Gambia với kế hoạch cắt giảm ô nhiễm nhựa
Khách du lịch tập trung đến những bãi biển tuyệt đẹp của Gambia, nhưng những bãi rác thải khổng lồ đang bốc khói tại đây lại kể một câu chuyện khác, một câu chuyện mà chính phủ muốn thay đổi.
Kế hoạch táo bạo
Khi đi du lịch qua Gambia, thật khó để tránh khỏi những bãi rác đang cháy dọc lề đường, khiến không khí tràn ngập khói độc. Bên ngoài các khu du lịch, các bãi biển và đường thủy ngập tràn rác thải nhựa.
Gambia từ lâu đã thừa nhận rằng họ có vấn đề với nhựa. Trong gần 10 năm, họ đã cố gắng giải quyết vấn đề này thông qua luật pháp, bao gồm luật chống xả rác năm 2007 và lệnh cấm túi nhựa năm 2015. Mặc dù hiện nay, các kế hoạch quốc tế nhằm cắt giảm ô nhiễm nhựa không thành công, nhưng Gambia vẫn đang tăng gấp đôi nỗ lực của mình.
Vào tháng 10, quốc gia này đã công bố lộ trình táo bạo để loại bỏ nhựa trong thập kỷ tới. Kế hoạch hành động quốc gia - một chiến lược được thiết kế bởi tổ chức Common Seas của Anh nhằm mục đích nhắm vào toàn bộ vòng đời của nhựa để giảm 86% chất thải nhựa thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng, thực thi nghiêm ngặt hơn các luật mới, hiện hành và nâng cao nhận thức của công chúng.
Nhưng đối với nhiều người, việc triển khai kế hoạch không thể diễn ra đủ nhanh. “Các nguồn nước, sông ngòi, đại dương của chúng ta đang bị nghẹt thở. Lượng nhựa mà chúng ta nhìn thấy hàng ngày là không thể chấp nhận được” - ông Lamin Jassey, người đã làm việc trong lĩnh vực bảo tồn môi trường trong 15 năm cho biết.
Ông Jassey hoan nghênh kế hoạch hành động của Gambia nhưng vẫn hoài nghi về các biện pháp khác của chính phủ mà ông mô tả là chỉ “đẹp trên giấy tờ”. “Gambia chỉ đang cố gắng gây ấn tượng với quốc tế. Thực tế, người dân thường không được hưởng lợi” - ông Jassey nói về các bước đã thực hiện cho đến nay.
Trên toàn cầu, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc ước tính, mỗi ngày có khoảng 2.000 xe tải chở đầy nhựa được đổ xuống các đại dương, sông và hồ trên thế giới. Các chuyên gia đã cảnh báo rằng thế giới sẽ “không thể đối phó” với khối lượng rác thải nhựa trong 10 năm tới.
Theo Common Seas, Gambia - một quốc gia chỉ có chưa đầy 2,8 triệu ngườ, đã thải ra gần 23.000 tấn rác thải nhựa vào năm 2021. Con số đó dự kiến sẽ tăng 42% trong 10 năm tới. Mỗi mùa đông, hàng nghìn du khách đổ xô đến những bãi biển cát trắng của Gambia, nhưng 3/4 lượng rác thải nhựa của nước này lại trôi vào môi trường tự nhiên.
Các biện pháp chính trong kế hoạch mới bao gồm lệnh cấm theo từng giai đoạn đối với chai nhựa dùng một lần, cải thiện khả năng tiếp cận nước uống để giảm sự phụ thuộc vào túi đựng nước dùng một lần và thực thi nghiêm ngặt hơn lệnh cấm túi nhựa.
Tiến sĩ Dawda Badgie - Giám đốc điều hành của Cơ quan Môi trường Quốc gia Gambia coi kế hoạch này là một bước tiến thiết yếu và thừa nhận vấn đề tồn tại lâu dài. Theo bà Vicky Rollinson của WasteAid UK, vấn đề lớn nhất sẽ nằm ở khía cạnh tài chính, khi chi phí ước tính của kế hoạch hành động vượt quá 6 triệu đô la Mỹ - một con số cao đối với một quốc gia thiếu hụt tài nguyên.
