Gần 30% nhà máy mía đường đóng cửa vì đường nhập lậu phá giá
Hiệp hội Mía Đường Việt Nam dự báo đến niên vụ 2020-2021 sẽ có thêm 4 nhà máy tiếp tục đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không hiệu quả.
Tại Hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 1/12, ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền tổng thư ký Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cho biết cả nước trước đây có 40 nhà máy mía đường, nhưng đến niên vụ 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy hoạt động, giảm 27,5%.
Niên vụ 2020-2021 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn với ngành mía đường, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Dự kiến có thêm 4 nhà máy gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong phải đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không hiệu quả.
Vị đại diện hiệp hội lý giải ngành mía đường Việt Nam đã bị thiệt hại nặng nề từ các năm trước do việc bán phá giá của đường nhập lậu từ Thái Lan. Giá đường ở Việt Nam hiện ở mức rất thấp, từ đó kéo giá mía giảm theo, khiến nhiều nông dân lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ.
Các nước sản xuất mía đường khác trong ASEAN gồm Thái Lan, Philippines và Indonesia dù đã hoàn thành việc thực thi cam kết ATIGA từ năm 2010 và 2015, thực tế vẫn đóng vai trò quyết định trong việc trợ giá, bảo vệ chặt chẽ thị trường nội địa, không để đường nhập khẩu giá rẻ được tự do tiêu thụ trong nước.
Tuy dỡ bỏ hàng rào thuế quan và hạn ngạch như cam kết, chính phủ Thái Lan vẫn không cho phép nhập khẩu đường. Còn Indonesia và Philippines chỉ cho phép nhập tương ứng sản lượng thiếu hụt trong nước và đường nhập khẩu chỉ được đưa vào thị trường sau khi đã kết thúc vụ ép mía.
Ông Nguyễn Văn Lộc khẳng định hiệp hội có đầy đủ cơ sở dữ liệu để xác định đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan là đường phá giá và được trợ cấp để bán phá giá ra thị trường nước ngoài (theo các định nghĩa của quy tắc thương mại của WTO).
Đồng thời, đơn vị có bằng chứng về việc đường nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, cũng như có mối quan hệ nhân quả giữa hàng hóa nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.
Do đó, ông thay mặt hiệp hội đề nghị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để “cứu ngành mía đường trong nước và sinh kế của người nông dân trồng mía".
Thực tế, trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp đại diện ngành, lần lượt trong tháng 6 và tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ bột ngô của Trung Quốc, Hàn Quốc và đường mía Thái Lan.
Đại diện Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết các vụ việc vẫn đang tiến hành điều tra và sẽ áp dụng những hàng rào kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế để đảm bảo cạnh tranh cho ngành đường mía trong nước.
Tuy vậy, theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sự chuyển biến của ngành đường chưa rõ ràng trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
"Chúng tôi chưa thấy có sự cố gắng vươn lên để liên kết và đổi mới thực sự vượt qua hội nhập. Do đó, đây là thời điểm cần thiết, cấp bách để giúp ngành đường đi lên, góp phần tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội", ông Trần Thanh Hải chia sẻ.