Gần 350.000 m3 bùn thối nạo vét tại âu thuyền Thọ Quang sẽ nhận chìm xuống biển
Tại buổi họp báo Quý I/2022 của UBND TP Đà Nẵng, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT thành phố khẳng định: 'Chúng tôi rất tự tin việc gần 350.000 m3 bùn thối nạo vét tại âu thuyền Thọ Quang được nhấn chìm trên vịnh Đà Nẵng sẽ đảm bảo môi trường sinh thái biển trước những quan ngại mà báo đài, hay dư luận quan tâm...'.
Theo Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, âu thuyền Thọ Quang nhiều năm qua luôn là một "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường. Ngay khi TP Đà Nẵng ban hành kế hoạch khắc phục "điểm nóng" này, Sở TN&MT đã hết sức thận trọng khi tham mưu cho thành phố về đánh giá tác động môi trường và phê duyệt khu vực nhận chìm.
Ông Tô Văn Hùng cho rằng, sẽ có 2 quy trình hoạt động độc lập. Một là quy trình là để phê duyệt đánh giá tác động môi trường trong quá trình nào vét. Và hai là lựa chọn vị trí phù hợp để nhận chìm. Đích thân Giám đốc Sở TN&MT là Chủ tịch của hội đồng đánh giá tác động môi trường này.
Để đảm bảo về vấn đề môi trường khi dự án nạo vét, nhận chìm bùn từ âu thuyền Thọ Quang trước, trong và sau khi đã triển khai thì từ đơn vị Ban quản lý dự án đến đơn vị tư vấn đã phải hết sức thận trọng, làm rất nhiều quy trình từ nạo vét thì phải áp dụng nạo vét như thế nào; từ điểm nạo vét phải có hệ thống lưới vây; khi di chuyển bùn bằng sà lang đến điểm nhận chìm phải có gắn hệ thống định vị giám sát…
Đặc biệt, vị trí nhận chìm thuộc khu vực vịnh Đà Nẵng, là một vị trí hết sức nhạy cảm. Do vậy, khi đơn vị tư vấn lựa chọn vị trí nhận chìm đã chọn rất nhiều mô hình để tính toán khả năng lan truyền bùn nạo vét này.
"Với những gì đã quyết định, khảo sát giải pháp thi công và đánh giá tác động môi trường trên thì Sở TN&MT Đà Nẵng rất tự tin trả lời trước sự quan ngại của báo đài hay dư luận về vấn đề “Đảm bảo về môi trường sinh thái biển”, lãnh đạo Sở TN&MT cho biết.
Ông Tô Văn Hùng cũng chia sẻ, trong quá trình triển khai dự án này, thành phố đã thành lập một tổ giám sát. Nếu trong quá trình thực hiện có xảy ra ô nhiễm thì phải dừng ngay để tìm kiếm những giải pháp phù hợp hơn.
Như Báo CAND đã có phản ánh, giữa tháng 4/2022, khi có 3 xà lan, tàu hút cùng xe múc di chuyển vào âu thuyền Thọ Quang để tiến hành nạo vét thí điểm khu vực thi công số 1 ở vùng nước phía đông của âu thuyền, dư luận, các chuyên gia về môi trường, người dân khu vực ven biển và bán đảo Sơn Trà đã không khỏi quan tâm trước thông tin: “Dự kiến 346.790m3 chất bùn sau nạo vét từ âu thuyền này sẽ lại được nhận chìm trên biển Đà Nẵng”.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được duyệt, đơn vị trúng thầu hạng mục này là Liên danh Công ty CP 126 và Công ty CP Phú Xuân sẽ phân ô âu thuyền để vừa làm vừa đánh giá hiệu quả, tác động trên cơ sở có sự giám sát, theo dõi của các cơ quan liên quan như Sở TN&MT, Cảnh sát Môi trường, Bộ đội Biên phòng, UBND quận Sơn Trà…
Về phương án nhận chìm chất nạo vét theo báo cáo của Sở TN&MT Đà Nẵng, sẽ sử dụng 3 sà lan với công suất mỗi sà lan 1.495m3/ngày (trung bình 6 chuyến/ngày) để vận chuyển chất nạo vét đi nhận chìm với khối lượng chất nạo vét dự kiến khoảng 3.500m3/ngày. Nhận chìm chất nạo vét theo hình thức xả đáy.
Trước khi xả đáy, sẽ kiểm tra bùn nạo vét trên sà lan, nếu có chất nổi sẽ yêu cầu đơn vị thi công sử dụng tấm hút hết váng nổi. Chất nạo vét sau khi được kiểm tra (bằng cảm quan), nếu không có chất nổi sẽ tiến hành xả đáy sà lan để nhận chìm. Chất nạo vét sẽ được nhận chìm tại khu vực biển có tọa độ tâm là 16 011’14,75” vĩ độ bắc và 108 07’20,75” kinh độ đông cách phao số 0 khoảng 12km. Các cửa xả ở dưới đáy sà lan được mở để xả chất nạo vét xuống biển ở độ sâu khoảng 30m và gần như không có dòng chảy trên biển...
Bên cạnh đó, UBND TP Đà Nẵng giao chủ đầu tư dự án có trách nhiệm xây dựng kế hoạch quan trắc, giám sát chặt chẽ quá trình nhận chìm, chất lượng nước biển, đa dạng sinh học ở khu vực nhận chìm chất nạo vét, thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt bảo đảm đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường để không gây ô nhiễm trong giai đoạn thi công.