Gần 500 người cùng leo Fansipan và hành trình 'Mang yêu thương về nhà'
Băng rừng, lội suối, vượt dốc đá gồ ghề, leo bám những vách đá, đoàn leo núi 500 người đã thành công chinh phục ngọn núi cao nhất Việt Nam Fansipan.
Chương trình leo núi có chủ đề "Mang yêu thương về nhà" được tổ chức bởi Học viện Minh Trí Thành kết hợp với Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên). Đây là hoạt động huấn luyện nhằm giúp các học viên bứt phá bản thân để tìm về bản thể thiêng liêng, dũng cảm nhất của mình.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (đại diện Học viện Minh Trí Thành) cho biết, mỗi người đều có hai ngôi nhà, một ngôi nhà là bản thể thiêng liêng của mình và một ngôi nhà là gia đình. Song hầu hết chúng ta lại hướng ra bên ngoài mà quên kết nối với chính mình, làm tổn thương chính mình và không biết yêu thương bản thân.
Leo Fansipan là hành trình có đủ mọi thử thách dọc đường đi, các học viên phải kết nối sâu sắc với chính mình thì mới vượt qua được. Từ đó, xóa bỏ 5 đám mây tiêu cực: Suy nghĩ tiêu cực - Cảm xúc tiêu cực - Hành vi tiêu cực – Mâu thuẫn nội tâm - Niềm tin giới hạn. Đồng thời, đây cũng là hành trình đong đầy tình yêu thương, đi để trở về và kiến tạo những mối quan hệ hòa hợp trong gia đình, cuộc sống.
Đoàn leo núi được chia thành 8 đội, xuất phát từ Trạm Tôn vào 7h sáng 14/12. Đến 10h cả đoàn đã lên đến điểm nghỉ 2.200m. Càng lên cao thời tiết càng lạnh, chỉ khoảng 5 – 7 độ C, sương mù dày đặc, đường ngày càng khó đi, có những thành viên mệt mỏi, đuối sức. Tuy nhiên, không có ai bỏ cuộc, đến chiều thì các đội lần lượt tới điểm nghỉ 2.800m. Tại đây, cả đoàn giãn cơ, nghỉ ngơi để chuẩn bị cho chặng leo quan trọng nhất: Chinh phục "đỉnh trời" 3.143m.
3h sáng 15/12, hành trình được tiếp tục. Rừng đêm lạnh giá 3 – 5 độ C, các dốc đá cheo leo, trơn trượt, có chỗ phải leo bằng thang sắt nhưng không thể đánh bại tinh thần của đoàn leo núi. Đến 6h sáng, gần 500 con người đã đặt chân lên đỉnh Fansipan, hân hoan niềm vui chiến thắng.
Nói về những thử thách phải đối mặt, chị Huỳnh Hoàng Tâm (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM) gói gọn trong mấy từ "vượt qua nỗi sợ". Chị Tâm vốn rất sợ lạnh. Sau khi đăng ký leo Fansipan, nghe người hỗ trợ nói tháng 12 rất lạnh, chị đã sợ trong cả một tháng trời, ở nhà cũng không dám bật quạt. Nỗi sợ quá lớn khiến chị từng có suy nghĩ hay thôi, không đi nữa. Thế nhưng cuối cùng chị vẫn quyết tâm lên đường với mong muốn bứt phá bản thân.
Leo núi mất sức, cộng thêm cái lạnh giá của núi rừng khiến chị mệt mỏi, nhiều lần ngồi bệt xuống thở dốc, ý nghĩ bỏ cuộc lại nhen lên. "Cố gắng lắm mới lên đến lán nghỉ 2.800m nhưng có lẽ nỗi sợ lạnh đã trỗi dậy khiến tôi bị chuột rút, cơ thể run bần bật dù đã mặc đồ ấm", chị nói.
Được sự hỗ trợ của nhân viên y tế, cổ vũ của đồng đội, đặc biệt là suy nghĩ phải vượt lên chính mình, sức khỏe của chị dần ổn định. Trên chặng leo núi đêm sau đó, cả đoàn đã phải bất ngờ trước sự "lột xác" của chị Tâm.
Không còn yếu đuối, co ro vì sợ lạnh, chị bước đi băng băng, không cần nhờ ai hỗ trợ mà ngược lại còn hô hào tạo động lực cho mọi người, rồi cùng cả đội tận hưởng khoảnh khắc hạnh phúc khi đặt chân lên đỉnh núi.
Cũng chiến thắng bản thân là cô Trương Thị Kim Hường (SN 1968, Quận 9, TP. HCM). Có vấn đề về khớp gối nên nhiều năm trời cô không tập thể dục thể thao. Sau khi biết đến những bài giảng của chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành), cô đã dần chuyển hóa, thay đổi suy nghĩ. Từ một người ít vận động, cô bắt đầu tập chạy bộ với số km tăng dần theo từng ngày. Khi có tổ chức leo Fansipan, cô đã đăng ký tham gia. Để rèn thể lực, trong 2 tháng liền, cô đều đặn leo cầu thang và chạy bộ 10km/ngày.
Dù chuẩn bị kỹ càng nhưng bước vào hành trình leo núi thật sự, cô lại khá chật vật, trở thành mắt xích yếu làm chậm tiến độ của cả đội. "Đội tôi sử dụng chiến thuật đẩy người yếu lên trên và trao cho trách nhiệm dẫn dắt đội. Có lẽ điều đó đã kích hoạt con người mạnh mẽ đầy nội lực bên trong tôi. Tôi thấy mình khỏe khoắn và có những bước đi "thần tốc". Kết quả là đội tôi đã về đích số 2. Thế mới thấy khi ý chí đủ lớn và dám hành động thì không điều gì là không thể", cô nói.
Ông Phạm Minh Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) cho biết, Học viện Minh Trí Thành đã phối hợp với Ban quản lý VQG Hoàng Liên lên kế hoạch kỹ càng, từ việc hướng dẫn học viên rèn thể lực cho đến chuẩn bị chỗ ăn, chỗ ngủ cho đoàn leo núi. Trong quá trình leo, đoàn luôn có sự theo sát của nhân viên y tế, kiểm lâm, porter để hỗ trợ trong những tình huống cần thiết.