Gần 30.000 lượt khách về thăm 'tọa độ lửa' Truông Bồn

Hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), gần 30 nghìn lượt khách đã về thăm Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An), nơi lưu giữ bản Anh hùng ca bất tử.

Khu Di tích lịch sử Truông Bồn được xây dựng, bảo tồn, tôn tạo, gồm 21 hạng mục chính, trên tổng diện tích 21,7ha, tổng mức đầu tư 365 tỷ đồng. Nơi đây không chỉ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, mà còn trở thành điểm du lịch tâm linh nằm trong hành trình du lịch kết nối với Khu Di tích Kim Liên, Cửa Lò và các điểm du lịch khác trong tỉnh.

Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.

Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.

Với vị trí chiến lược trong việc vận chuyển lương thực, khí tài cho chiến trường miền Nam, con đường 15A trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ thời chiến tranh. Trong đó, Truông Bồn được mệnh danh là "túi bom", là "tọa độ lửa" bởi hàng chục nghìn tấn bom đế quốc Mỹ trút xuống, hòng cắt đứt con đường huyết mạch này.

Tại đây, trong suốt 21 năm chiến tranh đã có 1.240 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong (TNXP), dân quân tự vệ và nhân dân hi sinh.

Hố bom ở tọa độ lửa Truông Bồn, đặc biệt là sự kiện ngày 31/10/1968, ngay trước giờ Mỹ nhưng đánh phá miền Bắc, 13 TNXP mãi mãi nằm lại cung đường này.

Hố bom ở tọa độ lửa Truông Bồn, đặc biệt là sự kiện ngày 31/10/1968, ngay trước giờ Mỹ nhưng đánh phá miền Bắc, 13 TNXP mãi mãi nằm lại cung đường này.

Ông Phan Trọng Lộc, Giám đốc Ban Quản lý khu di tích cho biết, trong những ngày tháng Tư lịch sử, hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Truông Bồn đón gần 30.000 lượt khách đến dâng hương, tri ân, tham quan.

Nói về Truông Bồn, nhân dân cả nước vẫn ghi nhớ: Trong gian khó, trong hiểm nguy, những người TNXP vẫn bám cầu, bám đường, kiên cường giữ mạch đường thông suốt. Sáng 31/10/1968, khi chỉ còn ít giờ nữa đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom trên toàn miền Bắc, những tốp máy bay Mỹ đã trút xuống Truông Bồn 170 quả bom phá. Toàn bộ "Tiểu đội cảm tử" bị vùi trong đất, đá. 13 người mãi mãi nằm xuống tọa độ lửa này...

Tượng 13 TNXP hi sinh rạng sáng 13/10/1968 được đúc bằng đồng đặt trong đền thờ thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.

Tượng 13 TNXP hi sinh rạng sáng 13/10/1968 được đúc bằng đồng đặt trong đền thờ thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.

Trong cuộc chiến giữ đường ấy sáng hôm ấy, 13 chàng trai, cô gái TNXP Tiểu đội 2 - Tiểu đội "thép" - Đại đội 317, Tổng đội TNXP Nghệ An ngã xuống khi những quả bom dội trúng hầm. Họ đã mãi mãi nằm lại trên đất Truông Bồn. Những người con gái, con trai ấy còn rất trẻ và chưa ai lập gia đình.

Người trẻ nhất là chị Nguyễn Thị Hoài (quê xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), hi sinh khi mới 17 tuổi 3 tháng. Trong 9 tháng 20 ngày tham gia lực lượng TNXP, chị có mặt trên tọa độ lửa Truông Bồn. Lời hứa "hết chiến tranh, con về ở bên mẹ cả đời" không bao giờ thực hiện được nữa...

Ông Nguyễn Hữu Võ cùng bà Sửu (vợ ông Võ) về lại Truông Bồn thăm lại đồng đội.

Ông Nguyễn Hữu Võ cùng bà Sửu (vợ ông Võ) về lại Truông Bồn thăm lại đồng đội.

