Gần 1 triệu người ký kiến nghị WTO hủy bỏ bản quyền vắcxin COVID-19

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắcxin COVID-19 cho người dân tại Moscow, Nga, ngày 8/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

* Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ sụp đổ hệ thống y tế ở Nhật Bản

Ngày 9/12, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho biết đã nhận một bản kiến nghị trực tuyến với 900.000 chữ ký kêu gọi hủy bỏ bản quyền vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng như thuốc điều trị bệnh này.

Kiến nghị trên do nhóm hoạt động Avaaz vận động lấy chữ ký trước thềm cuộc họp ngày 10/12 của Hội đồng Quyền sở hữu trí tuệ liên quan thương mại của (TRIPS).

Kiến nghị kêu gọi các chính phủ, các quốc gia thành viên của WTO và các công ty dược phẩm khẩn trương đảm bảo tất cả người dân trên thế giới đều được tiếp cận vắcxin ngừa COVID-19 và thuốc điều trị.

Ngoài ra, kiến nghị cho rằng cần hủy bỏ bản quyền đối với các sản phẩm này, kiến thức công nghệ phải được chia sẻ miễn phí và công khai, không cho phép có các hành vi trục lợi trong đại dịch. Theo đó, các chính phủ, các nhà khoa học và công ty dược phẩm cần phải hợp tác và kết hợp mọi nguồn lực để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Các quốc gia thành viên của WTO dự kiến tiếp tục thảo luận về các đề xuất miễn một số nghĩa vụ theo quy định của Hiệp định TRIPS liên quan công tác phòng ngừa, kiểm soát hoặc điều trị COVID-19. Theo WTO, vẫn còn những bất đồng đáng kể giữa các thành viên về vấn đề này. Hiện các phòng thí nghiệm và các công ty dược phẩm trên thế giới đang nỗ lực chạy đua để sản xuất vắcxin phòng bệnh COVID-19 an toàn và hiệu quả.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện trên thế giới có 52 loại vắcxin đã được thử nghiệm trên người, trong đó 13 vắcxin đang trong giai đoạn thử nghiệm đại trà cuối cùng. Ngoài ra còn có 162 loại vắcxin khác đang được phát triển trong các phòng thí nghiệm.

* Chủ tịch Hội Y học Tokyo Haruo Ozaki vừa lên tiếng cảnh báo các bệnh viện ở thủ đô Tokyo có thể sụp đổ trong bối cảnh số người nhập viện vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 liên tục tăng.

Theo ông Ozaki, ngày càng nhiều người trung niên và cao tuổi mắc COVID-19 nên số người nhập viện đang gia tăng và thời gian nhập viện kéo dài hơn. Do vậy, các bệnh viện ở Tokyo có thể "không thể bảo vệ được các bệnh nhân COVID-19 cũng như các bệnh nhân khác".

Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo liên tục tăng. Ngày 9/12, Tokyo ghi nhận thêm 572 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên toàn thành phố lên 44.927 ca, trong đó số bệnh nhân nhập viện điều trị 1.820 người.

Trên toàn quốc, số ca nhiễm mới cũng tăng cao kỷ lục với 2.811 ca trong ngày 9/12, tăng mạnh so với con số kỷ lục trước đó 2.678 ca ghi nhận ngày 28/11, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 170.158 ca. Với 42 ca tử vong mới, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Nhật Bản lên thành 2.500 ca.

Theo cảnh báo của ông Shigeru Omi, chuyên gia sức khỏe cộng đồng hàng đầu và là trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ Nhật Bản, các hệ thống y tế ở TP Asahikawa thuộc tỉnh Hokkaido và các khu vực khác cũng đang rất căng thẳng, một số khu vực đang trong giai đoạn quyết định.

Trước việc dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh ở Nhật Bản, nhiều chuyên gia lên tiếng kêu gọi Chính phủ thu hẹp quy mô của chương trình kích cầu du lịch “Go To Travel", đồng thời kêu gọi người dân cân nhắc việc đi lại trong thời điểm cuối năm.

Chuyên gia Omi cho rằng Chính phủ cần đưa các khu vực có số ca nhiễm mới tăng cao ra khỏi chương trình này.

Trong khi đó, ông Toshio Nakagawa, Chủ tịch Hội Y học Nhật Bản, kêu gọi những người đang có kế hoạch đi du lịch nên suy nghĩ lại, nhất là vào thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản dường như vẫn không muốn dừng chương trình “Go To Travel” do lo ngại việc này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới việc duy trì đà phục hồi của nền kinh tế. Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định kéo dài chương trình này thêm 5 tháng, tới tháng 6/2021.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/249850/gan-1-trieu-nguoi-ky-kien-nghi-wto-huy-bo-ban-quyen-vacxin-covid-19.html