Gần 10.000 vụ buôn lậu, hàng giả bị xử lý trong nửa đầu năm 2025
Theo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã tiến hành kiểm tra 11.568 vụ, xử lý 9.919 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt hành chính lên tới 266 tỷ đồng. Trong đó, số tiền nộp ngân sách nhà nước đạt 141 tỷ đồng và 76 vụ có dấu hiệu hình sự đã được chuyển cơ quan điều tra xử lý.
Thông tin được công bố tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và đối ngoại tháng 7/2025, do Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sáng 24/7.
Để thực hiện đợt cao điểm kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Cục Quản lý và Phát triển thị trường đã yêu cầu lực lượng chức năng tại các địa phương phối hợp chặt chẽ trong tổ chức kiểm tra liên ngành, kiểm tra đột xuất tại các khu vực, lĩnh vực trọng điểm. Công tác kiểm tra tập trung vào các tuyến hàng hóa lưu thông từ biên giới, cảng hàng không quốc tế vào nội địa; các điểm kinh doanh, kho hàng, bến bãi, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, làng nghề, và đặc biệt chú trọng thương mại điện tử.

Sở Công Thương các địa phương cũng được chỉ đạo tăng cường nắm bắt tình hình thị trường, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các điểm nóng như: Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP.HCM, An Giang và Tây Ninh.
Nhiều vụ việc điển hình đã được phát hiện trong thời gian qua. Cụ thể, ngày 20/5, lực lượng chức năng kiểm tra nhiều cửa hàng thời trang trên các tuyến phố du lịch trung tâm TP. Đà Nẵng và thu giữ hơn 500 sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Gucci, Dior. Ngày 29/5, tại trung tâm mua sắm Saigon Square (TP.HCM), hàng nghìn sản phẩm giả thương hiệu quốc tế bị tạm giữ. Mới đây nhất, ngày 9/6, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Công an TP. Hà Nội kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, phát hiện và thu giữ 3.500 sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cũng đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng hóa nhằm phục vụ truy xuất nguồn gốc, định hướng chiến lược phát triển và phòng chống buôn lậu, hàng giả. Đồng thời, xây dựng hệ thống thu thập và chia sẻ dữ liệu thị trường dùng chung trong toàn ngành Công Thương.
Cục cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của các lực lượng chức năng, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm. Một số văn bản pháp lý đang được đề xuất sửa đổi, bổ sung gồm: Dự thảo Luật Thương mại điện tử, Nghị định thay thế Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, buôn bán hàng giả - hàng cấm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 33/2022/NĐ-CP quy định chi tiết Pháp lệnh Quản lý thị trường.