Gần 13 triệu học sinh Trung Quốc bắt đầu kỳ thi 'khó nhất thế giới'
Ngày 7/6, gần 13 triệu học sinh trên khắp Trung Quốc chính thức bắt đầu kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2023, hay còn được gọi là 'cao khảo' một trong những kỳ thi đầu vào đại học khó khăn, căng thẳng và cạnh tranh nhất trên thế giới.
Theo Xinhua trích dẫn số liệu thống kê từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, số lượng thí sinh đăng ký thi "cao khảo" năm 2023 là 12,91 triệu người, tăng 980.000 người so với năm 2022. Đây là một mức cao kỷ lục kể từ khi kỳ thi này được nối lại vào năm 1977.
Thông thường, cao khảo sẽ kéo dài 2 tới 4 ngày tùy thuộc vào số lượng môn học mà học sinh đăng ký dự thi. Thường được ví với “cầu độc mộc”, ý chỉ một con đường khó khăn và cô độc mà ai cũng phải trải qua, cao khảo là một sự kiện mà các học sinh Trung Quốc dành ra 12 năm để chuẩn bị.
Trên thực tế, tỷ lệ nhập học đại học của Trung Quốc đã tăng lên 94% vào năm 2022 so với chỉ 5% vào năm 1977. Tuy nhiên, cao khảo vẫn là một trải nghiệm khó khăn và áp lực khi việc tuyển sinh chủ yếu dựa vào kết quả thi thay vì ước tính tổng thể về thành tích học tập của học sinh trong quá trình học tập. Kết quả thi nhiều khi sẽ có ảnh hưởng tới các cơ hội trong cuộc sống và thậm chí cả tiền lương trong tương lai, do đó nó được ví là con số quan trọng nhất trong cuộc đời một học sinh tại Trung Quốc.
Do tầm quan trọng này, không chỉ phụ huynh học sinh tham gia cao khảo mà cả những ngành nghề khác cũng tạo điều kiện để đảm bảo kỳ thi diễn ra suôn sẻ. Ở những nơi gần địa điểm thi, công việc xây dựng thậm chí còn được tạm dừng trong khi giao thông được phân luồng để không làm phiền tới các học sinh.
Fan Xuanzhi – một học sinh của trường trung học số 44 Bắc Kinh - là một trong gần 13 triệu học sinh tham gia cao khảo năm 2023. Vào buổi sáng ngày 7/6, Fan đi tới trường thi bằng xe đạp trong khi mẹ nữ sinh này mặc trang phục truyền thống của phụ nữ Trung Quốc là sườn xám (qipao). Trong tiếng Trung, cả “sườn xám” và “đi xe đạp” đều có từ “qi” đồng âm với từ “qi” có nghĩa là “lá cờ”, do đó các hành động này đều tượng trưng cho ước muốn chiến thắng của em học sinh này và gia đình mình khi tham gia cao khảo.
Trả lời Xinhua, Fan bày tỏ sự tự tin của mình khi cho biết em “chắc chắn mình sẽ có một suất tại một trường đại học hoặc cao đẳng” và tất cả những gì em cần làm chính là “phát huy hết khả năng của mình”. Trước mắt, Fan cho biết sẽ nộp đơn vào ngành tâm lý học nếu điểm số tốt. Nếu không, nữ sinh này dự định sẽ học ngoại ngữ như tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha và sau đó theo học ngành tâm lý sau.
Mẹ của Fan là bà Liu Xiaoyan - một biên tập viên tin tức và đồng thời là một người từng tham gia cao khảo năm 1991 – cho biết bà ủng hộ sự lựa chọn của con mình vô điều kiện. Bà nhận định cơ hội luôn tồn tại miễn là người trẻ tuổi ham học hỏi do thời kỳ “cả cuộc đời học sinh dựa vào điểm thi” đã qua rồi.