Gần 30 năm trông rừng chưa được hưởng tiền công

Nhiều người lấy làm lạ khi biết rằng, nằm ở địa thế tương đối bằng phẳng, lại ngay giáp trụ sở Khu hành chính mới của huyện Đồng Hỷ lại có một rừng cây gỗ quý. Để có thể giữ được rừng cây ấy là mồ hôi, công sức của 5 hộ dân sống liền kề. Thế nhưng gần 30 năm đã trôi qua, 2 trong số 5 người đầu tiên nhận trông rừng đã khuất núi, họ vẫn chưa được trả công. Cũng từ đây, những vụ thương lượng 'lúc nửa đêm' đã ngấm ngầm diễn ra.

Ông Trần Danh Chuẩn (bên trái) dùng vòng tay để đo đường kính thân cây gỗ trên rừng Làng Luông.

Ông Trần Danh Chuẩn (bên trái) dùng vòng tay để đo đường kính thân cây gỗ trên rừng Làng Luông.

Hợp đồng trông rừng với khế ước là 5 căn nhà cấp 4

Đặt chân đến rừng Làng Luông, xóm Làng Luông, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), gần như ngay lập tức chúng tôi quên đi cái ngột ngạt của bụi đường. Người dẫn chúng tôi đi thăm rừng là ông Trần Danh Chuẩn, nhà ngay sát bìa rừng. Ông Chuẩn bắt đầu việc trông nom và chăm sóc rừng từ khi còn là một chàng trai tóc đen nhánh, nay đã gần 70 tuổi. Ông nhớ vị trí của từng cây gỗ như nhớ từng vật dụng trong ngôi nhà của mình.

Ông Chuẩn nhận trông rừng Làng Luông từ năm 1991 cùng với các gia đình: Ông Nguyễn Minh, Mai Trọng Chúc, Nguyễn Như Việt và Nguyễn Văn Hạnh cùng ở xóm Làng Luông. Không quản ngày đêm, các gia đình luân phiên, cắt cử nhau trông nom, bảo vệ rừng. Nhờ vậy mà trong suốt gần 30 năm qua, ngoài một vài cây bị sét đánh, rừng Làng Luông chỉ bị mất duy nhất 1 cây. Chuyện đó xảy ra khoảng hơn 10 năm về trước. Ông Chuẩn kể: Lần ấy, buổi chiều chúng tôi mới đi tuần, mọi việc vẫn bình thường. Sáng sớm hôm sau đã phát hiện mất một cây lim xanh to bằng bắp đùi. Lập tức chúng tôi họp bàn và triển khai kế hoạch phục kích ban đêm trên rừng để bắt quả tang nếu đối tượng trộm cây còn có ý định quay trở lại.

Đang nói dở câu chuyện, chúng tôi gặp bà Dương Thị Quế (vợ ông Nguyễn Như Việt) lên thăm rừng. Bà tham gia vào câu chuyện: Mấy năm nay trông rừng đỡ vất vả hơn vì người dân đa phần đã chuyển sang dùng bếp ga, bếp điện, chứ độ 5 năm trở về trước trông rừng cực lắm. Cùng làng xóm với nhau, bà con lên nhặt củi về đun nấu không thể cấm cản nhưng nếu không sát sao rừng dễ bị xâm hại. Vậy là mấy hộ trông rừng phải vừa rắn, vừa mềm, luôn nhắc nhở bà con cùng có ý thức bảo vệ rừng.

Theo bản hợp đồng mà chúng tôi có được do Trạm thí nghiệm lâm nghiệp Hóa Thượng (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) ký với 5 hộ nêu trên vào ngày 15/3/1991 nêu rõ: Rừng Làng Luông, diện tích 2,7ha, số lượng lim xanh 335 cây, keo mỡ 200 cây, dẻ 88 cây, ngát 2 cây, dàng dàng 10 cây, chẹo 12 cây, xà trước 5 cây, cán dòng 6 cây, ngăm 10 cây,… Trữ lượng: 112,5m3, giá trị 2.781.000 đồng. Các hộ gia đình có trách nhiệm: Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ mô hình hàng năm theo yêu cầu của Trạm; nghiêm cấm không được chặt phá cây tùy ý, xây nhà cửa nếu chưa có ý kiến của Trạm; khi chặt cây, các hộ phải giao nộp đủ 100% số lượng mét khối gỗ ban đầu khi bàn giao, số còn lại các hộ được hưởng 70% sản phẩm và giao nộp tiếp 30% số sản phẩm phát sinh cho Trạm. Và tài sản khế ước của các hộ để nhận được hợp đồng này gồm: 5 hộ, mỗi hộ 4 gian nhà cấp 4.

Nói về bản hợp đồng, ông Chuẩn trầm ngâm: Ngay cả đến tận bây giờ thì những gian nhà cấp 4 vẫn là tài sản lớn nhất mà chúng tôi có, huống chi là lúc ấy. Nó như sinh mạng của chúng tôi, chúng tôi xác định bảo vệ rừng cũng như bảo vệ sinh mạng của gia đình nên không thể lơ là dù chỉ một ngày. Chỉ mong sau khi Nhà nước khai thác rừng, chúng tôi sẽ được nhận lại phần của mình theo đúng nội dung bản hợp đồng.

