Gần 500 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Hải Dương
Sáng ngày 18/5, tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo UBND tỉnh với các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2023.
Tham dự hội nghị, có đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Ngoại giao; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài; lãnh đạo tỉnh Hải Dương và đại diện hơn 400 Doanh nghiệp FDI trên địa bàn.
Hội nghị gặp mặt là hoạt động tiếp xúc, đối thoại thường niên của lãnh đạo tỉnh Hải Dương với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đây cũng là dịp để lãnh đạo địa phương trao đổi, lắng nghe, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Từ đó kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng nhấn mạnh: Thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND & UBND tỉnh luôn đổi mới công tác chỉ đạo điều hành và ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tại Hội nghị này, lãnh đạo tỉnh Hải Dương rất mong được lắng nghe những ý kiến đóng góp của các đại biểu và đặc biệt là ý kiến của các doanh nghiệp FDI đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, cũng như về cơ chế chính sách và đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành tựu vượt bậc hơn nữa, đóng góp vào sự nghiệp chung phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định: Với sự quan tâm, hỗ trợ và đồng hành của tỉnh, cùng sự nỗ lực, cố gắng đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp nói chung và cộng đồng doanh nghiệp FDI nói riêng, tỉnh Hải Dương sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, sớm xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tính đến nay, trên địa bàn đã có 496 dự án FDI, với tổng vốn trên 9,2 tỷ USD đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ 4 trong khu vực Đồng Bằng Sông Hồng và đứng 11 cả nước. Mục tiêu, ngành nghề tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 437 dự án, tổng vốn 8.672,6 triệu USD, chiếm 94% vốn đăng ký; lĩnh vực dịch vụ có 42 dự án với số vốn 316,2 triệu USD, chiếm 3,4% tổng vốn đăng ký; lĩnh vực nông nghiệp có 17 dự án với số vốn 226,9 triệu USD, chiếm 2,6% tổng vốn đăng ký.
Với lợi thế về vốn, công nghệ và kỹ thuật, kinh nghiệm thương trường, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đang là các doanh nghiệp đi đầu trong xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế, tạo nhiều sản phẩm mới cho hàng hóa sản xuất tại địa phương.
Năm 2018-2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 35.453 triệu USD chiếm 84,8% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI luôn là điểm sáng trong đóng góp vào ngân sách tỉnh, hàng năm luôn chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách của địa phương. Riêng năm 2022, mặc dù tình hình kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng dịch bệnh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp gần 5.000 tỷ đồng, vượt 157% dự toán giao và 108% so với cùng kỳ...
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục Trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao tỉnh Hải Dương trong nhiều năm qua đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thể hiện ngay ở việc tổ chức hội nghị lần này để trực tiếp lắng nghe, giải đáp các ý kiến của các doanh nghiệp; qua đó cho thấy tỉnh rất quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng. Hải Dương là một điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên tỉnh cần hướng tới đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những dự án đầu tư thân thiện với môi trường, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn có tiềm năng trong và ngoài nước....
Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tại hội nghị các doanh nghiệp đã phản ánh một số vướng mắc khó khăn gặp phải như việc tuyển dụng lao động tay nghề cao, việc cấp phép cho lao động nước ngoài; công tác phòng cháy chữa cháy; nâng cao chất lượng cung cấp điện; tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông; khắc phục một số bật cập trong giải quyết thủ tục hành chính cấp phép xây dựng hạ tầng khu công nghiệp.
Ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp đã được các lãnh đạo tỉnh Hải Dương ghi nhận và làm rõ ngay tại hội nghị đối thoại, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành đơn vị liên quan kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất giúp các doanh nghiệp yên tâm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Nhân dịp này, tỉnh Hải Dương tổ chức tôn vinh 24 doanh nghiệp FDI có kết quả hoạt động kinh doanh tốt, có nhiều đóng góp tích cực vào ngân sách tỉnh, góp phần tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận trong suốt thời gian qua.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, trên địa bàn tỉnh hiện có 496 dự án FDI, với tổng vốn trên 9,2 tỷ USD đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ 4 trong khu vực Đồng Bằng Sông Hồng và đứng thứ 11 cả nước.
Trong đó ngành lĩnh vực đầu tư chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo với 437 dự án, tổng vốn 8.672,6 triệu USD, chiếm 94% vốn đăng ký; lĩnh vực dịch vụ có 42 dự án với số vốn 316,2 triệu USD, chiếm 3,4% tổng vốn đăng ký; lĩnh vực nông nghiệp có 17 dự án với số vốn 226,9 triệu USD, chiếm 2,6% tổng vốn đăng ký.
Trong 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn, các nhà đầu tư đến từ các nước Châu Á, chiếm 90%, còn lại là đến từ các nước châu Mỹ, Châu Âu. Trong đó, Hồng Kông là nhà đầu tư lớn nhất với số vốn đầu tư chiếm 40% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Nhật Bản chiếm 16,3%, thứ ba là Hàn Quốc chiếm 15,4%, thứ tư là Đài Loan chiếm 7,8% tổng vốn đầu tư đăng ký....
Những năm gần đây, vốn FDI chiếm từ 35% đến 40% cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Với trên 90% tổng vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực công nghiệp chế tạo, các doanh nghiệp (DN) FDI hiện đang đóng góp trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp tại Hải Dương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh,
Với lợi thế về vốn, công nghệ và kỹ thuật cao, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đang là các doanh nghiệp đi đầu trong xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế, tạo nhiều sản phẩm mới cho hàng hóa sản xuất tại địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI luôn là điểm sáng trong đóng góp vào ngân sách tỉnh, hàng năm luôn chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách của địa phương. Riêng năm 2022, mặc dù tình hình KT - XH gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng dịch bệnh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp gần 5.000 tỷ đồng, vượt 157% dự toán giao và 108% so với cùng kỳ...
Xác định vai trò của doanh nghiệp FDI đối với sự phát triển của tỉnh, những năm qua tỉnh Hải Dương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Lãnh đạo tỉnh cam kết tiếp tục chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Thời gian tới, để thúc đẩy việc thu hút, nâng cao hiệu quả khai thác và phát huy tối đa nguồn vốn FDI, tỉnh Hải Dương xác định ưu tiên thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; Ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng ít đất đai, thân thiện với môi trường. Thu hút đầu tư có chọn lọc, thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng trong và ngoài nước; các nhà đầu tư từ các quốc gia thuộc nền kinh tế lớn, có tiềm lực về vốn, công nghệ và trình độ quản lý; kiên quyết không tiếp nhận các dự án qui mô nhỏ lẻ, suất đầu tư thấp, sử dụng công nghệ trung bình, lạc hậu, không thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư và các dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, xã hội.