Theo Liên minh Môi trường Gambia, khoảng 15 tổ chức ngoài chính phủ đang nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, trong đó có Precious Plastics - nơi tái chế nhựa thu gom thành các sản phẩm gia dụng và Women’s Initiative Gambia - nơi biến rác thải thành túi xách.
Dựa vào nền kinh tế không chính thức
Là một quốc gia nhập khẩu nhựa ròng, những thách thức đối với Gambia phản ánh những thách thức mà các quốc gia ven biển nhỏ hơn khác phải đối mặt - những quốc gia không có cơ sở hạ tầng để quản lý rác thải.
Một phần lớn hệ thống tái chế của Gambia phụ thuộc vào những người nhặt rác nhựa được đào tạo tại Seneya, một tập thể địa phương. Đối với bà Sonko, vấn đề này mang tính cá nhân, bởi cô con gái Sanakanatou (16 tuổi) của bà đã chết vì bệnh tim, mà các bác sĩ cho là do hít phải khói từ việc đốt nhựa tại các bãi rác tạm thời trong nhiều năm. Bà Sonko hiện dành thời gian thu gom nhựa và giáo dục cộng đồng về việc tái chế và mối nguy hiểm của việc đốt rác. Bà cũng dựa vào việc tái chế nhựa để nuôi 3 đứa con còn lại của mình.
Được WasteAid UK hỗ trợ, nhóm của bà Sonko đã được đào tạo và trang bị để thu gom, phân loại và bán nhựa một cách an toàn cho các đơn vị tái chế tại địa phương. Họ có thể kiếm được 125 USD/tấn và chia đều số tiền thu được.
Ở Bakoteh, mùi hôi thối từ bãi chôn lấp rộng 18ha lan tỏa khắp nơi, ngay cả khi đeo khẩu trang y tế. Một nền kinh tế thu gom rác thải nhỏ giúp khu vực này luôn bận rộn: những người đàn ông kéo xe lừa thu gom rác của người dân địa phương và mang đến bãi chôn lấp, nơi hàng trăm người làm công việc nhặt rác mỗi ngày.
Gambia là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và giá hàng hóa tăng cao đang đẩy chi phí sinh hoạt lên cao. Chương trình Lương thực Thế giới cho biết, hơn một nửa dân số của Gambia sống trong cảnh nghèo đói.
Kế hoạch Hành động Quốc gia nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa ở Gambia thừa nhận tầm quan trọng của nền kinh tế phi chính thức này với đề xuất yêu cầu các nhà sản xuất phải chịu chi phí thu gom và tái chế bao bì của họ. Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại liệu một “cuộc chuyển đổi công bằng” có được thực hiện đối với những người lao động như bà Sonko hay không. “Nếu không có nhựa ở Gambia, chúng tôi sẽ mất nguồn thu nhập và khi đó nền kinh tế sẽ thu hẹp” – bà Sonko nói.
Bà Thais Vojvodic - Giám đốc quan hệ đối tác chính phủ và doanh nghiệp tại Common Seas cho biết, những cách tiếp cận “xuôi dòng” nhắm vào các vấn đề như tái chế là một mảnh ghép của bức tranh sẽ giải quyết vấn đề. Bà Vojvodic nhấn mạnh đến nhu cầu nhắm vào gốc rễ của vấn đề khi các cuộc đàm phán quan trọng tại Busan (Hàn Quốc) vào cuối tháng 11 đã không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản xuất nhựa trên toàn cầu, điều này có nghĩa là nó sẽ tiếp tục gây ô nhiễm cho hành tinh.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gambia-voi-ke-hoach-cat-giam-o-nhiem-nhua-10296728.html