Gần 100 hộ dân phường Hà Đông: Đề nghị dừng thi công đường Ngô Quyền vì lo không có lối thoát nước!
Theo phản ánh của các hộ dân cụm 1, tổ dân phố 5, phường La Khê (cũ), nay là phường Hà Đông, thành phố Hà Nội, mặt đường, cống thoát nước thải sinh hoạt thuộc hạng mục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đường Ngô Quyền quá cao so với nền đường cũ, đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Công trình thi công mặt đường, cống thoát nước thải sinh hoạt thuộc hạng mục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đường Ngô Quyền. Ảnh: TH
Nền đường mới quá cao
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường Ngô Quyền (bờ phải kênh La Khê) thuộc Dự án đầu tư Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) đang phải tạm dừng thi công khi gần 100 hộ dân thuộc cụm 1, tổ dân phố 5, phường La Khê (cũ) nay là phường Hà Đông có đơn gửi chính quyền các cấp, chủ đầu tư cho rằng, dự án đang triển khai có nền mặt đường và cống thoát nước quá cao so với nền đường, cống thoát nước cũ, nếu tiếp tục triển khai sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Toàn Thịnh, ở số nhà 1, ngõ 26 đường Ngô Quyền, phường Hà Đông cho biết: Từ tháng 1-2024 đến nay, dự án cải tạo đường Ngô Quyền đoạn từ số nhà 226 đến số nhà 298 đã và đang thi công các hạng mục như: Hệ thống cống thoát nước mặt, nước thải sinh hoạt, hệ thống hào kỹ thuật… Tuy nhiên, công trình có nhiều điểm bất cập về cao độ của mặt đường, cống thoát nước thải sinh hoạt so với đường, các ngõ trong khu dân cư cũ.


Nền đường mới và hố kỹ thuật quá cao so với khu dân cư cũ nên các ngõ phải đắp đất, bắc cầu từ ngõ lên đường Ngô Quyền để đi lại. Ảnh: TH
“Theo thiết kế, mặt đường mới sẽ cao hơn mặt đường cũ trên 1m. Do đó, nếu dự án thi công theo thiết kế thì mặt đường mới và hạ tầng kỹ thuật cũng sẽ cao hơn rất nhiều so với cao độ nền nhà, các ngõ vào nhà, đặc biệt là hệ thống thoát nước của các hộ dân trong cụm. Đơn cử, nền nhà tôi sẽ thấp hơn đường và cống thoát nước đường Ngô Quyền mới khoảng 1m. Như vậy, chúng tôi không biết sẽ phải khắc phục thế nào để phù hợp với hạ tầng đường Ngô Quyền mới”, ông Thịnh cho biết thêm.
Chung quan điểm, anh Hoàn ở ngõ 28 đường Ngô Quyền - một trong hai ngõ thấp nhất của đường Ngô Quyền chia sẻ: “Việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đường Ngô Quyền là cần thiết. Song, nếu triển khai theo đúng thiết kế như hiện nay chắc chắn sẽ “làm khó” các hộ dân chúng tôi. Hiện nay, nhiều ngõ đã phải bắc “cầu vượt”, đắp ụ đất cao mới có thể ra được đường Ngô Quyền, khiến việc đi lại rất khó khăn”.

Hố kỹ thuật cao, chắn ngang 1/2 ngõ 30 đường Ngô Quyền khiến việc đi lại của các hộ dân rất khó khăn. Ảnh: TH
Các hộ dân phải tự khắc phục!
Chiều 30-6, theo ghi nhận thực tế của phóng viên tại khu vực đang triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật đường Ngô Quyền (đoạn qua địa bàn cụm 1, tổ dân phố 5, phường Hà Đông), phản ánh của người dân là có cơ sở. Dọc đoạn đường đang thi công, hào kỹ thuật, cống thoát nước ở dọc tuyến cao hơn nhà dân rất nhiều, có đoạn cao tới hơn 1m nên các hộ đi lại rất vất vả, nhất là khi trời mưa, nước ngập mặt đường.
Đáng nói, tại đầu các ngõ 26, 28, 30 đường Ngô Quyền, do cống và nền đường mới quá cao nên các hộ dân phải đắp đường, làm “cầu vượt” mới có thể đi qua, nhìn rất nguy hiểm.
Ở đầu ngõ 28 và 30, hố kỹ thuật đặt cao, chắn từ 1/3 đến 1/2 lối vào các ngõ, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, nhất là người già, trẻ em. Trong khi đó, nền mặt đường Ngô Quyền đoạn qua cụm 1 lổn nhổn gạch, đá, “ổ voi”, “ổ gà”, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù mịt…


