Gần 150 tài liệu hiện vật trong trưng bày chuyên đề 'Non sông liền một dải'

Từ ngày 22/4 đến hết tháng 8/2025, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Non sông liền một dải”, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Trưng bày chuyên đề “Non sông liền một dải” gồm 3 phần, giới thiệu tới công chúng gần 150 tài liệu, hiện vật. Trong đó, phần 1 có chủ đề “Khát vọng thống nhất”, trưng bày giới thiệu tài liệu, hình ảnh, hiện vật nhân dân Việt Nam thi hành Hiệp định Giơnevơ; bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc đấu tranh đòi hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân hai miền Nam - Bắc.

Phần 2 có chủ đề “Nước Việt Nam là một - Dân tộc Việt Nam là một”, giới thiệu tới công chúng những tài liệu, hiện vật tiêu biểu về đường lối, quyết sách sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo quân và dân Việt Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; Sự ủng hộ, chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam; sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Phần 3 với chủ đề “Non sông liền một dải”, giới thiệu tới công chúng hình ảnh, hiện vật thể hiện thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam; Không khí tưng bừng, niềm vui của ngày thống nhất non sông; nhân dân hai miền Nam - Bắc sum họp; Đất nước Việt Nam thống nhất, non sông liền một dải…

Trưng bày chuyên đề “Non sông liền một dải” mở cửa đón khách tham quan đến hết tháng 8/2025 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hồi ký chiến trường sống động của Thiếu tướng Hoàng Đan

Cuốn hồi ký “Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập” của Thiếu tướng Hoàng Đan vừa được tái bản và ra mắt độc giả trong tháng Tư lịch sử, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thiếu tướng Hoàng Đan (1928-2003), nguyên Tư lệnh Sư đoàn 304, người trực tiếp chỉ huy các chiến dịch lớn như Khe Sanh 1968, Đường 9 Nam Lào 1971, Quảng Trị 1972, Thượng Đức 1974 và Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. “Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập” được viết dưới hình thức nhật ký, ghi lại thời gian Thiếu tướng Hoàng Đan lăn lộn trên các chiến tuyến, qua các giai đoạn then chốt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ đầu thập niên 1960 đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975. Mỗi trang nhật ký một câu chuyện lịch sử, là một bài học sâu sắc về nghệ thuật lãnh đạo, về tầm nhìn xa và sự kiên định trước thử thách.

Phim điện ảnh “Mưa đỏ” ra mắt những hình ảnh đầu tiên

Bộ phim điện ảnh “Mưa đỏ” lấy cảm hứng từ sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 đã ra mắt những hình ảnh đầu tiên. Đây là bộ phim do Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện, hướng tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9.

Cảnh trong phim "Mưa đỏ". (Ảnh Galaxy Studio)

Cảnh trong phim "Mưa đỏ". (Ảnh Galaxy Studio)

Phim kể về cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường và bất khuất của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, trận chiến đã góp phần vào thắng lợi trên bàn đàm phán Hội nghị Paris, mở đường cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Teaser phim vừa được nhà sản xuất giới thiệu tới khán giả, với hình ảnh pháo sáng mở đầu cho những tiếng bom dội đạn nổ xuyên suốt sau đó. “Chúng ta chỉ có hướng sông Thạch Hãn để chuyển quân” - và cứ thế từng toán quân trầm mình xuống dòng nước, từng tốp người lặng lẽ cẩn thận di chuyển qua sông. Dù đất cháy, trời gầm, dù nước sông loang máu, những tốp người ấy vẫn không ngừng tiến về phía trước.

PV

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/gan-150-tai-lieu-hien-vat-trong-trung-baychuyen-de-non-song-lien-mot-dai-c137fa4/