Năm 1967, ông Nguyễn Hữu Võ (SN 1949, trú xã Trù Sơn, huyện Đô Lương), khi đó 18 tuổi, được biên chế vào Tiểu đội 6, Đại đội 317, Tổng đội TNXP Nghệ An, tham gia nhiệm vụ đảm bảo tuyến giao thông huyết mạch đường 15A, đoạn qua Đô Lương. Cũng chính nơi đạn bom ác liệt này, ông gặp cô TNXP Nguyễn Thị Hoài.

"Tôi say lòng Hoài ngay khi gặp lần đầu", người đàn ông tóc đã bạc trắng, tai đã lãng, bồi hồi khi kể về mối tình của mình.

Trong tâm trí ông vẫn nguyên vẹn hình ảnh cô gái nhỏ, trong bộ quần áo TNXP lấm lem bụi đất, rất hay cười và nhìn rất duyên. Tình yêu của họ đến thật tự nhiên nhưng kỷ luật chiến trường, họ chỉ dám giữ thương nhớ cho riêng mình.

"Tôi chỉ kể chuyện 2 đứa cho chị Nguyệt, người chị cùng đại đội thân thiết, xem tôi như em trai ruột. Tôi nói với Hoài, bao giờ giải ngũ anh cưới em, cô ấy chỉ cười", ông Võ kể.

Ngày 29/10, anh Võ bị thương trong khi làm nhiệm vụ, được chuyển lên bệnh viện dã chiến đóng ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) điều trị. Rạng sáng 31/10, nhiều đơn vị trên tuyến lửa được huy động ra mặt đường. Và chị Hoài - mối tình đầu thầm lặng của ông - không về nữa...

Khi còn khỏe, mỗi năm vài lần, ông Võ đạp xe cả chục cây số lên Truông Bồn. Ông đứng thật lâu trước ngôi mộ chung 13 TNXP, hoài niệm về mối tình đầu của mình.

Những năm gần đây, sức khỏe ông Võ giảm sút, lại thêm cái bệnh lãng tai, nên con cháu không để ông đi một mình. Khi thì bà Sửu (vợ ông Võ), khi thì con cháu thay nhau đưa ông sang Truông Bồn thăm lại đồng đội.

Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ - Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là dịp để thế hệ trẻ tưởng nhớ và tri ân các thế hệ cha anh đã anh dũng hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ - Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là dịp để thế hệ trẻ tưởng nhớ và tri ân các thế hệ cha anh đã anh dũng hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ngày nay, Khu Di tích lịch sử Truông Bồn đã được xây dựng và tôn tạo khang trang, trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các tầng lớp nhân dân khắp mọi miền cả nước.

Bên ngôi mộ chung ngát hương hoa, mọi người lắng lòng nghe thuyết minh viên kể về "tọa độ lửa" Truông Bồn và giây phút hi sinh đầy xúc động của 13 liệt sĩ TNXP thuộc Tiểu đội 2 (Đại đội 317 TNXP Nghệ An).

Bên ngôi mộ chung ngát hương hoa, mọi người lắng lòng nghe thuyết minh viên kể về "tọa độ lửa" Truông Bồn và giây phút hi sinh đầy xúc động của 13 liệt sĩ TNXP thuộc Tiểu đội 2 (Đại đội 317 TNXP Nghệ An).

Ông Nguyễn Thanh Tuấn du khách ở Hải Phòng chia sẻ: Tôi rất xúc động khi về thăm Khu Di tích Truông Bồn, mảnh đất linh thiêng, nơi trận bom hủy diệt của không quân Mỹ vào rạng sáng ngày 31/10/1968, khiến 13 TNXP ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ. Họ đã cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Phan Trọng Lộc, Giám đốc Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn cho biết: Thời gian tới, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút du khách, Ban Quản lý sẽ tăng cường công tác bảo tồn, sưu tầm hiện vật, kết nối các tour, tuyến du lịch, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống gắn với các ngày lễ lớn. Qua đó, lan tỏa mạnh mẽ giá trị lịch sử hào hùng của Truông Bồn, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Lê Minh

Quang Hợp

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/gan-30000-luot-khach-ve-tham-toa-do-lua-truong-bon-192250427215020007.htm