Gần 17 tỷ giao dịch không tiền mặt đã được thực hiện tại Việt Nam

Hơn 2,2 triệu tài khoản thanh toán cá nhân đã thực hiện gần 17 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt, tính đến hết năm 2024.

Tại hội thảo mới đây do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng GreenNode và NVIDIA tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM đã nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của AI trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.

AI được ứng dụng trong xác minh sinh trắc học.

Theo ông Minh, AI không chỉ là xu hướng mà đã trở thành “yếu tố thiết yếu” trong ngành tài chính - ngân hàng. Thực tế, các ngân hàng số, hệ thống thanh toán ứng dụng AI, công nghệ nhận diện sinh trắc học và trợ lý tài chính ảo đang dần trở thành minh chứng rõ nét cho sự chuyển đổi này.

Số liệu do ông Minh công bố cho thấy, tính đến cuối năm 2024, Việt Nam ghi nhận hơn 2,2 triệu tài khoản thanh toán cá nhân với gần 17 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt. “Nhiều ngân hàng đã đạt tỷ lệ trên 95% giao dịch được xử lý qua nền tảng số”, ông thông tin.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM.

Một trong những cột mốc quan trọng được ông đề cập là Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030. Đề án này đã hỗ trợ ngành ngân hàng xây dựng kho dữ liệu chất lượng cao, giảm thiểu rủi ro tài chính và phòng chống tội phạm. Đặc biệt, ứng dụng định danh điện tử quốc gia cho phép xác thực người dùng trong các giao dịch điện tử, tích hợp với ví điện tử, thanh toán không tiền mặt và nhiều tiện ích khác, từng bước thay thế giấy tờ truyền thống.

Đến nay, hơn 38 triệu tài khoản đã được xác thực sinh trắc học và 43,9 triệu hồ sơ khách hàng được làm sạch tại Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC). Việc số hóa dữ liệu hộ tịch và đất đai cũng đang được đẩy nhanh, với mục tiêu hoàn thành dữ liệu hộ tịch trong tháng 3/2025 và dữ liệu đất đai vào tháng 6/2025. Điều này không chỉ giúp xử lý tài sản bảo đảm hiệu quả mà còn đặt ra yêu cầu cao về bảo mật thông tin, tuân thủ các tiêu chuẩn như TCVN 11930:2017 và quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Dẫu vậy, ông Minh thẳng thắn chỉ ra những thách thức mà ngành tài chính - ngân hàng đang đối mặt. “Các doanh nghiệp không chỉ cần xây dựng chiến lược triển khai AI hiệu quả, mà còn phải đầu tư bài bản vào hạ tầng công nghệ nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật nghiêm ngặt”, ông lưu ý.

Theo ông, Nghị định 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực từ 1/7/2023, là một trong những chính sách quan trọng buộc các tổ chức tài chính phải cân bằng giữa đổi mới công nghệ và bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng.

An An

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gan-17-ty-giao-dich-khong-tien-mat-da-duoc-thuc-hien-tai-viet-nam-204250804045209457.htm