Gần 3ha lúa ở Hậu Giang nhiễm mặn chết không phải do cát san lấp cao tốc

Theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, đến nay đơn vị thi công đã hỗ trợ phần lúa bị thiệt hại cho người dân, cạnh đó đã khơi thông nguồn nước tại khu vực này.

Cát san lấp là cát sông, không phải cát biển

Ngày 25-6, liên quan đến vụ gần 3 ha lúa ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang chết nghi có liên quan đến cát san lấp cao tốc, ông Nguyễn Công Duy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy cho biết đơn vị thi công đã hoàn thành hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại. Cụ thể, đã hỗ trợ cho chín hộ dân có diện tích lúa bị chết với tổng số tiền khoảng 44 triệu đồng.

 Chính quyền và ngành chức năng huyện Vị Thủy, Hậu Giang đã khơi thông nguồn nước tại khu vực xảy ra vụ việc lúa cặp đường cao tốc chết do độ mặn cao. Ảnh: PHƯƠNG QUANG

Chính quyền và ngành chức năng huyện Vị Thủy, Hậu Giang đã khơi thông nguồn nước tại khu vực xảy ra vụ việc lúa cặp đường cao tốc chết do độ mặn cao. Ảnh: PHƯƠNG QUANG

Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy cũng thông tin hiện địa phương đã khơi thông nguồn nước tại khu vực xảy ra vụ việc. Cạnh đó, chính quyền và ngành chức năng địa phương cũng sẽ tiếp tục rà soát, theo dõi diễn biến của vụ Hè - Thu này để hỗ trợ cho bà con.

Trao đổi với PLO, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định vật liệu san lấp của đoạn cao tốc đi qua địa bàn là cát sông, không phải cát biển. Theo ông Thanh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nước trong ruộng lúa của bà con có độ mặn cao, ảnh hưởng đến năng suất lúa.

Cụ thể, thời điểm xảy ra vụ việc là lúc mặn cũng đang xâm nhập vào nhiều địa bàn khác của tỉnh Hậu Giang, trong đó có huyện Vị Thủy. Ngoài ra, địa phương này lâu nay có tình trạng nếu khoan cây nước mà không đủ độ sâu sẽ bị ảnh hưởng tầng nước mặn phía dưới, không thể sử dụng được.

"Trong quá trình thi công, phải đào dọc tuyến mới bơm cát vào được. Các chỉ số đo được ở nhiều vị trí khác nhau, tuy nhiên tại vị trí dự án tỉ lệ nhiễm mặn thấp hơn trong ruộng lúa bị ảnh hưởng. Do đó, phải đánh giá rằng nhiễm mặn làm thiệt hại lúa do nhiều yếu tố chứ tại thời điểm đó, không phải do dự án cao tốc dùng cát biển san lấp làm lúa chết” - người đứng đầu UBND tỉnh Hậu Giang cho biết thêm.

 Lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đều khẳng định cát san lấp cho dự án cao tốc đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang là cát sông. Ảnh: CHÂU ANH

Lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đều khẳng định cát san lấp cho dự án cao tốc đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang là cát sông. Ảnh: CHÂU ANH

Trước đó, ngày 14-6, tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng khẳng định: Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau “chưa sử dụng một hạt cát biển nào cả”. Đồng thời, nguồn cát sử dụng cho dự án cao tốc được kiểm soát chặt chẽ, do đó, không “làm dối” được.

Ông Thắng cũng đề nghị cần đưa thông tin chính xác và phải hết sức thận trọng về nội dung này, để không ảnh hưởng tới chủ trương lớn đúng đắn về phát triển hạ tầng giao thông của Đảng, Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết để đánh giá một cách đầy đủ, thận trọng theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ sẽ phối hợp cùng Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT tổ chức đoàn để khảo sát thực tế, tìm hiểu lý do khiến lúa chết ở khu vực này.

Độ mặn ruộng lúa cao hơn nhiều lần ngoài kênh

Hồi tháng 5-2024, chín hộ dân ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang có đơn gửi chính quyền và ngành chức năng địa phương cho biết nhiều diện tích lúa của bà con bị thiệt hại do ảnh hưởng nước mặn, phèn, các chất độc hại khác còn tồn động trong vụ Đông - Xuân còn lại.

 Theo người dân ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, trong khi dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh bắt đầu bơm cát, nhiều diện tích lúa của bà con bị ảnh hưởng do nhiễm mặn. Ảnh: SONG QUỲNH

Theo người dân ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, trong khi dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh bắt đầu bơm cát, nhiều diện tích lúa của bà con bị ảnh hưởng do nhiễm mặn. Ảnh: SONG QUỲNH

Theo bà con, công trình thi công cao tốc qua địa phương khi bơm cát đã làm nước mặn, phèn và các chất độc khác chảy qua ruộng làm cho vụ lúa Đông - Xuân 2023 - 2024 bị thiệt hại. Cạnh đó, khu vực này không có cống thoát nước để xả nước ra ngoài do đường cao tốc chặn ngang.

