Gần 4.000 trang tài liệu và nhiều điều ít biết về tác giả 'Đất nước trọn niềm vui'
Cuộc đời, sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Hà – tác giả một loạt tác phẩm âm nhạc nổi tiếng, trong đó có 'Đất nước trọn niềm vui'… được lưu giữ đầy đặn qua gần 4.000 trang tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Cùng với khối tài liệu này, nhiều câu chuyện xúc động, bất ngờ về người nhạc sĩ tài hoa qua ký ức người thân của ông đã được chia sẻ trong buổi giới thiệu và tiếp nhận tài liệu nhạc sĩ Hoàng Hà tại Hà Nội, ngày 25/12.
Hành trình 7 năm
Với người yêu âm nhạc thuộc nhiều thế hệ khác nhau, nhạc sĩ Hoàng Hà là tên tuổi đặc biệt quen thuộc bởi những đóng góp to lớn của ông với nền âm nhạc nước nhà. Ông là tác giả của những bài ca còn mãi với thời gian như: Đất nước trọn niềm vui, Cùng hành quân giữa mùa xuân, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn… Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, ông được trao nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, với tác phẩm hợp xướng “Côn Đảo” và các ca khúc “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”, “Cùng hành quân giữa mùa xuân”, “Đất nước trọn niềm vui”, “Tiếng rừng dương”, ông đã vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2017. Nhạc sĩ Hoàng Hà cũng là tác giả của nhiều ca khúc khác như: Con mèo ra bờ sông; Cho tôi đi làm mưa với; Cùng múa hát mừng xuân; Chú bộ đội; Hoa lá mùa xuân; Tổ quốc tin yêu chúng em…
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Trần Việt Hoa cho biết, trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Hà, nhiều tác phẩm âm nhạc của ông không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn là minh chứng về những thời khắc lịch sử của dân tộc, cho thấy nhiều điều thú vị, bất ngờ về cuộc sống, sự nghiệp, quá trình lao động sáng tạo nên các tác phẩm của nhạc sĩ.
Trong quá trình khảo sát, làm việc cùng gia đình nhạc sĩ Hoàng Hà, nhiều cán bộ lưu trữ của Trung tâm rất ngạc nhiên trước những cuốn sổ mini, chỉ dài chừng hơn 1 ngón tay, chi chít những hàng chữ li ti nhưng vô cùng ngay ngắn, ghi chép cẩn trọng, tỷ mỷ công việc mỗi ngày, những ý tưởng sáng tác, bản thảo… của nhạc sĩ.
Sau 7 năm với nhiều nỗ lực, đến nay, Trung tâm đã chỉnh lý, sắp xếp khoa học khối tài liệu của nhạc sĩ, gồm 22 đơn vị bảo quản với gần 4.000 trang tài liệu, có thời gian từ năm 1957- 2006. Đây là những tài liệu về tiểu sử, quá trình sáng tác các ca khúc và các bản tổng phổ hợp xướng âm nhạc, hồi ký, thơ ca thư từ… của ông. Các tài liệu, hiện vật về cuộc đời, nhạc sĩ Hoàng Hà có giá trị, ý nghĩa rất lớn. Lễ tiếp nhận và giới thiệu tài liệu của nhạc sĩ được Trung tâm tổ chức nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày sinh của ông cũng là một sự kiện đặc biệt để tưởng nhớ, vinh danh tài năng của nhạc sĩ, trân trọng những cống hiến của gia đình ông với công tác lưu trữ. Trong thời gian tới, gần nhất là vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của năm 2024, Trung tâm phát huy dưới nhiều hình thức nhằm giới thiệu, lan tỏa giá trị của các tài liệu này.
Ký ức xúc động qua chuyện kể của những người con
Đến dự buổi lễ, những người con, cháu của cố nhạc sĩ rất xúc động khi được xem lại khối tài liệu của cha, ông được bảo quản, lưu giữ, sắp xếp khoa học. Ông Hoàng Cần, con trai của nhạc sĩ Hoàng Hà cho biết, lúc sinh thời, cha ông rất ngăn nắp. Toàn bộ tài liệu được nhạc sĩ bảo quản cẩn thận trong 2 cái tủ của gia đình. Tuy nhiên, vì hầu hết các con, trong đó có ông Cần không theo nghề của cha nên cũng không nắm rõ và không biết phát huy khối tài liệu này như thế nào. Sau nhiều năm, một số tài liệu đã bị hư hỏng. May mắn là các cán bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã hỗ trợ kịp thời…
Theo bà Hoàng Yến, con gái của nhạc sĩ Hoàng Hà, các tài liệu mà gia đình trao tặng Trung tâm gắn liền với nhiều dấu mốc quan trọng và nhiều câu chuyện rất ít người biết trong cuộc đời, sự nghiệp của ông. Bút danh Cẩm La của nhạc sĩ là một trong số đó. Theo bà Yến, nhạc sĩ Hoàng Hà sử dụng bút danh Cẩm La khi sáng tác các ca khúc địch vận như một sự tri ân với nhân dân Cẩm La (tỉnh Vĩnh Phúc), sau một lần được du kích ở địa phương cứu thoát trong kháng chiến.
Nhạc sĩ Hoàng Hà viết ca khúc “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” khi chưa từng đến Trường Sơn. Ông viết “Đất nước trọn niềm vui” khi chưa từng đến TP Hồ Chí Minh, viết “Chào Nha Trang giải phóng” khi chưa từng đặt chân đến Nha Trang. Có một điều rất lạ là các ca khúc được ông sáng tác ngay khi các địa phương này được giải phóng hoặc chỉ ít ngày sau là được giải phóng…
Bà Yến cũng cho biết, gia đình vô cùng tin tưởng khi gửi gắm các tài liệu của người cha kính yêu vào Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và hy vọng, những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh một thời, trong đó có nhạc sĩ Hoàng Hà chưa được nhiều người biết tới sẽ tiếp tục được thế hệ hôm nay và mai sau biết đến nhiều hơn trong thời gian tới, thông qua các hoạt động phát huy khối tài liệu nói trên.