"Nhiều tàu Iran đã bám đuôi chiến hạm Mỹ di chuyển qua eo biển Hormuz. Hoạt động này diễn ra thường xuyên và họ không đe dọa nhóm tàu sân bay Abraham Lincoln", phát ngôn viên hải quân Mỹ Joshua Frey hôm qua cho biết, đề cập đến hành trình đi qua eo biển Hormuz của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln hồi đầu tháng.
Ảnh vệ tinh do công ty Planet Labs chụp ngày 4-12 cho thấy ít nhất 18 tàu hải quân Iran xuất hiện khi nhóm tác chiến gồm tàu sân bay USS Abraham Lincoln, tàu khu trục USS Farragut và tuần dương hạm USS Leyte Gulf di chuyển trên eo biển Hormuz giữa Iran và Oman.
Phần lớn các tàu chiến Iran di chuyển theo đội hình ở mạn trái nhóm chiến hạm Mỹ, trong khi 3 chiếc duy trì khoảng cách khá xa về phía bên phải. Khoảng cách giữa hai bên có thời điểm chỉ là hơn 300 m.
Một tàu dân sự cũng xuất hiện trong ảnh, di chuyển trước nhóm tàu sân bay Mỹ.
Truyền thông Iran khẳng định nhóm chiến hạm thuộc biên chế Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đang làm "nhiệm vụ giám sát" nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.
Hiện chưa rõ chủng loại tàu được Tehran sử dụng trong lần bám đuôi này, nhưng Iran thường triển khai xuồng vũ trang và tàu cao tốc mang tên lửa diệt hạm theo sát tàu chiến Mỹ tại eo biển Hormuz.
Phát ngôn viên hải quân Mỹ Frey bác bỏ thông tin cho rằng lực lượng Iran đã quấy rối và khiêu khích chiến hạm Mỹ.
Eo biển Hormuz nằm bên bờ biển Iran, nối vịnh Ba Tư và vịnh Oman, là thành phần quan trọng trong chiến lược đối phó với Washington của Tehran.
Đây là tuyến hàng hải duy nhất kết nối các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới như Kuwait, Bahrain, Iran, Iraq và Các tiểu vương quốc Arab Thống Nhất (UAE) với Ấn Độ Dương, cũng là tuyến đường chở phần lớn khí thiên nhiên hóa lỏng từ Qatar.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Abraham Lincoln được Mỹ triển khai đến Vùng Vịnh từ tháng 5, sau khi có tin tình báo rằng Iran đang chuyển tên lửa đạn đạo tầm ngắn lên các tàu ở vịnh Ba Tư.
Tư lệnh IRGC Hossein Salami từng khẳng định "tàu sân bay đối phương" sẽ không thể an toàn nếu áp sát bờ biển nước này.
Tuy nhiên giới quan sát cho rằng năng lực tác chiến của tàu sân bay Mỹ là rất lớn, khó có khả năng Iran đủ sức để vô hiệu hóa nhóm tàu sân bay này.
USS Abraham Lincoln là siêu tàu sân bay thứ 5 thuộc lớp Nimitz của Mỹ, được biên chế năm 1989. Tàu dài 333 m, rộng 76 m, có khả năng mang tối đa 90 máy bay và trực thăng, trang bị hai lò phản ứng hạt nhân cho phép di chuyển với tốc độ hơn 56 km/h.
Hàng không mẫu hạm Mỹ được trang bị nhiều hệ thống tác chiến điện tử, mồi bẫy và vũ khí tầm ngắn nhằm đối phó với tên lửa, bom và xuồng vũ trang của Iran.
Vũ khí của USS Abraham Lincoln gồm hai bệ phóng tên lửa tầm trung RIM-7 Sea Sparrow, hai bệ tên lửa tầm ngắn RIM-116 và hai tổ hợp phòng thủ cực gần Phalanx.
Chúng đủ sức tạo ra "lưới lửa" đánh chặn nhiều vũ khí của Iran trong trường hợp các quả đạn đối phương vượt qua lá chắn phòng thủ của các chiến hạm hộ tống.
Đi kèm USS Abraham Lincoln là Không đoàn tàu sân bay số 7. Đơn vị này được biên chế hàng chục máy bay các loại, trong đó một nửa là tiêm kích đa năng F/A-18E/F Super Hornet.
Các phi đội F/A-18 thường nhận nhiệm vụ tấn công tầm xa, tuần tra và làm chủ không phận trong mọi chiến dịch của hải quân Mỹ.
Không đoàn tàu sân bay số 7 còn sở hữu tiêm kích tấn công điện tử EA-18G Glowler chuyên gây nhiễu, chế áp và tấn công hệ thống phòng không đối phương.
Trong khi đó, máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye đóng vai trò là tai mắt của cả nhóm tác chiến tàu sân bay, có nhiệm vụ phát hiện, truyền tham số mục tiêu và điều phối hoạt động trên không của Không đoàn.
Hộ tống USS Abraham Lincoln là nhóm chiến hạm gồm tàu tuần dương USS Leyte Gulf cùng các khu trục hạm USS Bainbridge, USS Gonzalez, USS Mason và USS Nitze.
Việc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay luôn được coi là hành động gửi đi thông điệp mạnh mẽ bởi chúng là niềm tự hào và biểu tượng cho sức mạnh quân sự Mỹ, cũng như thể hiện quyết tâm và cam kết của Washington trong khu vực
Việt Hùng (Tổng hợp)