Gần 1.000 trường hợp 'trẻ em sinh ra trẻ em' ở TPHCM

Sau 2 năm triển khai, mô hình một cửa tại Bệnh viện Hùng Vương đã hỗ trợ 194 trẻ dưới 16 tuổi mang thai và sinh con. Ngoài ra, còn 798 trường hợp tương tự chưa tiếp cận dịch vụ hỗ trợ vì nhiều lý do.

Ngày 28/5, mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại đặt tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TPHCM) chính thức được ra mắt.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết tình hình bạo lực trên cơ sở giới tại thành phố khá phức tạp, điển hình là các vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng, Chùa Long Nguyên. Thành phố cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về bất bình đẳng giới và bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em.

Trước thực trạng trên, TPHCM đã triển khai nhiều chính sách và chương trình can thiệp như: tư vấn, đường dây nóng, xử lý đối tượng gây bạo lực, tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng… Tuy nhiên, bạo lực trên cơ sở giới vẫn tiếp diễn, có xu hướng gia tăng và trẻ hóa trong nhóm nạn nhân.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại sự kiện.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại sự kiện.

Phó chủ tịch UBND TPHCM cho hay, để ứng phó với tình hình này, TPHCM đã triển khai thí điểm "mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em" đặt tại Bệnh viện Hùng Vương với tên gọi Bồ Công Anh.

Theo đó, thay vì phải đi qua nhiều cơ quan, người bị bạo lực, xâm hại chỉ cần tới một địa điểm duy nhất để được hỗ trợ, đảm bảo bảo mật thông tin.

Qua thực tiễn vận hành, mô hình một cửa Bồ Công Anh đã cung cấp nguồn dữ liệu về tình hình bạo lực giới tại TPHCM. Theo đó, người bị bạo lực chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái, người gây bạo lực chủ yếu là nam giới. Đáng chú ý, nhiều người bị bạo lực không chỉ chịu bạo lực từ một cá nhân mà còn bị xâm hại đa tầng bởi nhiều thành viên khác trong gia đình.

Sau 2 năm vận hành, mô hình đã hỗ trợ, can thiệp và cung cấp dịch vụ kịp thời cho 224 trường hợp phụ nữ, trẻ chưa thành niên và trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục. Trong đó, có 194/224 trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi mang thai và sinh con, chiếm tỷ lệ 86.61% trẻ em sinh ra trẻ em.

Cùng thời điểm, ghi nhận 798 trường hợp trẻ em sinh ra trẻ em và 211 trẻ vị thành niên kế hoạch hóa gia đình không sử dụng dịch vụ do mô hình cung cấp vì nhiều lý do khác nhau.

Ra mắt mô hình 1 cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục tại 3 bệnh viện.

Ra mắt mô hình 1 cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục tại 3 bệnh viện.

Ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: "Những dữ liệu từ mô hình cho thấy thực trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em đáng báo động, đặc biệt là các em nhỏ mang thai, sinh con khi chưa trưởng thành. Bạo lực không chỉ hủy hoại sức khỏe, cuộc sống của nạn nhân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và tương lai của thành phố".

Phó chủ tịch UBND TPHCM ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm của đội ngũ lãnh đạo, công chức các sở, ngành cùng đội ngũ y bác sĩ các bệnh viện cùng các đơn vị liên quan đã không ngại khó khăn, thách thức nhân rộng thêm 3 mô hình một cửa tại 3 bệnh viện nhằm kịp thời hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em và nhóm người dễ bị tổn thương, đảm bảo không bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển chung của thành phố.

Thời gian tới, việc sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ đặt ra cả thuận lợi lẫn thách thức trong hỗ trợ nạn nhân bạo lực. Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị Sở Y tế xây dựng quy trình khám chữa bệnh nhạy cảm giới, tránh gây thêm tổn thương và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để nạn nhân được tiếp cận dịch vụ kịp thời.

Giao Sở Nội vụ phối hợp Sở Y tế đảm bảo ngân sách, nhân lực và vận hành bền vững 4 mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em; đánh giá và nâng cao năng lực đội ngũ sau sáp nhập. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng giải pháp hỗ trợ trẻ bị bạo lực, mang thai ngoài ý muốn tiếp tục học tập; rà soát chương trình giáo dục giới tính phù hợp thời đại số. Sở Văn hóa và Thể thao rà soát truyền thông, loại bỏ định kiến và bất bình đẳng giới trong nội dung và hình ảnh.

Đề nghị Công an, Tư pháp, Tòa án, Viện kiểm sát cử cán bộ tham gia 4 mô hình để phối hợp liên ngành, đảm bảo người bị bạo lực được bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả từ điều tra đến xét xử. Đồng thời, đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM chỉ đạo các tổ chức thành viên tham gia vận hành mô hình, huy động nguồn lực hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân.

Quy trình khép kín của mô hình hỗ trợ nạn nhân bạo lực, xâm hại như sau:

Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng TP và Chấn thương Chỉnh hình TPHCM sẽ được sàng lọc. Nếu có dấu hiệu bị bạo lực, sẽ được chuyển đến Phòng một cửa tại bệnh viện. Nhân viên tại đây sẽ phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên Thành phố cùng các sở ngành, công an, tòa án, hội đoàn… để tổ chức hội chẩn, tư vấn pháp lý, tâm lý, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ gia đình và theo dõi ca tại cộng đồng.

Trường hợp cần tạm lánh, nạn nhân sẽ được chuyển đến Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố để được chăm sóc, trị liệu, hỗ trợ nuôi dưỡng và kết nối các dịch vụ thiết yếu, sau đó phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ hồi gia và ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Người bị bạo lực, xâm hại cần được trợ giúp liên hệ qua đường dây nóng của mô hình 1900 54 55 59 (tiếp nhận thông tin 24/7) hoặc đến trực tiếp Phòng một cửa tại 4 Bệnh viện: Hùng Vương (Quận 5); Nhi đồng 1 (Quận 10), Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh) và Chấn thương Chỉnh hình TPHCM (Quận 5).

Nam Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gan-1000-truong-hop-tre-em-sinh-ra-tre-em-o-tphcm-169250528114821141.htm