Từ thực tế đó, người dân đề nghị được xem xét bồi thường, hỗ trợ phần lúa chết do nhiễm mặn. Cạnh đó, bà con còn đề nghị chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện sớm nhất, có đường nước vô, nước ra, để thoát nước mặn, phèn, các chất độc hại khác.

Trao đổi với PV, một nông dân địa phương khẳng định: “Trước đây, vùng đất này cũng trũng, nhưng khi chưa có cao tốc đi qua, bà con làm lúa vẫn trúng “phà phà”.

Ông LVH (ngụ ấp 9, xã Vị Thắng) chia sẻ, cả khu vực này trước đây nằm trong trạm bơm, có hệ thống tưới tiêu, thoát nước. Tuy nhiên, từ năm 2023, khi cao tốc đi ngang, nhiều diện tích đất bị “xa cách” trạm bơm, từ đó, khó khăn trong việc canh tác. Đến vụ Đông - Xuân 2023-2024, khi dự án cao tốc bơm cát san lấp, phần nước bơm cát bị tràn và có phần tràn vào ruộng người dân.

“Trong phần cát nền lúc nào cũng có phèn rất nhiều, vì vậy làm lúa bị khô, bị đỏ, ảnh hưởng năng suất của người dân. Đến vụ Hè - Thu đợt này ảnh hưởng thêm nữa. Thường thường cứ để ý đi, chỗ nào bơm cát rồi, khi lóng nước là có màu vàng” - ông H giải thích thêm.

 Bộ GTVT khẳng định quá trình vận chuyển cát sử dụng san lấp cho cao tốc được giám sát chặt chẽ từ mỏ đến tận công trường. Ảnh: PHƯƠNG QUANG

Bộ GTVT khẳng định quá trình vận chuyển cát sử dụng san lấp cho cao tốc được giám sát chặt chẽ từ mỏ đến tận công trường. Ảnh: PHƯƠNG QUANG

Theo kết quả đo độ mặn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang) tại khu vực bà con phản ảnh, vụ lúa Đông Xuân, nồng độ mặn của ruộng lúa bị thiệt hại là 2,5‰, còn nồng độ mặn của nước ruộng vùng không bị thiệt hại là 0,1‰.

Kết quả đo độ mặn mới đây tại ruộng lúa bị chết là 6,6‰, tại lòng đường cao tốc là 1,8‰, trong khi đó, đo tại kênh thủy lợi chỉ có 0,4‰. Theo đó, qua đánh giá một số diện tích bị chết khoảng 70%, một số diện tích bị ảnh hưởng 20-50%.

Đường đi của cát san lấp từ mỏ đến công trường

Đối với vụ việc lúa ven cao tốc chết, GS Nguyễn Ngọc Trân, từng là Đại biểu Quốc hội ba khóa đã phản ánh đến Thủ tướng. Đồng thời, đề nghị Thủ tướng xem xét việc thay thế cát sông bằng cát biển để xây cao tốc ở bán đảo Cà Mau.

Trả lời vấn đề này, Bộ GTVT khẳng định các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 nói chung và đoạn Cần Thơ – Cà Mau nói riêng đều sử dụng cát sông. Cụ thể, cát được sử dụng là từ những mỏ cát sông được UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cấp cho dự án theo cơ chế đặc thù.

Cạnh đó, quá trình khai thác, vận chuyển về công trình luôn được kiểm soát nghiêm ngặt, chặt chẽ bởi nhiều cơ quan, đơn vị. Trong đó, có cả việc thực hiện kiểm soát việc đăng ký phương tiện vận chuyển cát, lắp đặt định vị hành trình, camera giám sát thiết bị khai thác...

Khi đưa cát về công trường, sẽ được thí nghiệm thành phần hạt, các chỉ tiêu cơ lý theo quy định của chỉ dẫn kỹ thuật và phải đáp ứng yêu cầu mới được tư vấn giám sát, chủ đầu tư chấp thuận.

Đối với việc sử dụng cát biển để thi công thí điểm mở rộng, Bộ GTVT cho biết hiện BQL dự án Mỹ Thuận và các nhà thầu đang làm việc với tỉnh Sóc Trăng để hoàn thiện thủ tục. Mục đích là thi công các đoạn tuyến thuộc cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, nơi có điều kiện môi trường tương đồng với khu vực đã thí điểm trước đây.

CHÂU ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/gan-3ha-lua-o-hau-giang-nhiem-man-chet-khong-phai-do-cat-san-lap-cao-toc-post797306.html