Gần 140 người thiệt mạng do hỏa hoạn 10 tháng qua

Bộ Công an cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quốc xảy ra 2.927 vụ cháy và sự cố cháy, làm chết 134 người, cùng ước tính về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền gần 230 tỷ đồng và 207 ha rừng.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc vừa diễn ra, đã đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.

Đại diện Bộ Công an cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quốc xảy ra 2.927 vụ cháy và sự cố cháy (giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2022), làm chết 134 người (tăng 26,8%), làm bị thương 101 người (tăng 21,8%), về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền gần 230 tỷ đồng và 207 ha rừng.

Vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ khiến 56 người tử vong

Vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ khiến 56 người tử vong

Trong 10 tháng đầu năm 2023, xảy ra 10 vụ nổ, làm chết 5 người, bị thương 18 người. So với 10 tháng đầu năm 2022: Số vụ cháy và sự cố cháy giảm 1.367 vụ (-31,8%); tăng 36 người chết; tăng 22 người bị thương; thiệt hại về tài sản giảm hơn 300 tỷ đồng. Số vụ nổ giảm 3 vụ; số người chết giảm 3 người, số người bị thương tăng 3 người.

Trong số đó, đặc biệt nghiêm trọng là vụ cháy chung cư mini ngày 12/9 vừa qua tại Thanh Xuân, Hà Nội, làm chết 56 người, 37 người bị thương.

Thông qua phân tích, 66% vụ cháy xảy ra ở thành thị; cháy nhà dân chiếm 33,3%, cháy nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chiếm 8,2%, cháy chung cư chiếm 1,3%, cháy chợ chiếm 1,3%, cháy vũ trường, bar, karaoke chiếm 0,4%. Hầu hết các vụ cháy xảy ra do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm 62%), do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (chiếm 17,%), do vi phạm quy định an toàn PCCC chiếm 0,9%.

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong công tác PCCC. Trong đó có một bộ phận không nhỏ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của công tác PCCC.

Được biết, nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện; sơ suất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; vi phạm quy định an toàn PCCC. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, tình trạng các gia đình tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh khá phổ biến; một số chủ đầu tư không chấp hành những quy định về PCCC, còn nhiều công trình chưa được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng. Đầu tư cơ sở vật chất cho công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ, trang bị phương tiện cho lực lượng Cảnh sát PCCC còn khiêm tốn, chưa tương xứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Dự báo thời gian tới tình hình cháy nổ, sự cố, tai nạn tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng PCCC, khả năng ứng phó với các sự cố của người dân, doanh nghiệp. Nâng cao năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu về công tác PCCC và CNCH.

Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là huy đông các nguồn lực để đầu tư hạ tầng PCCC đáp ứng yêu cầu khi sự cố xảy ra. Đồng thời, hoàn thiện thể chế pháp luật, tăng cường giám sát kiểm tra việc thực thi chính sách pháp luật; xử lý nghiêm minh các vi phạm. Phát huy hiệu quả phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, cơ quan đoàn thể, địa phương trong công tác PCCC…

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/gan-140-nguoi-thiet-mang-do-hoa-hoan-10-thang-qua-404179.html