Gần 3 triệu ha rừng vô chủ - vì sao?
Theo số liệu công bố hiện trạng rừng, vẫn còn một diện tích lớn rừng và đất rừng, khoảng 3 triệu ha 'chưa có chủ' và hiện đang được 'tạm' quản lý, bảo vệ bởi các UBND xã - cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất rừng tại các địa phương. Trong khi đó, hàng nghìn hộ dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi - lõi nghèo của cả nước vẫn đang thiếu đất sản xuất.
Dậm chân tại chỗ
Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho hay, thời gian qua, địa phương triển khai nhiều quyết định giao đất, giao rừng nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Trong đó, thực hiện Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg, tỉnh Gia Lai đã giao gần 4.400ha rừng cho 185 hộ dân và khoán bảo vệ hơn 40.000ha rừng cho 1.561 hộ dân. Do có nhiều bất cập về chính sách, cơ chế, kinh phí hỗ trợ của Trung ương và ngân sách tỉnh không cân đối được, địa phương này đã phải báo cáo Chính phủ cho phép chấm dứt chương trình giao, khoán bảo vệ rừng từ ngày 31-12-2010.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg, UBND tỉnh Gia Lai xây dựng đề án giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2009-2012. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên đề án không được triển khai thực hiện. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai triển khai giao đất, giao rừng theo các chương trình, dự án thí điểm và theo Luật Lâm nghiệp năm 2017. Dù vậy, đến nay, Gia Lai mới giao chủ quản lý được gần 512.000ha rừng. Còn lại hơn 211.000ha đất lâm nghiệp chưa giao, chưa cho thuê được, hiện do UBND xã quản lý. Theo ông Hoan, nguyên nhân việc giao đất rừng, giao rừng chậm là do còn nhiều bất cập về vị trí pháp lý, quyền lợi, quyền sở hữu, trách nhiệm của cộng đồng. Hơn nữa, giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp chưa đồng bộ về giao đất, giao rừng.
Ông Hứa Đức Nhị, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Rừng và đất rừng do UBND cấp xã quản lý là hệ quả của quá trình thực hiện chủ trương chuyển đất và rừng từ các lâm trường về địa phương. UBND cấp xã "tạm" quản lý, sau đó thực hiện giao đất và rừng cho các cộng đồng dân cư, các gia đình, cá nhân và các chủ rừng khác để trồng, chăm sóc, bảo vệ. Thế nhưng nhiều năm nay, công tác giao đất, giao rừng cho hộ cá nhân và tư nhân vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Năm 2009, toàn quốc có 2,3 triệu ha rừng do UBND cấp xã quản lý. Sau hơn một thập kỷ, con số này không giảm mà còn tăng thêm, lên hơn 2.940.000ha rừng vào năm 2020, tương đương 13% tổng diện tích đất có rừng tại Việt Nam. Trong gần 3 triệu ha rừng do UBND cấp xã tạm quản lý trên toàn quốc, có hơn 1,9 triệu ha rừng tự nhiên (chiếm 65,5%) và hơn 1 triệu ha rừng trồng (chiếm 34,5%).
Theo ông Nhị, tồn tại một diện tích lớn rừng và đất rừng do UBND cấp xã quản lý trong thời gian dài là do thể chế giao đất của ngành tài nguyên và môi trường có những khác biệt với việc giao rừng của ngành lâm nghiệp và trách nhiệm chưa rõ ràng giữa 2 ngành này.
Không thể chỉ hô hào
Bàn về việc quản lý đất rừng và rừng, ông Nhị nói: “Rừng phải có chủ đã được ghi trong Luật Lâm nghiệp. Nếu chỉ hô hào và giao nhiệm vụ, mà vấn đề lại ở mãi cơ sở, đa số là vùng sâu, vùng xa, thì 5-10 năm nữa, tình hình giao đất, giao rừng chắc cũng ít có chuyển biến đáng kể”.
Thực tế là rừng do UBND cấp xã quản lý rất khó bảo vệ và phát triển. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Ngãi, Hội Chủ rừng Việt Nam cho hay, trong diện tích rừng do UBND cấp xã tạm quản lý, tỷ lệ diện tích không có rừng cao, chất lượng rừng thấp, hạ tầng rất kém hoặc không có hồ sơ rừng, không rõ ranh giới trên thực địa... Nguyên nhân là do UBND cấp xã không có đủ nguồn lực về con người, tài chính, kỹ thuật để quản lý rừng và đất rừng. Giữa UBND cấp xã và cơ quan chấp pháp thiếu sự phối hợp, nên tình trạng chặt phá rừng và vi phạm lâm luật rất đáng báo động. Mặt khác, nhiều diện tích đất rừng ở xa, địa hình phức tạp nên người dân không muốn nhận giao khoán trồng, bảo vệ.
Đề xuất về thể chế chính sách, Tiến sĩ Ngãi kiến nghị, cần bổ sung một mục riêng hoặc một số điều vào Mục 4 trong Luật Đất đai về đất chưa giao. Cùng với đó, Chính phủ cần ban hành quy chế quản lý rừng chưa giao. Cần có chính sách riêng cho UBND cấp xã được tiếp nhận đầu tư và hỗ trợ để quản lý rừng chưa giao. Đồng thời, cần thống kê, kiểm kê, rà soát lại chỉ tiêu thống kê và phương pháp để hằng năm thống kê loại rừng và đất rừng bảo đảm đồng bộ giữa 3 cơ quan: UBND các cấp, ngành lâm nghiệp và ngành quản lý đất đai; lập hồ sơ rừng theo dõi diễn biến rừng hằng năm, kiểm kê rừng 5 năm/lần. Cùng với đó, cần lồng ghép tổ chức giao đất, giao rừng với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Văn Hoan đề nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các tỉnh Tây Nguyên. Các bộ, ngành Trung ương sớm điều chỉnh, bổ sung thống nhất, đồng bộ giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư giữa Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai.
Để quản lý và khai thác hiệu quả rừng do UBND xã đang quản lý, Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends khuyến nghị, cần tạo quỹ đất rừng “sạch” có tiềm năng sử dụng thực sự để giao cho cộng đồng hoặc hộ gia đình. Khi giao cho người dân trồng, canh tác, bảo vệ rừng thì phải đi kèm với quyền lợi cho họ.
Ông Phúc nhấn mạnh: “Các chủ rừng phải có quyền và tư cách pháp nhân để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết trồng rừng tạo chuỗi cung bình đẳng và cùng có lợi. Đối với rừng nghèo kiệt, nên giao cho cộng đồng hoặc nhóm hộ khoanh nuôi bảo vệ. Với đất đã có rừng, nên giao cho các hộ quản lý, bảo vệ và khai thác khi cây tới chu kỳ và tái trồng rừng”.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gan-3-trieu-ha-rung-vo-chu-vi-sao-post444363.html