Gần 100% số xã xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí hệ thống chính trị, tiếp cập pháp luật, quốc phòng, an ninh
Đây là kết quả rà soát nhóm tiêu chí về xây dựng hệ thống chính trị xã hội vững mạnh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó, có 381 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí hệ thống chính trị, tiếp cận pháp luật và tiêu chí quốc phòng và an ninh.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, các cấp ủy, chi bộ đảng ở nông thôn đã chú trọng đổi mới phương thức hoạt động, lãnh đạo theo hướng cụ thể, sâu sát, thiết thực đến từng nhiệm vụ, phân công trách nhiệm tới từng cấp ủy để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã cũng được thực hiện có hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng đã rà soát, xác định các ngành, nghề đào tạo phù hợp với vị trí chức danh cán bộ, công chức, phù hợp với nhu cầu của người học và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tổ chức thực hiện đào tạo có hiệu quả.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thành phố tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp hoạt động theo hướng sát cơ sở, chăm lo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên, tập hợp thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Nhiều mô hình, tấm gương điển hình tiên tiến xuất hiện trong các phong trào thi đua sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.
Nhận thức về vị trí, vai trò tầm quan trọng xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã có chuyển biến tích cực. Việc triển khai xây dựng và đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã dần đi vào nền nếp, thực chất hơn, các tài liệu kiểm chứng cơ bản bảo đảm theo quy định của pháp luật. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức ở xã trong quá trình thực thi công vụ; tổ chức quán triệt, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật mới ban hành cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục cho nhân dân trên địa bàn các xã với nhiều hình thức phù hợp.
Lực lượng công an, quân sự thành phố cũng chủ động nắm chắc tình hình, xây dựng các phương án, kế hoạch bảo đảm an toàn trật tự trên địa bàn thành phố, không để xảy ra biểu tình, bạo loạn, gây rối an ninh trật tự, đình công trái pháp luật kéo dài phức tạp, các hoạt động rải tờ rơi, truyền đơn có nội dung chính trị xấu... Phát huy tốt vai trò chủ công nòng cốt, chủ công trong công tác phòng chống tội phạm, chủ động trong công tác nắm và dự báo tình hình; tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp nảy sinh, nhất là vấn đề khiếu kiện, an ninh nông thôn…
Cùng với đó, cơ quan chức năng thành phố làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội với nhiều sự đổi mới về nội dung, hình thức, mang tính chuyên sâu và trên diện rộng, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của đại bộ phận nhân dân về trách nhiệm tham gia công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đúng quy định. Hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp”...