Giải pháp nào khi giá vật liệu xây dựng tăng cao?

Giá cát, đá tăng cao

Cần rà soát, đánh giá các mỏ khoáng sản, đẩy nhanh tiến độ đưa các mỏ cát, đá đã cấp phép vào khai thác nhằm phục vụ kịp thời cho các công trình trọng điểm quốc gia - Ảnh: Báo Xây dựng

Cần rà soát, đánh giá các mỏ khoáng sản, đẩy nhanh tiến độ đưa các mỏ cát, đá đã cấp phép vào khai thác nhằm phục vụ kịp thời cho các công trình trọng điểm quốc gia - Ảnh: Báo Xây dựng

Cụ thể, giá thép bình quân tháng tăng 100 - 270 đồng/kg tùy các loại và từng vùng, tính trung bình tăng 1,2% so với tháng 5. Giá nhựa đường tăng tới 200 đồng/kg các loại, tăng 0,16 - 0,33% so với tháng trước. Nguyên nhân giá nhựa đường tăng là do ảnh hưởng giá xăng dầu và chi phí vận chuyển.

Giá xi măng ổn định, không biến động so với tháng trước. Các dây chuyền sản xuất xi măng đủ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra các nước trên thế giới. Mặc dù chi phí sản xuất cũng tăng lên nhưng do lượng cung lớn, các nhà máy sản xuất phải cân đối để đạt được lợi nhuận.

Giá cát xây dựng tăng từ 29,95 - 58,45% ở khu vực so với tháng 5/2025. Nguyên nhân được Viện Kinh tế xây dựng nhận định là do nhu cầu xây dựng cao, nguồn cung khan hiếm, các mỏ cát được cấp phép tạm dừng hàng loạt do nhiều nguyên nhân (hết hạn cấp phép; gây sạt lở, chồng lấn; chủ động ngừng khai thác...). Đặc biệt là các tỉnh miền Trung, các công trình sử dụng chủ yếu nguồn cát tự nhiên, không có các trạm để sản xuất cát nghiền.

Giá đá xây dựng tăng từ 7,3 - 11,11% so với tháng 5/2025.

Nguyên nhân là do nhu cầu xây dựng tăng cao, đồng thời do ảnh hưởng tăng giá các loại vật liệu xây dựng (cát xây dựng). Các địa phương không đủ lượng cát tự nhiên, sử dụng cát nghiền để thi công xây dựng, đặc biệt khu vực miền Bắc và miền Nam.

"Nhìn chung trong tháng 6, các loại vật liệu xây dựng như xi măng, thép, nhựa đường ổn định, không biến động nhiều so với tháng trước, chỉ có giá cát và đá xây dựng tăng cao. Do giá vật liệu biến động, nên giá trị các loại hình công trình tăng từ 0,68 - 3,14 % so với tháng trước", Viện Kinh tế xây dựng đánh giá.

Khan hiếm vật liệu

Có thể thấy, tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng làm ảnh hưởng không nhỏ tiến độ thi công những công trình trọng điểm quốc gia.

Ông Nguyễn Tiến Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thông tin, đến ngày 10/6, tổng khối lượng vật liệu đá được đưa về công trường dự án sân bay Long Thành đạt khoảng 1,38 triệu m3, trong khi nhu cầu đăng ký cho cả năm lên đến gần 4,92 triệu m3, còn thiếu hơn 3,54 triệu m3. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ đá cung ứng đạt khoảng 9%.

Là đơn vị thi công dự án cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Tuân (Hà Nội), đại diện Công ty CP Đầu tư phát triển HUGIA cho biết, giá vật liệu xây dựng đang tăng từ 15 - 20% so với tháng trước, đặc biệt là đá và cát, khiến doanh nghiệp chật vật vì chi phí bị đội lên đáng kể.

Doanh nghiệp này cho biết, giá đá xây dựng và cát tính đến chân công trình dao động từ 470.000 - 500.000 đồng/m3, song cũng khan hiếm. Hiện, nhà thầu vẫn phải chấp nhận mua vật liệu với giá cao để đảm bảo tiến độ công trình.

Đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác mỏ

Liên quan đến nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án trọng điểm phía Nam, mới đây, ngày 26/6, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với các đơn vị về phân bổ khoáng sản phục vụ các dự án trọng điểm phía Nam. Trong đó có nhiều dự án lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TPHCM.

Tại cuộc họp này, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Nai cho biết, các mỏ vật liệu san lấp trên địa bàn do các chủ đầu tư đề xuất cơ bản đã được tỉnh cấp phép để đảm bảo cung ứng vật liệu phục vụ thi công dự án. Riêng đất đắp đã cơ bản đáp ứng nhu cầu để nhà thầu tăng tốc đẩy nhanh thi công đắp đất nền đường.

Đồng thời, liên quan đến việc tăng 50% công suất khai thác theo Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/6/2025 của Chính phủ, qua rà soát Đồng Nai có 14 mỏ đá đang khai thác đủ điều kiện và đã kiến nghị được áp dụng. Nếu được chấp thuận, từ nay đến cuối năm, các mỏ này có thể cung cấp thêm khoảng 5,2 triệu m3 đá, đủ đáp ứng kịp thời cho các dự án trọng điểm của tỉnh và khu vực phía Nam.

Theo đại diện Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, giá vật liệu xây dựng trong nửa cuối năm 2025 sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như chính sách tài chính, sự mất cân đối cung - cầu, chi phí năng lượng tăng cao và biến động của thị trường bất động sản. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm nguồn cung ổn định, tăng cường dự trữ vật liệu cho các dự án để giảm thiểu rủi ro do biến động về giá.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ hiệu quả không thể trông chờ vào nỗ lực đơn lẻ mà cần có một chiến lược tổng thể, đồng bộ, nhất quán từ trung ương đến địa phương. Trước mắt, cần rà soát, đánh giá các mỏ khoáng sản, đẩy nhanh tiến độ đưa các mỏ đã cấp phép vào khai thác. Đồng thời, hoàn tất thủ tục đấu giá với các mỏ đủ điều kiện để bổ sung nguồn cung kịp thời.

Đồng thời, để giảm tác động tiêu cực về giá vật liệu tăng cao, các chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn thiết kế - xây dựng theo hướng tiết kiệm vật liệu, giảm hao phí và phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam. Trong đó, khuyến khích thiết kế công trình tối ưu, tránh lãng phí về chiều cao, vật liệu phủ và cấu kiện bê tông quá dày.

Mặt khác, khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế như trong xỉ nhiệt điện, cốt liệu tái sinh từ bê tông phá dỡ, nhựa tái chế… Những biện pháp này sẽ giảm thiểu việc sử dụng, góp phần hạn chế tình trạng "cung không đủ cầu" của các loại vật liệu truyền thống trong xây dựng.

Trước diễn biến bất thường của thị trường vật liệu xây dựng, ngày 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 85/CĐ-TTg về tăng cường các giải pháp quản lý, bình ổn giá vật liệu xây dựng.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẩn trương cho rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn địa phương rà soát, đánh giá, tổng hợp nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn; phối hợp Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn, chỉ đạo địa phương quy hoạch, xác định các mỏ, nguồn cung, công suất, khả năng cung cấp để bảo đảm cân đối cung cầu, kịp thời xử lý ngay khó khăn vướng mắc, nhất là thiếu hụt cục bộ trên từng địa bàn, địa phương và trên toàn quốc.

Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo cơ quan chức năng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; xử lý triệt để hàng hóa vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan điều tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng thị trường, đầu cơ trục lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và những hành vi bao che, bảo kê, tham nhũng, làm ngơ để tình trạng vi phạm tái diễn, không xử lý triệt để.

Theo Baochinhphu

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/giai-phap-nao-khi-gia-vat-lieu-xay-dung-tang-cao-5051885.html