Gần 30% doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thực hiện công bố thông tin
Vẫn còn tới gần 30% số doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện nghiêm túc việc công bố thông tin theo quy định, trong khi nhiều doanh nghiệp tuy có thực hiện, song công bố chưa đầy đủ thông tin theo yêu cầu.
Đây là thực trạng tình hình thực hiện công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2019 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn chây ỳ công bố thông tin m
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2019, có 374/529 doanh nghiệp (chưa bao gồm các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), chiếm 70,69% số doanh nghiệp gửi báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện công bố thông tin trên Cổng thông tin doanh nghiệp.
Con số này giảm nhẹ so với tỷ lệ 71,67% số doanh nghiệp nhà nước thực hiện công bố thông tin trong năm 2018, cho thấy tình hình thực hiện minh bạch và công khai thông tin sản xuất kinh doanh, sức khỏe tài chính... của các doanh nghiệp nhà nước có dấu hiệu chậm lại mức độ cải thiện.
Trong số 155 doanh nghiệp còn lại chưa thực hiện công bố thông tin, tương đương 29,31%, chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi, các công ty nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương như: Bắc Giang, Cần Thơ, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Ninh, Hà Nam, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Quảng Bình, Yên Bái.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà và đô thị, các doanh nghiệp thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng… chưa gửi báo cáo đầy đủ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện công bố thông tin theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.
Một số công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (2 doanh nghiệp), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (2 doanh nghiệp), Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (3 doanh nghiệp), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (3 doanh nghiệp), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (6 doanh nghiệp), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (1 doanh nghiệp), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (2 doanh nghiệp) chưa thực hiện công bố thông tin đầy đủ theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.
Đặc biệt, một số doanh nghiệp vẫn chây ỳ không thực hiện công bố thông tin trong 3 năm liên tiếp. Mặc dù hàng năm Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều công bố danh sách các doanh nghiệp không thực hiện công bố thông tin, Văn phòng Chính phủ cũng đã có các công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng về tình hình công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên các doanh nghiệp này không thực hiện nghiêm túc quy định về công bố thông tin, các cơ quan đại diện chủ sở hữu cũng chưa chỉ đạo triệt để, gây ảnh hưởng chung đến công tác công bố thông tin chung của doanh nghiệp nhà nước.
Đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, theo quy định tại Nghị định số 93/2015/NĐ-CP ngày 15/10/2015 của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh quy định: Trước ngày 20/6 hàng năm, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh phải công bố trên trang thông tin điện tử của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Kế hoạch và Đầu tư các thông tin về tên gọi, lịch sử hoạt động, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu, kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp… Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cho đến này đều không thực hiện việc công bố thông tin theo quy định tại nghị định 93, trừ Tổng công ty Đông Bắc.
Chỉ công bố hơn 50% loại báo cáo theo yêu cầu
Liên quan đến nội dung công bố, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung tình trạng công bố thiếu thông tin của các doanh nghiệp nhà nước so với yêu cầu quy định vẫn rất phổ biến. Số liệu tổng hợp cho thấy, tính đến 31/12/2019, trong tổng số 9 loại báo cáo phải thực hiện công bố theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, hầu hết các doanh nghiệp chưa thực hiện công bố đầy đủ, trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ công bố khoảng 5/9 loại báo cáo.
Các nội dung phải công bố thông tin như kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển, báo cáo tài chính, báo cáo lương thưởng… trong năm 2019 mặc dù đã tăng so với các năm trước đó nhưng vẫn chưa đạt tỷ lệ cao như kỳ vọng, chỉ đạt từ 40-60%.
Đơn cử, đối với nội dung công bố kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2016-2020, chỉ có 217 doanh nghiệp thực hiện (chiếm 58,02% trong tổng số 374 doanh nghiệp đã báo cáo); công bố kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2019, có 269 doanh nghiệp thực hiện (chiếm 71,92% trong tổng số 374 doanh nghiệp đã báo cáo); công bố báo cáo đánh giá thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh hàng năm và ba năm gần nhất 2016 - 2018, có 252 doanh nghiệp thực hiện (chiếm 67,37% trong tổng số 374 doanh nghiệp đã báo cáo).
