Gần 2 nghìn tổ chức, cá nhân ở Thái Bình tích tụ đất đai sản xuất lớn
Bằng nhiều hình thức khác nhau như thuê, mượn ruộng hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong thời gian qua, việc tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất bước đầu trở thành phong trào mang lại hiệu quả rõ nét tại tỉnh Thái Bình.
Theo tổng hợp mới nhất của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, hiện đã có 1.968 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, với tổng diện tích hơn 8.000ha; bình quân 4,08ha/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Qua rà soát, tỉnh Thái Bình có 1.511 hộ tích tụ quy mô dưới 5ha; 324 hộ tích tụ được từ 5-10ha và 133 hộ tích tụ được diện tích hơn 10ha. Tại các huyện Kiến Xương, Quỳnh Phụ bắt đầu hình thành diện tích tích tụ quy mô lớn, đến hơn 100ha.
Huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Vũ Thư và Kiến Xương là những nơi có phong trào tích tụ đất khá sôi động, với hơn 1.000ha/1 địa phương và liên kết, sinh hoạt cùng nhau thông qua Hội đại điền (tự thành lập).
Hình thức tích tụ đất đai chính hiện nay ở Thái Bình vẫn là thuê, mượn ruộng đất, do người dân tự thỏa thuận, với thời gian thuê mượn ngắn (dưới 5 năm), hoặc không giao hẹn thời gian rõ ràng và không thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định.
Ngoài ra, còn có hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhưng chiếm số lượng không nhiều (khoảng gần 5%) trong tổng số diện tích đất tích tụ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, việc tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất đã tạo hiệu quả rõ rệt về kinh tế, giảm chi phí đầu vào khoảng 2,6 triệu đồng/ha.
Mặt khác, việc tích tụ, tập trung đất đai thuận lợi để đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất nông nghiệp, thực hiện đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, bảo quản; bảo đảm sản lượng, tỷ lệ đồng đều về chất lượng, mẫu mã nông sản cao, thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thu mua và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng liên kết.
Thời gian qua, tỉnh Thái Bình ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc tích tụ đất đai sản xuất lớn như: Quyết định số 646 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/ha cho các địa phương tích tụ ruộng đất sản xuất vụ Xuân năm 2017.
Tiếp đó là Nghị quyết số 29/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ đất đai; mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.
Gần đây nhất, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình tiếp tục có Nghị quyết số 08/2023 quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp đến năm 2028.
Được biết, Nghị quyết nêu trên sẽ được thực hiện bắt đầu từ vụ Đông Xuân 2024. Hiện nay, các tổ chức, cá nhân đang nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định.