Gần 200 võ sinh thi nâng đai Võ cổ truyền Bình Định

Ngày 25.5, tại Nhà Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Bình Định tổ chức kỳ thi nâng đai Võ cổ truyền cấp tỉnh lần thứ I, năm 2025.

Theo đó, có gần 200 võ sinh đăng tham gia thuộc các võ đường, CLB trong tỉnh được giới thiệu của Hội võ thuật các huyện, thị xã, thành phố… để cấp mã số định danh chuyên môn từ cấp 6 đến cấp 12.

Phần thi thực hành, võ sinh chọn binh khí để biểu diễn

Phần thi thực hành, võ sinh chọn binh khí để biểu diễn

Võ sư cao cấp Trần Duy Linh - Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Bình Định cho biết: Đối với kỳ thi nâng đai lần này, các võ sinh sẽ trải qua phần thi lý thuyết và thực hành.

Tuy nhiên, đối với phần thi thực hành, võ sinh có thể chọn một bài quyền, binh khí hoặc các kỹ thuật đối kháng để biểu diễn.

Quan trọng hơn, để được cấp đai thì các võ sinh phải đạt được điểm trung bình của 2 phần thi cộng lại bằng 5 điểm.

Theo ông Trần Duy Linh, việc tổ chức kỳ thi nâng đai cấp tỉnh cũng nhằm từng bước chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nâng cao công tác quản lý hoạt động và ghi nhận kết quả tập luyện của các võ sinh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Từ đó cấp mã số định danh chuyên môn từng cấp, tạo điều kiện thuận lợi để các võ sinh tham gia các giải đấu trong tỉnh, gần nhất là Cúp Hoàng đế Quang Trung năm 2025 và thi nâng cấp đai quốc gia.

Trong khi đó, ông Bùi Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bình cho biết, ngày 31.3.2025 là một ngày vô cùng ý nghĩa của Võ cổ truyền Bình Định, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép gửi hồ sơ đến Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) xem xét, đưa di sản văn hóa phi vật thể “Võ cổ truyền Bình Định” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Việc tổ chức kỳ thi nâng đai cấp Võ cổ truyền Bình Định nhằm từng bước chuẩn hóa trình độ chuyên môn cho các võ sinh

Việc tổ chức kỳ thi nâng đai cấp Võ cổ truyền Bình Định nhằm từng bước chuẩn hóa trình độ chuyên môn cho các võ sinh

Đây là một vinh dự và là niềm tự hào vô cùng lớn lao của mọi người dân Bình Định.

Theo ông Bùi Trung Hiếu, với người dân Bình Định việc được thực hành và luyện tập võ thuật không chỉ nhằm tự vệ, rèn luyện sức khỏe mà còn là phương cách để trầu đổi, truyền dạy tâm tính, đạo đức, giá trị và triết lý, đạo lý sống của cộng đồng.

Võ cổ truyền Bình Định không chỉ là một môn thể thao, mà còn là kết tinh của tinh thần thượng võ, ý chí tự lực, tự cường là đỉnh cao trong văn hóa ứng xử cao đẹp của người Việt.

Những bài quyền, thế võ, võ y, võ đạo được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thể hiện đậm đà bản sắc của vùng đất và con người Bình Định.

PHAN HIẾU

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-thao/gan-200-vo-sinh-thi-nang-dai-vo-co-truyen-binh-dinh-136733.html