Tương tự, nội dung công bố báo cáo tài chính năm 2018 mới có 275 doanh nghiệp thực hiện (chiếm 73,52% trong tổng số 374 doanh nghiệp đã báo cáo), đặc biệt, nội dung công bố báo cáo tài chính 6 tháng năm 2019 chỉ có 155 doanh nghiệp thực hiện, chiếm 41,44% trong tổng số 374 doanh nghiệp đã báo cáo...
Tình hình công bố thông tin của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp lớn thuộc các bộ, địa phương, bao gồm cả các tổng công ty thuộc tập đoàn kinh tế tuy có khả quan hơn với 54 doanh nghiệp là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc các bộ, UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương đã gương mẫu thực hiện công bố thông tin theo quy định tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP, nhưng điểm trừ là hầu hết các ông lớn chưa thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu tại Nghị định này.
Trong đó, mới có 3/5 tập đoàn kinh tế, bao gồm Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc công bố thông tin theo quy định với việc công bố 8/9 loại báo cáo đến thời hạn công bố.
Hai ông lớn còn lại là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam trong năm 2019 chỉ công bố 6/9 loại báo cáo theo quy định.
Số lượng các doanh nghiệp thực hiện công bố các nội dung phải thực hiện công bố thông tin như kế hoạch sản xuất - kinh doanh, báo cáo tài chính, báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức, kết quả sắp xếp đổi mới, báo cáo lương thưởng... có tỷ lệ thiếu khá nhiều, chỉ đạt từ 46-70%.
Đáng chú ý, tính đến thời điểm quy định, một số tổng công ty lớn như: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí, Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải Miền Nam, Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn vẫn chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính năm 2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chưa gửi báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp năm 2018...
Còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp
Đánh giá về tình hình thực hiện công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, t ỷ lệ doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin trong 4 năm thực hiện Nghị định số 81/2015/NĐ-CP đã tăng đáng kể, trong năm 2016, số lượng doanh nghiệp mới chỉ đạt khoảng 38%, năm 2017 khoảng hơn 44%, năm 2018 đạt hơn 70% và năm 2019 đạt 70,32% số doanh nghiệp thuộc đối tượng công bố thông tin thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế trong việc thực hiện minh bạch hóa thông tin của các doanh nghiệp.
Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp công khai công bố thông tin đã tăng theo từng năm, tuy nhiên vẫn có những bộ, địa phương, tổng công ty chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định. Đặc biệt, tại một số địa phương hầu hết các doanh nghiệp đều chưa thực hiện công bố thông tin. Tại một số tổng công ty là doanh nghiệp cấp 2 thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, việc công bố thông tin chưa thực sự được chú trọng.
Thời gian thực hiện công bố thông tin còn chậm so với quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện hoặc một số nội dung công bố thông tin phải báo cáo cơ quan chủ sở hữu phê duyệt hoặc chấp thuận, nên thời gian công bố thông tin quá hạn so với quy định.
Việc thực hiện nhiệm vụ về công bố thông tin của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa đầy đủ theo quy định về công bố thông tin tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.
Cụ thể, nhiều bộ/địa phương chưa xây dựng chuyên mục riêng về công bố thông tin; chưa thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm về việc thực hiện công bố thông tin của các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
Đối với các thông tin bất thường, về quản trị công ty, chế độ đãi ngộ, thù lao đối với hội đồng quản trị, ban điều hành, ban kiểm soát công ty, chi phí kiểm toán và phi kiểm toán… công bố một cách sơ sài trong các báo cáo và chậm so với yêu cầu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước chưa phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm, phân công nhiệm vụ của các cá nhân, bộ phận liên quan thông qua quy chế nội bộ về công bố thông tin; chưa báo cáo đầy đủ cho cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để giám sát, đôn đốc thực hiện công bố thông tin; chưa gửi các thông tin về người đại diện theo đúng quy định pháp luật, người được ủy quyền thực hiện công bố thông tin.
Phần lớn các doanh nghiệp thuộc đối tượng công bố thông tin chưa thực hiện đầy đủ các quy định về công bố thông tin như: chưa báo cáo đầy đủ các nội dung theo quy định; chưa có trang thông tin điện tử cũng như chưa xây dựng chuyên mục riêng về công bố thông tin theo quy định…