phương. Gần đây, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng tình hình đăng ký doanh nghiệp của tỉnh cũng có nhiều khởi sắc. Theo đó, trong 8 tháng đầu năm 2020, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 310 doanh nghiệp (tăng 92 doanh nghiệp so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký 3.768 tỉ đồng (tăng 2.151 tỉ đồng so với cùng kỳ).
Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2020 - 2025
Phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, theo Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV thì mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với vấn đề thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về những vấn đề có liên quan. Chú trọng cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, gia nhập thị trường... Hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các công trình, dự án. Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đầu tư, chính sách khuyến khích đầu tư, để nhiều nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn lớn, có tiềm lực kinh tế, quản trị, công nghệ tiên tiến đến đầu tư phát triển trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Tranh thủ Trung ương đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng liên vùng, xã hội hóa đầu tư cảng biển nước sâu Trần Đề; khai thác lợi thế giao thông thủy, bộ dọc theo sông Hậu, kết nối với khu vực kinh tế biển, tập trung kêu gọi đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp...
Những kết quả nêu trên cho thấy, Sóc Trăng đã và đang là địa bàn hấp dẫn đối với nhà đầu tư, không chỉ bởi những tài nguyên về thiên nhiên, vị trí thuận lợi mà còn là những chính sách đầu tư thông thoáng, môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn. Việc Sóc Trăng đang trở thành mảnh đất "màu mỡ" cho các nhà đầu tư đã hoàn toàn khẳng định những bước đi đúng đắn của tỉnh ở lĩnh vực này trong nhiệm kỳ qua.