Đường lổn nhổn gạch đá khiến việc đi lại của người dân rất vất vả. Ảnh: TH
Được biết, sau khi nhận được kiến nghị của các hộ dân, UBND phường La Khê (cũ) đã có công văn gửi chủ đầu tư dự án - Ban Quản lý duy tu các công trình nông nghiệp và môi trường Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Môi trường).
Theo đó, để bảo đảm đời sống nhân dân trên địa bàn, UBND phường đã kiến nghị chủ đầu tư kiểm tra hiện trạng quá trình thi công, hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt, đồng thời có phương án kỹ thuật bảo đảm an toàn, không ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt và tiêu thoát nước của người dân trên phố Ngô Quyền.
Về vấn đề này, thông tin với phóng viên Báo Hànôịmới, đại diện chủ đầu tư Dự án đầu tư Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội cho biết, sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị của các hộ dân, đầu tháng 6-2025, Ban đã có văn bản gửi Công ty TNHH Tư vấn Trường Đại học Thủy lợi (đơn vị tư vấn thiết kế dự án) đề nghị rà soát toàn bộ phần cốt đường giao thông (bên phải tuyến) đường Ngô Quyền; cơ sở pháp lý để lựa chọn cốt đường thiết kế, cốt hệ thống thoát nước thải, thoát nước mưa, hố ga... để Ban có cơ sở thông tin đến các hộ dân.

Người dân tiếp tục đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu hạ bớt cao độ nền mặt đường, cống thoát nước xuống để hài hòa với các ngõ, hệ thống thoát nước hiện tại. Ảnh: TH
Được biết, ngày 27-6-2025, Công ty TNHH Tư vấn Trường Đại học Thủy lợi đã có văn bản gửi chủ đầu tư, nêu rõ: Hiện trạng vị trí đoạn đường Ngô Quyền (bờ phải kênh) dài khoảng 700m có cao độ mặt đường hiện trạng khoảng từ +5,0m đến +5,3m, cao độ nền nhà dân hiện trạng từ +5,3m đến +5,6m. Khi thiết kế, đơn vị tư vấn thiết kế đã căn cứ hiện trạng và các quy hoạch liên quan để chọn cao độ hoàn thiện mặt đường +6,1m đến +6,2m, phù hợp để bảo đảm yếu tố kỹ thuật tuyến đường cũng như mỹ quan đô thị, tuân thủ theo quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đô thị đã được thành phố Hà Nội phê duyệt.
“Đối với các hộ dân bị ảnh hưởng, các hộ dân sẽ từng bước khắc phục hoàn thiện, nâng cao cao độ nền nhà để bảo đảm tránh ngập úng sau này”, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Trường Đại học Thủy lợi Lê Nho Thịnh cho biết.
Theo ông Nguyễn Toàn Thịnh, việc trả lời của đơn vị tư vấn thiết kế như vậy là chưa vì quyền lợi người dân. Nếu vẫn thi công theo thiết kế, số tiền các hộ phải chi để cải tạo lại nhà, nâng nền, hệ thống thoát nước... sẽ rất lớn, nhiều hộ sẽ gặp khó khăn.
"Chúng tôi tiếp tục đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu hạ bớt cao độ nền mặt đường, cống thoát nước xuống, điều chỉnh vị trí đặt một số hố kỹ thuật để hài hòa với các ngõ, hệ thống thoát nước hiện tại, để người dân đi lại thuận lợi, không làm đảo lộn cuộc sống của các hộ dân”, ông Thịnh nhấn mạnh.