Gần 500 tác phẩm dự thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn
Chiều 20-11, Ban tổ chức cuộc thi Sáng tác văn học về đề tài công nhân và công đoàn tổ chức họp báo thông tin về cuộc thi.
Cuộc thi do Báo Lao Động tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam.
Đây là hoạt động cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”; thực hiện tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Sau gần 2 năm triển khai (phát động ngày 23-11-2021, kết thúc nhận bài ngày 31-8-2023), cuộc thi đã nhận 498 tác phẩm dự thi, trong đó 412 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết của gần 300 tác giả là các nhà văn chuyên nghiệp, không chuyên, công nhân, viên chức, học sinh, người cao tuổi và Việt kiều gửi dự thi.
Theo Ban tổ chức, bối cảnh được tái hiện trong các tác phẩm rất sinh động, trải dài trên khắp đất nước, đó có thể là những công nhân trên nông trường chè Tây Bắc, những công nhân đang làm việc trong nhà máy, xí nghiệp ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Đó có thể là những người công nhân đang sống trên những nông trường cao su ở Tây Nguyên, những công nhân vùng mỏ Quảng Ninh... Xuất thân của các nhân vật cũng đa dạng, phong phú.
Thông qua các tác phẩm dự thi, bạn đọc có thể nhìn nhận đầy đủ, chia sẻ và thấu hiểu đời sống, việc làm, vai trò, vị trí của người công nhân và giai cấp công nhân trong tình hình mới; đánh giá đúng vai trò, sứ mệnh, đóng góp của tổ chức công đoàn đối với người lao động và đất nước.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - thành viên Hội đồng chung khảo đánh giá: “Viết về công nhân, công đoàn và người lao động là đề tài rất khó, đòi hỏi sự thâm nhập thực tế, chất liệu đời sống thực tế rất cao của người viết. Hội Nhà văn Việt Nam cũng có ban riêng dành cho các cây bút về viết công nhân, người lao động. Các nhà văn phải thâm nhập đời sống công nhân, ăn ngủ, sinh hoạt, lao động cùng họ để sáng tác. Tuy nhiên, đề tài này bẵng đi một thời gian chưa có những tác phẩm xứng tầm, gây tiếng vang. Cuộc thi như lần này của Báo Lao Động chắc chắn sẽ khơi nguồn, là bệ phóng để chúng ta có được những tác phẩm lớn”.
Ban tổ chức cuộc thi đã tổ chức 2 chuyến đi cho các nhà văn thực tế tại Công ty Than Khe Chàm (tỉnh Quảng Ninh) và Công ty Thaco (tỉnh Quảng Nam). Báo Lao Động cũng giới thiệu gần 90 tác phẩm dự thi trên Báo Lao Động Cuối tuần và chuyển thể 70 tác phẩm sang podcast, đăng tải trên Báo Lao Động điện tử.
Sau thời gian làm việc công tâm, khách quan, Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn 43 truyện ngắn, 18 tiểu thuyết đề nghị đưa vào chung khảo cuộc thi. Tiếp đó, Hội đồng chung khảo đã chọn ra 13 truyện ngắn, 11 tiểu thuyết có chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu cuộc thi để trình Ban Chỉ đạo và Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét, trao giải.
Danh sách tác giả, tác phẩm đoạt giải sẽ được công bố tại Lễ tổng kết và trao giải vào ngày 26-11-2023, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.