Thế nhưng gần 30 năm đã qua, 5 hộ dân vẫn chưa nhận được thù lao coi sóc rừng Làng Luông. Ông Nguyễn Như Việt chia sẻ: Chúng tôi cũng đã nhiều lần hỏi xã, hỏi huyện và có một lần phòng Nông nghiệp huyện Đồng Hỷ có công văn trả lời là rừng này không được khai thác, nhưng cũng không cơ quan nào nói sẽ trả công trông rừng cho chúng tôi bằng cách nào và bao giờ trả. Xem kỹ lại bản hợp đồng, chúng tôi phát hiện, trong đó có ghi “thời gian ký hợp đồng là 5 năm đến 10 năm kể từ năm 1991”. Đồng nghĩa với việc, người dân đã hết nghĩa vụ phải trông giữ rừng từ năm 1996 hoặc muộn nhất là năm 2011. Vậy nhưng 5 hộ dân vốn coi rừng Làng Luông là máu thịt vẫn chẳng lỡ “bỏ rơi” rừng.

Thương vụ lúc nửa đêm

Chúng tôi đã lấy làm lạ, không hiểu tại sao trong khi 5 hộ trông rừng mỏi mòn vì phải đợi chờ gần 30 năm vẫn chưa nhận lại thù lao coi rừng, ấy vậy mà lại có người sẵn sàng bỏ ra cả mấy chục triệu đồng để “mua” lại những suất trông rừng ấy.

Vài vác củi khô là nguồn lợi duy nhất gia đình ông Chuẩn và 4 hộ dân còn lại được hưởng lợi trong suốt mấy chục năm trông rừng.

Vài vác củi khô là nguồn lợi duy nhất gia đình ông Chuẩn và 4 hộ dân còn lại được hưởng lợi trong suốt mấy chục năm trông rừng.

Theo lời kể của các gia đình nằm trong hợp đồng trông rừng với Trạm Thí nghiệm lâm nghiệp Hóa Thượng thì cách đây vài năm, một người đàn ông tên Lượng đã đề nghị mua lại với giá 11 triệu đồng/1 suất trông coi rừng. Ông Chuẩn cho biết: Hôm ấy đêm khuya rồi, tôi được ông Việt gọi sang nhà bảo có việc. Lúc tôi đến, còn có anh Lượng và anh Vĩ (là anh trai anh Lượng lúc ấy làm cán bộ xã). Anh Lượng đề nghị trả 55 triệu cho 5 hộ để nhận lại 5 suất trông rừng. Ban đầu, tôi và chị Hoan (con gái ông Nguyễn Văn Minh đã mất) không đồng ý. Tôi bảo dù sao cũng đợi mấy chục năm rồi, không nên làm vậy, nhưng 3 hộ khác lý lẽ rằng, đợi rồi cũng chẳng nhận lại được gì nên dù rẻ mạt cũng còn hơn không. Vậy là 3 hộ đồng ý nhận tiền, tôi cũng đành làm theo, còn chị Hoan thì cương quyết không nhận.

Lạ lùng hơn, là chỉ ít ngày sau đó, một người đàn ông tên Quang cũng đến đặt vấn đề với 5 hộ đề nghị mua lại 5 suất coi rừng với giá 18,5 triệu đồng/suất. Ông Nguyễn Như Việt cho biết: Khi biết chúng tôi đã sang nhượng cho ông Lượng, ông Quang vẫn đề nghị mua. 4 hộ cầm tiền đến gặp gia đình anh Lượng trình bày sự việc và mong muốn được trả lại tiền nhưng anh Lượng không chấp nhận. Quay trở về từ chối đề nghị của ông Quang với lý do anh Lượng không cho trả lại, thì ông Quang vẫn quả quyết bảo chúng tôi cứ nhận tiền của ông ấy, mọi việc khác ông ấy và anh Lượng sẽ tự dàn xếp. Và rồi “thương vụ” mua bán lạ lùng ấy lại diễn ra giữa người tên Quang và 3 hộ trông rừng, ngoại trừ ông Trần Danh Chuẩn.

Trao đổi với ông Phạm Anh Tuấn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Đồng Hỷ chúng tôi hiểu rõ hơn về gốc gác của rừng Làng Luông. Đó là rừng trồng với mục đích bảo tồn nguồn gen, theo cơ chế được khai thác. Giai đoạn 2013 - 2014, rừng Làng Luông đã được quy hoạch vào rừng phòng hộ. Vài năm nay, Viện Khoa học lâm nghiệp đã về thí điểm ươm giống cây dẻ từ những cây dẻ bố mẹ trong rừng. Việc này thành công sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn và nhân giống nguồn gen cây dẻ đỏ, mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Phạm Anh Tuấn cũng nhận định: 5 hộ dân kể trên có trách nhiệm rất cao trong việc trông coi, bảo vệ toàn vẹn khu rừng. Cũng nhờ đó mà người dân địa phương đã hình thành được thói quen giữ rừng. Việc các hộ đề nghị được xem xét hỗ trợ công trông coi rừng là chính đáng, rất mong các cơ quan cấp trên xem xét, giải quyết.

Và chúng tôi cũng mong, các cấp, các ngành có trách nhiệm sẽ đến kiểm tra, gặp gỡ, xác định công lao của 5 hộ dân, để họ không còn phải ngậm ngùi nghĩ mình như cây lau bị lãng quên trong rừng gỗ quý.

Kim Ngân

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/gan-30-nam-trong-rung-chua-duoc-huong-tien-cong-268316-85.html