Gần 10.000 ngày không ngơi nghỉ
Từ một tỉnh nhiều khó khăn sau ngày tái lập (1-1-1997), Bình Phước hôm nay đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành một tỉnh phát triển nhanh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hơn 27 năm với chặng đường gần 10.000 ngày không nghỉ, Bình Phước đã có những bứt phá ngoạn mục để biến vùng đất nghèo khó năm xưa trở thành địa bàn năng động, là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Trước đây, nhắc đến Bình Phước, ai cũng nghĩ đến là miền sơn cước, biên giới xa xôi hoang vu với đầy những khó khăn chồng chất. Khi đó, Bình Phước có cơ sở hạ tầng rất yếu kém, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa cao. Hoạt động kinh tế của Bình Phước chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng rất manh mún và lạc hậu. Sản xuất công nghiệp chỉ có vài nhà máy chế biến mủ của các công ty cao su nhà nước và các tổ hợp sơ chế hạt điều trong nhân dân. Năm 1997, toàn tỉnh chỉ có 181 doanh nghiệp cùng với khoảng 1.000 cơ sở, tổ hợp sản xuất công nghiệp. Về dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Bình Phước chỉ có duy nhất 1 nhà máy chế biến tinh bột mì tại Chơn Thành nhưng quy mô rất khiêm tốn… Năm 1997 thu ngân sách của tỉnh chỉ được 172,8 tỷ đồng…
Thế nhưng, bằng ý chí và nỗ lực sau gần 10.000 ngày không ngơi nghỉ, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh nhà đã đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng đưa Bình Phước có những bước phát triển vượt bậc cùng cả nước vững vàng tiến vào thời kỳ hội nhập. Đây là một kỳ tích rất đáng tự hào của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Bình Phước trong chặng đường xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp. Chỉ tính riêng năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Bình Phước khá cao, đạt 9,32%; thu ngân sách hơn 11.250 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người ước đạt 108,40 triệu đồng, tăng 13,4% so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4.750 triệu USD, tăng 13,63% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh có 1.198 doanh nghiệp thành lập mới, thu hút được 35 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký mới hơn 569 triệu USD; nâng tổng số doanh nghiệp ở Bình Phước lên hơn 12.782 đơn vị, với số vốn đăng ký 212.399 tỷ đồng và 437 dự án FDI, với số vốn đăng ký trên 4.520 triệu USD.
Hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, bài bản tạo thành "xương sống" cho Bình Phước phát triển. Toàn tỉnh hiện có hơn 2.855 tuyến đường, với tổng chiều dài 9.110km. Cuối năm 2024, tỉnh đã động thổ tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Sau khi hoàn thành sẽ kết hợp với tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) tạo thành các trục giao thông kết nối vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xóa bỏ khoảng cách vùng miền trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Bình Phước đã hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở pháp lý để tạo ra những đột phá mới; sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới, bền vững với nhiều mục tiêu, xây dựng Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh, văn minh. Và trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước.
Để có được những thành tựu này, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân Bình Phước đã kế thừa truyền thống vẻ vang của vùng đất “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, khí phách anh hùng của quân và dân Bình Phước trong đấu tranh cách mạng để có những bước tiến thần kỳ, biến vùng đất đầy gian khó thành động lực phát triển, là vùng đất đáng sống và là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhìn lại chặng đường 27 năm đã đi qua, nhân dân Bình Phước luôn tự hào về sự năng động của chính quyền các cấp, sự vượt khó của các doanh nghiệp đã góp phần đưa Bình Phước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/168050/gan-10-000-ngay-khong-ngoi-nghi