Gần 200 quốc gia nhất trí thành lập quỹ 'tổn thất và thiệt hại'
Trong một thời điểm 'lịch sử' khi bắt đầu các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), gần 200 quốc gia ngày 30/11 đã nhất trí thành lập quỹ hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Tuyên bố mang tính bước ngoặt này được đưa ra khi UAE, nước chủ nhà các cuộc đàm phán tại Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) tuyên bố, nhiên liệu hóa thạch phải là một phần của bất kỳ thỏa thuận khí hậu cuối cùng nào được đàm phán trong 2 tuần tới.
Được biết, COP28 sẽ được tổ chức từ ngày 30/11 - 12/12 tại Dubai, UAE. Các cuộc đàm phán ở Dubai diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với hành tinh, khi lượng khí thải vẫn gia tăng và LHQ ngày 30/11 tuyên bố năm 2023 đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử loài người.
Việc chính thức thành lập quỹ “tổn thất và thiệt hại” mà các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu đã mong đợi từ lâu mang lại chiến thắng sớm tại COP28.
“Ngày hôm nay, chúng ta đã làm nên lịch sử”, Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber khẳng định. Theo ông Sultan Al Jaber, đây là “lần đầu tiên một quyết định được thông qua vào ngày đầu tiên của bất kỳ kỳ họp COP nào, và tốc độ mà chúng tôi thực hiện điều đó cũng là duy nhất, phi thường và mang tính lịch sử”.
Các nhà lãnh đạo đã được kêu gọi tiến nhanh hơn tới một tương lai năng lượng sạch, và cắt giảm lượng khí thải sâu hơn, trong bối cảnh thế giới đang đi chệch hướng trong việc giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức đã được thỏa thuận. Trọng tâm của COP28 sẽ là đánh giá những tiến bộ còn hạn chế của thế giới trong việc kiềm chế hiện tượng nóng lên toàn cầu.