Sẵn động lực 'hút' FDI, Bình Dương cùng doanh nghiệp phát triển bền vững, toàn diện

Bình Dương đã và đang xây dựng một môi trường đầu tư minh bạch, công bằng để mọi người đều có cơ hội phát triển, lập thân, lập nghiệp tại vùng đất năng động này.

Tăng trưởng kinh tế Bình Dương năm 2024 có sự chuyển biến rõ nét qua từng tháng, từng quý. (Nguồn: Becamex)

Tăng trưởng kinh tế Bình Dương năm 2024 có sự chuyển biến rõ nét qua từng tháng, từng quý. (Nguồn: Becamex)

Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương duy trì phát triển tích cực và đạt kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế có sự chuyển biến rõ nét qua từng tháng, từng quý, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ duy trì ổn định, đạt trên 90% tổng quy mô nền kinh tế.

Thu hút FDI đứng thứ 2 cả nước

Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Bình Dương cho thấy, năm 2024, Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,48% so với cùng kỳ năm 2023. GRDP bình quân đầu người đạt 181,2 triệu đồng/năm.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự phục hồi sau những khó khăn do đại dịch và tác động của kinh tế thế giới. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), theo ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, Bình Dương vẫn là một trong số những tỉnh, thành dẫn đầu cả. Năm qua, Bình Dương vượt qua Hà Nội để vươn lên thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI, với hơn 42,4 tỷ USD.

Đáng chú ý, nhiều nhà đầu tư đã rót vốn tăng thêm, khẳng định niềm tin của doanh nghiệp FDI đối với môi trường đầu tư của tỉnh.

Trong năm, Bình Dương đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường lớn, tạo sự thông thoáng, bảo đảm sự kết nối hạ tầng đồng bộ giữa Bình Dương và các tỉnh trong vùng kinh tế phía Nam, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, kết nối mạng lưới giao thông khu vực, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, theo dõi, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công đường Vành đai 3, 4, Quốc lộ 13, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; tiếp tục phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai các thủ tục đầu tư các dự án đường Vành đai 4, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép; xây dựng danh mục dự án giao thông ưu tiên thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công trong năm 2024 - 2025; đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới hạ tầng giao thông kết nối giữa tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.

Lấy ổn định làm tiền đề

Bình Dương xác định 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, lấy ổn định làm tiền đề cho phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Trong năm 2025, Bình Dương xây dựng 36 chỉ tiêu tổng hợp phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, đô thị. Trong đó, về kinh tế, tỉnh đặt mục tiêu GRDP tăng từ 10% trở lên; tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm nghiệp - thủy sản và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong cơ cấu kinh tế tương ứng đạt 65,01% - 25,20% - 2,61% - 7,18%.

GRDP bình quân đầu người khoảng 195 triệu đồng/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng 9 - 10%; kim ngạch nhập khẩu tăng 9-10%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 80.725 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,8 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt 100%.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10% vào năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, tỉnh sẽ thực hiện ba đột phá chiến lược chính.

Thứ nhất, đầu tư đồng bộ vào hạ tầng giao thông kết nối vùng để thúc đẩy phát triển toàn diện.

Thứ hai, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, đô thị và dịch vụ, cùng lĩnh vực giáo dục và y tế.

Thứ ba, tăng cường hiệu quả tổ chức và triển khai nhiệm vụ để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

"Dù có nhiều cơ hội, Bình Dương vẫn đối mặt với thách thức duy trì phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động. Để vượt qua, tỉnh sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường hợp tác quốc tế học hỏi các mô hình phát triển tiên tiến", ông Võ Văn Minh nhấn mạnh.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH URC Việt Nam tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I tại Bình Dương. (Ảnh: Ngọc Thanh)

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH URC Việt Nam tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I tại Bình Dương. (Ảnh: Ngọc Thanh)

Động lực thu hút dòng vốn FDI

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 và là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp, dịch vụ hiện đại.

Tỉnh đang tập trung xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp và quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới; tiếp tục hoàn thành gần 200km đường vành đai, cao tốc kết nối vùng. Đồng thời, sẽ hình thành vành đai công nghiệp với quy mô trên 20.000 ha…

Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh khẳng định: "Đây được dự báo sẽ là động lực thu hút dòng vốn FDI vào tỉnh trong năm 2025 và xa hơn".

Thời gian tới, Bình Dương luôn chào đón sự đồng hành của các doanh nghiệp và đối tác chiến lược. Tỉnh cam kết xây dựng một môi trường đầu tư minh bạch, công bằng để mọi người đều có cơ hội phát triển, lập thân, lập nghiệp tại vùng đất năng động này.

Nỗ lực không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ nhà đầu tư sẽ là lý do để doanh nghiệp tìm đến Bình Dương nhiều hơn, cùng “thủ phủ công nghiệp” của cả nước phát triển bền vững và toàn diện.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/san-dong-luc-hut-fdi-binh-duong-cung-doanh-nghiep-phat-trien-ben-vung-toan-dien-301217.html