Gam màu xám trong bức tranh kinh doanh của Thủy sản Bến Tre

6 tháng đầu năm, Thủy sản Bến Tre ghi nhận doanh thu đạt 258 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 37 tỷ đồng; lần lượt giảm 30% và 5% so với cùng kỳ năm trước.

Chịu sự ảnh hưởng bởi những khó khăn chung của ngành thủy sản, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HoSE: ABT) ghi nhận bức tranh kinh doanh trong quý II/2023 với nhiều mảng tối, chứng kiến chiều giảm ở nhiều chỉ số.

Theo đó, doanh thu thuần của Thủy sản Bến tre trong quý đạt 134 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Dù giá vốn hàng bán có ghi nhận xu hướng giảm nhưng lợi nhuận gộp của công ty cũng sụt giảm từ 35,7 tỷ đồng xuống còn 22,8 tỷ đồng, tương ứng giảm 36%.

Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính của Thủy sản Bến Tre ghi nhận ở mức 19,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, chi phí bán hàng của công ty có sự tiết giảm mạnh hơn 3 lần so với cùng kỳ, xuống còn 4,3 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí lãi vay của công ty ghi nhận tăng gấp 2,3 lần so với quý II/2022, lên mức 1,8 tỷ đồng. Sau thuế, Thủy sản Bến Tre báo lão 28,3 tỷ đồng, giảm 11% so với quý II/2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Thủy sản Bến Tre đạt 258 tỷ đồng, giảm 30%. Lợi nhuận trước thuế của công ty ghi nhận 40,5 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, Thủy sản Bến Tre báo lãi 37 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2023, Thủy sản Bến Tre đề ra mục tiêu doanh thu đạt 600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 60 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023, Thủy sản Bến Tre đã hoàn thành lần lượt 43% kế hoạch doanh thu và 67% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Thủy sản Bến Tre ở mức 650 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với số đầu kỳ. Dư nợ tính đến cuối tháng 6 của Thủy sản Bến Tre ghi nhận tăng 19% so với số đầu năm, lên mức 180 tỷ đồng. Trong đó, chiếm đa số là nợ ngắn hạn với 97% cơ cấu, tương ứng 176 tỷ đồng.

Đáng chú ý, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn trong kỳ của Thủy sản Bến Tre tăng 42%, đạt 125 tỷ đồng. Chi tiết về các khoản vay trên, công ty đang có 3 khoản vay tại các ngân hàng, trong đó, khoản vay tín chấp 74 tỷ đồng tại KasikornBank Việt Nam; 43 tỷ đồng tại HSBC Việt Nam với tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất.

Dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 có thể sẽ dừng ở mức 9 – 10 tỷ USD.

Dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 có thể sẽ dừng ở mức 9 – 10 tỷ USD.

Tại một diễn biến khác, công ty cũng thông báo sẽ thực hiện trả nốt 5% cổ tức còn lại năm 2022 bằng tiền mặt (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 500 đồng). Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng là ngày 21/7, tương ứng ngày 20/7 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền.

Cũng vào ngày 21/7, Thủy sản Bến Tre thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 cũng với tỉ lệ 5% bằng tiền mặt. Ngày thanh toán cổ tức đợt 2/2022 và tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 sẽ cùng vào ngày 4/8/2023.

Dự báo ngành thủy sản các tháng cuối năm, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dù gặp nhiều khó khăn nhưng những tín hiệu khởi sắc đang dần xuất hiện. Theo đó, trong nửa cuối 2023, tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ khả quan hơn do đơn hàng đang tăng dần nhằm phục vụ cho các kỳ nghỉ hè và nghỉ lễ cuối năm. Dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 có thể sẽ dừng ở mức 9 – 10 tỷ USD.

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gam-mau-xam-trong-buc-tranh-kinh-doanh-cua-thuy-san-ben-tre-a618114.html